Lễ cưới của dân tộc Bố Y

Lễ cưới của dân tộc Bố Y

Bố Y là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Lào Cai. Với dân tộc Bố Y, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn đến ngày nay.

Trước đây, dân tộc Bố Y có tập tục là chỉ được lấy người cùng dân tộc mình. Sau này tập tục đó được bãi bõ, nam nữ được tự do chọn vợ, chọn chồng ở các dân tộc khác. Lễ cưới được tổ chức đầu xuân với mong muốn sự sinh sôi, nảy nở.

Bà mối sang nhà gái hỏi chuyện.
Bà mối sang nhà gái hỏi chuyện.
Lễ cưới của người Bố Y được tổ chức qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, nhà trai nhờ bà mai sang hỏi dò ý kiến cô gái, xong hỏi ý kiến bố mẹ cô gái xem có đồng ý hay không, nếu nhà gái đồng ý bà mai sẽ quay về trao đổi lại với nhà trai. Sau đó, nhà trai tiếp tục nhờ ông mai, bà mối sang bên nhà gái để nói về lễ thách cưới và rồi quay về để thông báo cho nhà trai. Trong vòng 10 ngày, nhà trai sẽ sang nhà gái để thống nhất về lễ thách cưới đồng thời chuẩn bị 1 mâm lễ để cúng tổ tiên bên nhà gái gồm: 1 con gà trống, 3 gói kẹo, 3 bó hương, 2 cây nên và 2 lít rượu, tiếp theo đó, nhà trai sẽ xin lá số cô dâu để về nhờ thầy xem ngày cưới chính thức và thông báo lại về cho nhà gái.
Nhà trai mang lễ vật thách cưới sang nhà gái.
Nhà trai mang lễ vật thách cưới sang nhà gái.
Khi làm lễ cưới, nhà trai sẽ đem đến nhà gái trước hôm đón dâu một ngày những đồ sính lễ: một đôi gà, gạo nếp, rượu trắng, thịt lợn,…, một bộ nữ phục bao gồm: quần áo, khăn, xiêm, giày vải, trang sức bằng bạc: một đôi khuyên, một đôi vòng cổ, một đôi vòng tay. Tất cả được đựng vào một chiếc rương màu đỏ. Chiếc rương này sẽ được đem về nhà chồng trong buổi dẫn dâu.Khi sang đón dâu nhà trai cũng mang theo 1 đôi gương đồng gồm 1 chiếc to, 1 chiếc nhỏ, chiếc to cài vào cửa nhà gái, chiếc nhỏ cô gái mang theo bên mình ngụ ý xua đuổi tà ma những điều kém manh mắn.
 
Nhà trai rước cô dâu về.
Nhà trai rước cô dâu về.
Đoàn dâu nhà trai thường chỉ có từ tám đến mười người, nhưng phần nhiều đều ít tuổi. Trong đoàn này phải có hai đôi còn son trẻ, hai đôi đã có vợ chồng, họ là anh, chị, em và bầu bạn thân thiết của chú rể. Điểm nổi bật trong đám cưới của người Bố Y là chú rể sẽ không bao giờ có mặt trong đoàn đón dâu. Em của chú rể dắt theo một con ngựa đẹp mã để chị dâu cưỡi lúc về nhà chồng. Nhà gái cũng cử ra một đoàn có con số và thành phần tương ứng với đoàn nhà trai để đưa dâu.
Làm lễ ngoài sân trước khi vào nhà.
Làm lễ ngoài sân trước khi vào nhà.

Khi về đến nhà trai, cô dâu và chú rể sẽ được làm lễ cúng ngoài sân trước để xua duổi tà ma, đuổi cái xấu, rồi sau đó vào nhà làm lễ bái thiên địa, bái cao đường và bước vào tranh phòng. Sau các thủ tục nghi lễ cưới, họ hàng bà con, bạn bè của gia đình vui vẻ chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Theo Langvietonline.vn

Dân tộc Bố Y Dân tộc Bố Y

Tên tự gọi: Bố Y.

Tên gọi khác: Chủng Chá, Trọng Gia...

Nhóm địa phương: Bố Y và Tu Dí.

Dân số: 2.273 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Nhóm Bố Y nói ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), còn nhóm Tu Dí nói ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).

Lịch sử: Người Bố Y di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 150 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Bố Y vốn giỏi làm ruộng nước nhưng đến Việt Nam cư trú ở vùng cao nên chủ yếu phải dựa vào canh tác nương rẫy và lấy ngô làm cây trồng chính. Bên cạnh đó mỗi gia đình thường có một mảnh vườn để trồng rau. Ngoài nuôi gia súc, gia cầm họ còn nuôi cá ruộng và biết làm nhiều nghề thủ công như dệt, rèn, gốm, đục đá, chạm bạc, đan lát, làm đồ gỗ...

Ăn: Người Bố Y ăn ngô xay nhỏ đem luộc cho chín dở rồi mới đồ lên gọi là mèn mén.

