Tộc
người Mảng tập trung chủ yếu ở
tỉnh Lai Châu. Từ lâu tộc người này đã được biết tới với những nghi lễ huyền bí và điệu Soỏng nồng say. Ngoài ra, những tập tục cưới truyền thống cũng góp phần tạo nên sự độc đáo trong nét văn hóa chỉ riêng có ở dân tộc Mảng ở Lai Châu.
Để lấy vợ, chàng trai người Mảng cần phải có người làm mối và một số lễ vật như: Bạc trắng, lợn, gà, gạo nếp, rượu cần, cá suối sấy khô và đặc biệt không thể thiếu hai bó thịt sóc hoặc chuột sấy khô.
Người Mảng thường cưới khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ngày cưới, nhà trai mang lễ vật sang và tổ chức cưới tại nhà gái. Đám cưới diễn ra trong 4 ngày, 2 ngày tại nhà gái và 2 ngày ở nhà trai. Những lễ vật mà nhà trai mang sang để tổ chức cưới, nhà gái đem chia lại cho anh em và người trong bản mỗi người một phần. Bố mẹ chú rể không được đến dự ở nhà gái, người Mảng quan niệm Lễ vật họ mang đến là đổi lấy con dâu, nếu họ đến và ăn những thức ăn đó sẽ ảnh hưởng đến đôi vợ chồng sau này.
Khi cưới ở nhà gái, cô dâu chú rể ở buồng riêng, nấu nướng ăn uống cũng riêng.
Một cái độc đáo khác trong đám cưới của người Mảng là tục châm thuốc mời gia đình hai họ và khách khứa; hất nước, rượu, bôi nhọ nồi... vào mặt những người trong đoàn đưa, đón dâu cho may mắn... Ở nhà trai, mọi thủ tục cơ bản giống như khi cưới bên nhà gái, song cặp vợ chồng trẻ không phải ăn riêng ở riêng như bên nhà gái.
Dưới đây là một số hình ảnh về đám cưới của anh Lò Văn Ca, 20 tuổi ở bản Nậm Sập, xã Nậm Pì và chị Lò Thị Kem, 18 tuổi ở bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu).
 |
Bà con đến giúp đôi vợ chồng trẻ đưa đồ dùng về nhà chồng. |
 |
Gia đình nhà trai chuẩn bị gạo để đi hỏi vợ cho chú rể . |
 |
… lợn và nhiều lễ vật khác cũng được mang sang nhà gái tổ chức đám cưới . |
 |
Tại nhà gái, ông mối và đại diện nhà trai phải quỳ lạy nhà gái trước khi thưa chuyện để tỏ rõ sự tôn trọng và thiện chí. |
 |
Nhà gái kiểm tra lễ vật thách cưới. |
 |
Trong ngày cưới đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ mổ con lợn mà nhà trai mang sang để mời bà con đến ăn uống mừng cho đôi vợ chồng trẻ. |
 |
Ngoài việc được ăn uống mỗi gia đình còn được chia phần mang về . |
 |
Anh em họ hàng, dân làng đến dự đám cưới cũng tặng quà cho gia chủ.... |
 |
Trong những ngày cưới ở nhà gái, cô dâu chú rể phải tự nấu đồ ăn cho mình và ăn riêng, không được sử dụng bất kì thức ăn nào trong đám cưới. |
 |
Để mừng cho cô dâu, chú rể và gia chủ, mọi người vừa ăn uống vừa hát múa chúc mừng. |
 |
Đại diện cho bố mẹ của chú rể và chú rể mang điếu cày và thuốc lào đến từng mâm, quỳ xuống mời và châm thuốc cho từng người để tỏ lòng biết ơn, tôn trọng nhà gái và những người đến dự đám cưới. |
 |
Trong bữa cơm cuối cùng trước khi đưa cô dâu về nhà chồng, hai ông mối sẽ lấy chiếc đầu gà cúng của bữa hôm đó, bóc lấy phần mỏ dưới để xem điều tốt xấu. |
 |
Khi nhà trai đưa dâu về, nhà gái sẽ phải chuẩn bị cho con những vật dụng thường ngày như quần áo, chăn màn, xoong nồi, bát đĩa... |
 |
Nhà gái sẽ tìm mọi cách mời rượu, bôi nhọ nồi vào mặt ông mối và những người trong đoàn đón dâu để mong điều may mắn. |
 |
… hất nước vào những người trong đoàn để chúc phúc cho cô dâu, chú rể. |
 |
Thậm chí đổ rượu và bốc cả bùn bôi vào người, mặt những người trong đoàn để đoàn đi về nhà trai sẽ may mắn thuận lợi hơn. |
 |
Dân làng và người thân lưu luyến tiễn cô dâu về nhà chồng. |
 |
Đoàn đón dâu về đến nhà trai, tại đây mọi thủ tục đều thực hiện giống như bên nhà gái. |
Theo baolaichau.vn