Thần Rừng của người Ba Na

Thần Rừng của người Ba Na
Theo già Ama Juyn (70 tuổi, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp,  Đắk Lắk), trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba Na, sự sống hiển hiện như một thể thống nhất qua sự sắp đặt từ bàn tay của thể sóng đôi thần linh tối cao Bok Kei Dei (người chồng) làm ra mặt trời, mặt trăng và Yă Kuh Keh (người vợ) làm nên trời đất. Họ đồng thời là những vị thần chủ trì nhịp điệu nông nghiệp.

Trong đời sống tâm linh của người Ba Na còn vô số các vị thần khác, mỗi thần có một công việc cụ thể theo sự sắp đặt của đấng tạo hóa Bok Kei Dei và Yă Kuh Keh, trong đó có thần Rừng (Yang Bri)… Mỗi làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường có 5 loại rừng thì mới thành làng: Mảnh rừng đầu tiên làm nơi cư trú, ở đó họ dựng nhà rông, ăn ở, các nghi lễ…; mảnh rừng thứ hai làm rẫy, được phân chia cho các gia đình.

Lập làng ở một nơi mới, khi chuẩn bị đốt rẫy để bắt đầu mùa trồng trỉa, người Ba Na cầu khấn thần lửa (Yang Ũnh) để mong thần ban ngọn lửa cháy đều, mùa màng tươi tốt, con người bình yên. Thứ ba là rừng sinh hoạt - mảnh rừng mà con người đến tìm gỗ, lấy mật, hái trái rừng. Người Ba Na từ xưa nay sống gắn bó với rừng, rừng nuôi họ bằng rau rừng, mật ong. Đến mùa ong làm mật, tất cả người lớn trong làng đều đi lấy mật về dùng và bán cho nơi khác. Mùa ong mật cũng là lúc giúp họ có thêm khoản thu nhập.
 
Một nghi thức trong Lễ cúng thần rừng.
Một nghi thức trong Lễ cúng thần rừng.

Họ không xem rừng là gia sản riêng của gia đình mà rừng là của Yang, tức là của thần linh. Làng vay mượn rừng của thần linh để lập làng, làm rẫy và làm nơi sinh hoạt. Theo quan niệm của người Ba Na, khi đi lấy mật ong, nếu tìm được cây cổ thụ có khoảng 10 tổ ong trở lên thì mọi người sẽ phải làm lễ xin thần Rừng, họ mua hương và bánh kẹo làm lễ cúng dưới cây cổ thụ đó. Việc lấy mật sẽ diễn ra ban đêm nếu không tất cả bầy ong sẽ quây lại tấn công người khai thác.

Thanh niên người Ba Na luôn tuân thủ nhiều điều cấm kỵ mỗi khi đi lấy mật rừng mà cha ông truyền lại; trong có quy định tuyệt đối không được cắt hết cả tổ có ong con, chỉ được cắt phần sáp có mật; không chỉ tay vào tổ ong rồi đoán nhiều hay ít mật; không bôi mật ong vào thịt gà để nướng, không đóng đinh vào thân cây để trèo lên bởi có thể làm cây chết khô. Mảnh rừng thứ tư là khu vực nghĩa trang, nơi những người chết trở về với rừng. Thứ năm là rừng thiêng là nơi ở của các thần linh, rừng đầu nguồn giữ nước, giữ sự sống của làng.

Già Ama Tuyn cho biết, sự phân chia các mảnh rừng này đối với người Ba Na là rất quan trọng, thể hiện quan niệm của đồng bào về đất đai, mỗi làng có đất của riêng mình với sự chứng giám của thần linh. Đồng bào Ba Na khẳng định quyền sở hữu vùng đất ấy để tránh sự xâm chiếm của các làng khác. Họ dùng cây cối, con suối, tảng đá để đánh dấu đất đai của làng, người Ba Na gọi là Toring.

Bây giờ, những cánh rừng không còn vẻ thâm u nhưng trong tín ngưỡng của người Ba Na, thần Rừng vẫn là vị thần gần gũi bao bọc cho cuộc sống của họ, nuôi sống họ bằng rau rừng, cá suối, mật ong. Người Ba Na không có thói quen tích trữ, những gì họ làm ra đều đủ dùng cho nhu cầu của mình, đủ để sinh tồn, không hề lãng phí và chẳng bao giờ tàn phá rừng.
 Theo baodaklak.vn
Dân tộc Ba Na Dân tộc Ba Na

Tên tự gọi: Ba Na.

Tên gọi khác: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông...

Nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.

Dân số: 227.716 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.

Hoạt động sản xuất: Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy. Cái cuốc là công cụ chủ yếu trong canh tác nông nghiệp ở tộc người này. Với ruộng khô thì việc thâm canh không bỏ hóa là đặc điểm khác với rẫy. Ruộng khô thường ở vùng ven sông suối. Từ đầu thế kỷ XX, việc làm ruộng nước bằng cày đã ngày càng phát triển ở nhiều nơi. Vườn chuyên canh và vườn đa canh cũng xuất hiện từ lâu. Công việc chăn nuôi và các nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn còn chưa phát triển.

: Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây của Bình Ðịnh, Phú YênKhánh Hòa. Họ cư trú trên nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng, ở giữa làng được xây cất một ngôi nhà công cộng - nhà làng, nhà rông với hai mái vồng và cao vút. Ðó là nhà khách của làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cộng đồng làng như giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức nghi lễ, hội làng, xử án...

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng, cho nam, nữ và cho mọi lứa tuổi. Gùi nhiều kích cỡ to nhỏ và nhiều chủng loại, đan mau và thưa nhưng đều theo một mô típ cổ truyền.

Quan hệ xã hội: Làng là đơn vị xã hội hoàn chỉnh và duy nhất. Tàn dư mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân. Sự tan rã của chế độ mẫu hệ ở đây đã nâng cao địa vị của nam giới nhưng phía mẹ vẫn gần gũi hơn. Sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ. Xã hội có người giàu, người nghèo và tôi tớ.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm