Nghi lễ trao vòng tay. |
Để đi đến hôn nhân, người Bahnar có 2 lễ tục mang tính bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới. Lễ trao vòng gọi là lễ “Cật rêng”, giống như lễ đính hôn của người Kinh. Khi yêu nhau và muốn tiến đến hôn nhân, trước tiên đôi trai gái có trách nhiệm về mở lời với gia đình, anh chị em để tham vấn và nhận sự đồng thuận. Theo phong tục, khi biết sự việc, cha chàng trai sẽ hỏi con trai để biết nguyện vọng của con mình; ở đằng gái, người mẹ cũng hỏi con gái có yêu nhau chín muồi chưa. Nếu chấp thuận, nhà trai sẽ đi tìm người mai mối trong làng. Người làm mối trước hết phải là người đàn ông thuần thạo phong tục và giỏi ăn nói. Người làm mối gọi là “Pơ ngai tơ roong” còn phải là người có uy tín và không có sai phạm trong hôn nhân. Ông mối nhận lời sẽ tiến hành bước đầu tiên là mời phía nhà gái đến nhà trai để làm lễ trao vòng.
Đây là bước thủ tục quan trọng, không thể thiếu. Trước sự chứng kiến của ông mối và 2 bên gia đình, đôi trai gái sẽ trao vòng cho nhau. Chàng trai trao cho bạn đời của mình chiếc vòng bằng nhôm, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng bằng đồng thể hiện sự dẻo dai và cứng cỏi. Có lúc chàng trai còn trao cho bạn đời thêm một chuỗi hạt cườm đeo cổ. Ngoài những lễ vật không thể thiếu, đôi trai gái còn tặng thêm cho nhau những kỷ vật do chính tay mình làm ra. Lễ trao vòng được tổ chức dù đơn giản nhưng rất quan trọng để có sự ràng buộc lẫn nhau theo luật tục. Khi đã làm lễ trao vòng, chàng trai và cô gái không được quyền quan hệ yêu đương với người khác, dù chỉ trong suy nghĩ. Nếu vì lý do khách quan hay chủ quan, một trong 2 người thấy không thể kết duyên với nhau nữa thì phải nộp cho ông mối một con gà, trả lại các kỷ vật đã tặng nhau và phải bồi thường danh dự một con heo ba gang và chiếc nồi đồng bảy gang.
Sau đó, 2 bên tiến hành lễ cưới. Người Bahnar gọi lễ cưới là “Pơ koong”. Thường thì họ chọn để tổ chức vào dịp cuối năm (tháng 12 hoặc tháng 1 Dương lịch), gọi là tháng “ Khay ning nong” sau mùa thu hoạch, tháng nông nhàn. Vì đây là lúc họ có điều kiện kinh tế hơn cả, lúa thóc đầy bồ, bò trâu đầy chuồng, gà đầy sân. Để thích hợp với điều kiện tự nhiên, họ thường chọn ngày cưới vào giữa tháng có trăng tròn để thêm ánh sáng cho việc tổ chức hội tiệc. Mỗi đám cưới được xem là một ngày hội của dân làng. Lễ cưới thường được tổ chức tại nhà rông vào buổi chiều. Lễ vật bao gồm một ghè rượu cần, một con gà, bộ lòng gà nấu chín và một đĩa tiết sống. Một người tham gia chứng kiến làm lễ khấn báo với vị thần bản mệnh của cộng đồng làng để được chứng minh hạnh phúc của đôi vợ chồng. Sau đó, người đứng khấn lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu chú rể. Ông mối quay lại cầm tay có đeo vòng của cặp vợ chồng chạm vào nhau thể hiện thay lời hứa và đồng tình tự nguyện đến với hôn nhân rồi cô dâu, chú rể cùng ăn chung một đùi gà, một miếng gan gà, uống chung một bát rượu cúng. Sau đó, già làng và ông mối lần lượt dùng những lời hay ý đẹp để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.
Sau hôn lễ ở nhà rông, tiệc được tổ chức riêng tại 2 gia đình. Tùy theo khả năng của mỗi bên, bà con được mời đến dự tiệc với những ghè rượu cần và những nong thức ăn bày ra giữa sân để cùng thưởng thức và nhảy múa. Cha mẹ cô dâu, chú rể lần lượt đến từng mâm để mời mọc và ngỏ lời cảm ơn. Sau khi tiệc tàn, ông mối mới dắt cô dâu về bên nhà trai giao cho chú rể và tự tay trải chiếu cho họ. Nhưng trước khi đi ngủ, vợ chồng còn có bữa ăn riêng đầu tiên. Ngày đầu tiên sau lễ cưới, lần lượt 2 bên sui gia mời ông mối để cảm ơn và hậu tạ theo phong tục.
Nghi thức và phong tục cưới hỏi của cộng đồng người Bahnar đã thể hiện nét văn hóa rất đẹp cần được phát huy. Vấn đề hôn nhân là tự nguyện, không có sự ép buộc hay mang tính gả bán. Hạnh phúc thuộc về sự tôn trọng quyền tự do hôn nhân ở một cộng đồng người dân tộc thiểu số rất đáng được duy trì.
Theo baogialai.com.vn