Cô dâu và phù dâu mặc trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y trong ngày cưới. |
Các đôi trai gái đã tìm hiểu nhau, trước khi tổ chức đám cưới, hai gia đình sẽ làm lễ dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới. Sau lễ dạm ngõ, theo phong tục, hai gia đình sẽ xem tuổi đôi nam nữ hợp nhau thì thống nhất sính lễ và tiến hành lễ hỏi. Theo đó, nhà trai sẽ chuẩn bị sính lễ với 1,2 triệu tiền mặt, 25kg gạo, 25kg thịt lợn, 20 lít rượu trắng. Bên nhà gái sắm chăn, màn, chiếu, vali cho con gái đi lấy chồng. Sau khi trao sính lễ, đôi nam nữ đã được hai gia đình công nhận và quyết định ngày cưới. Đám cưới của người Dao Thanh Y nhất thiết phải có ông mối - người được gia đình chú rể tín nhiệm mời trước đó cả tháng để cùng với chú rể, cô dâu thực hiện các nghi lễ trong ngày cưới và sau này, cô dâu sẽ nhận ông mối là bố suốt đời.
Trong ngày cưới, sau khi chú rể xin phép gia tiên, đoàn nhà trai sẽ mang đôi gà, thịt lợn đến nhà gái. Lễ cưới diễn ra trang trọng với nhiều nghi thức trong niềm hoan hỷ của 2 gia đình. Nghi lễ được tiến hành từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau, liên tiếp từ nhà gái sang nhà trai, bao gồm rất nhiều nghi thức như: Hát đối đáp giữa đoàn đón dâu nhà trai với nhà gái; lễ se duyên; lễ tiếp nhận lễ vật do nhà trai mang đến...
Trước khi về nhà chồng, cô dâu được người thân cõng ra khỏi nhà. Cô dâu, chú rể sẽ che kín mặt bằng một chiếc khăn rồi cùng theo ông mối và thầy cúng vào làm lễ tại nhà bếp nhà cô dâu. Lúc này, thầy cúng làm lễ se duyên cho cô dâu, chú rể. Sau nghi lễ này, cô dâu, chú rể mới được bỏ khăn che mặt nhìn nhau.
Cô dâu và chú rể che mặt bằng một chiếc khăn và theo ông mối, thầy cúng vào bếp làm lễ xe duyên. |
Vào ngày cưới, cô dâu mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bộ trang phục này do chính cô dâu tự thêu hoặc do mẹ, chị, cô, dì... của cô dâu thêu cho trước khi đi lấy chồng. Chú rể cũng mặc trang phục đẹp, đội mũ và mang chiếc ô màu đen.
Bên nhà trai sẽ đốt một bát dầu hỏa ở đầu ngõ để đón cô dâu. Đoàn rước đưa cô dâu về nhà trai, cô dâu, chú rể phải bước qua bát lửa và bước qua một dải dây lưng được chăng ở cửa trước khi vào nhà, với dụng ý để ngăn chặn những điều xấu theo cô dâu về nhà. Sau đó cả cô dâu, chú rể đứng lên chiếc chiếu, cũng đồng nghĩa là nghi lễ kết duyên bắt đầu. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao Thanh Y, có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng người chồng của mình.
Lúc này, thầy cúng dùng phép xua đuổi tà ma và những gì không tốt đẹp của cả cô dâu, chú rể, chỉ để lại những điều tốt đẹp và làm lễ kết duyên cho đôi nam nữ. Trưởng đoàn cùng họ nhà gái dặn dò chú rể, cô dâu một lòng yêu thương nhau đến trọn đời, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau lễ kết duyên, hai gia đình tổ chức ăn uống mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Trước khi nhà gái ra về, họ nhà trai sẽ cử người hát một bài để chúc họ nhà gái đi về bình an và mong một ngày gặp lại trong hoan hỷ.
Cùng với những phong tục, tập quán khác trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, lễ cưới truyền thống với những nghi lễ trang trọng là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có được giữ gìn từ bao đời nay của người Dao Thanh Y ở xã Quảng Đức.
Theo baoquangninh.com.vn