Mặc: Trước đây, phụ nữ mặc váy xoè như váy của phụ nữ Mông, váy được tạo hoa văn bằng cách bôi sáp ong lên mặt vải rồi đem nhuộm chàm. Áo ngắn 5 thân có ống tay rời, xiêm che ngực và bụng. Phụ nữ đeo trang sức bằng bạc gồm dây chuyền, vòng tay, khuyên tai; tóc được búi ngược lên đỉnh đầu, đội khăn chàm có thêu hoa văn bằng chỉ màu. Ngày nay, họ mặc giống như người Nùng trong cùng địa phương. Phụ nữ nhóm Tu Dí ăn mặc theo kiểu người Hán nhưng áo có ống tay rời.

: Người Bố Y cư trú ở Quản Bạ (Hà Giang) và Mường Khương (Lào Cai). Họ ở nhà đất có 2 mái lợp gianh, gỗ hoặc ngói, tường đất trình. Nhà có 3 gian, có sàn gác trên quá giang là chỗ để lương thực và là chỗ ngủ của những người con trai chưa vợ.

Quan hệ xã hội: Có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Tầng lớp trên gồm trưởng bản (pin thàu) và người giúp việc (xéo phải).

Cưới xin: Gồm 3 bước:

Bước 1: Nhà trai cử 2 bà mối sang nhà gái xin lá số cô gái về để so tuổi. Nhà gái thường tỏ thiện chí bằng cách tặng nhà trai 10 quả trứng gà nhuộm đỏ. Nếu thấy "hợp tuổi", nhà trai cử 2 ông mối sang trả lá số và xin "giá ăn hỏi".

Bước 2: Lễ ăn hỏi. Sau lễ này, hôn nhân của đôi trai gái coi như được định đoạt.

Bước 3: Lễ cưới. Nhà trai đưa sính lễ cho nhà gái. Ngoài một số thực phẩm còn có 1 bộ trang phục nữ. Chàng rể không đi đón dâu. Khi về nhà chồng, cô dâu cưỡi ngựa do em gái chồng dắt và mang theo một cái kéo, 1 con gà mái nhỏ để đến giữa đường thì thả vào rừng.

Sinh đẻ: Xưa kia, người phụ nữ có tục đẻ ngồi, cắt rốn cho trẻ bằng mảnh nứa, nhau (rau) chôn ngay dưới gầm giường. Khi đứa trẻ được 3 ngày làm lễ cúng mụ, đặt tên tục, đến khi được 2- 3 tuổi mới đặt tên chính thức. Nếu đứa trẻ hay ốm đau thì phải tìm bố nuôi cho vía của nó có chỗ nương tựa.

Ma chay: Ma chay là thể hiện tình cảm của người sống với người chết và đưa hồn người chết về quê cũ. Trước khi đưa đám bắn 4 phát súng, lúc khiêng quan tài cho chân người chết đi trước. Từ nhà đến huyệt phải nghỉ 3 lần (nếu vợ hoặc chồng còn sống) hoặc 4 lần (nếu vợ hoặc chồng đã chết). Người nhà để tang 3 năm, trong thời gian có tang con trai không được uống rượu, con gái không được đeo đồ trang sức, con cái không được lấy vợ, lấy chồng.

Thờ cúng: Trên bàn thờ đặt 3 bát hương thờ trời, táo quân và tổ tiên. Dưới gầm bàn thờ đặt một bát hương thờ thổ địa. Nếu bố mẹ vợ chết không có người thờ cúng thì con rể lập bàn thờ nhỏ cạnh cửa để thờ.

Lễ tết: Có nhiều Tết: Nguyên đán, Rằm tháng giêng, 30 tháng giêng, Hàn thực, Ðoan ngọ, Mùng 6 tháng 6, Rằm tháng 7, Cơm mới. Tết Cơm mới tổ chức vào tháng 8 hay tháng 9 âm lịch, có bánh chưng, bánh chay và xôi nhuộm màu.

Lịch: Người Bố Y tính ngày, tháng theo âm lịch.

Học: Trước đây có một số người dùng chữ Hán để ghi gia phả, viết bài cúng, làm lá số...

Văn nghệ: Ở nhóm Tu Dí thường hát đối đáp tại phiên chợ xuân hay tại nhà, lời ca bằng tiếng Hán, được phụ hoạ bằng kèn lá.

nghe-nhan-uu-tu-lo-lai-suu-dan-toc-bo-y-lao-cai-vtruyen-day-cac-dieu-mua-bai-hat-dan-ca-cho-the-he-tre-anh-trong-chinh-66.jpg
Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu (dân tộc Bố Y, Lào Cai) truyền dạy các điệu múa, bài hát dân ca cho thế hệ trẻ. Ảnh Trọng Chính

Chơi: Trong dịp hội hè, người Bố Y có các trò chơi đánh đu, cờ tướng, đánh quay, đánh khăng.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm