Múa trống đôi của người Chăm H’roi

Múa trống đôi của người Chăm H’roi
Nghệ thuật diễn xướng mang tính thể thao

Trống đôi, hay còn được gọi là Chigưl là nhạc cụ thuộc họ màng rung có từ lâu đời của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh (Bình Định), Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên). Gọi là trống đôi vì trống luôn được diễn tấu theo cặp gồm trống đực và trống cái. Loại nhạc cụ này được dùng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’roi.
 
Múa trống đôi độc đáo của người Chăm H’roi
Múa trống đôi độc đáo của người Chăm H’roi

Trong những lễ hội quan trọng như đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe…, trống đôi là nhạc cụ đi liền với dàn cồng ba và chiêng năm được chủ thể văn hóa diễn tấu. Nghi thức này là sự khẩn cầu thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng thuần hậu về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh. Âm vang của tiếng trống còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa. Mặt khác, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.

Sự sáng tạo đặc biệt của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống trước hết là việc tạo ra âm thanh từ cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để vê, vuốt trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp chứ không bằng dụng cụ dùi hay đùi trống.

Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn cặp nhạc cụ này người ta còn thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Người diễn tấu đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay người chơi trống vỗ vào mặt trống liên hồi, hai người múa trống đôi cùng nhau phải tạo sự ăn í, nhịp nhàng. Trống nặng khoảng 4 kg nhưng người diễn tấu phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, nhún nhảy. Vì vậy, người diễn tấu ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, cần phải có sức khoẻ và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.
 
Đồng bào Chăm H’roi đến từ huyện Vân Canh (Bình Định) tái hiện lễ cầu mưa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (18/11/2015)
Đồng bào Chăm H’roi đến từ huyện Vân Canh (Bình Định) tái hiện lễ cầu mưa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (18/11/2015)

Đặc biệt, trong những lễ hội quan trọng của buôn làng, trống đôi còn được diễn tấu suốt đêm. Từng cặp thay phiên nhau diễn tấu. Cặp này mệt, cặp khác thay, cuộc “đấu trống” diễn ra suốt đêm.

Tiếng nói tâm tình và sự sáng tạo ngẫu hứng

Trước hết, giai điệu của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không bị giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định nào. Thông qua âm thanh, nhịp điệu và tiết tấu của trống đôi, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình với nhau mà không cần lời nói nào.

Bằng trống đôi, người diễn tấu có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm của âm thanh từ nhịp trống như những lời tâm tình, trò chuyện. Do đó nghệ thuật múa trống đôi đòi hỏi phải là một cặp diễn tấu ăn ý và hiểu ý nhau, tiết tấu, nhịp điệu và âm thanh được tạo ra phải nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia đánh dồn dập… như một cuộc đối thoại của hai người bạn. Múa trống đôi cũng có nghĩa là trò chuyện, tâm tình cùng nhau. Nghe hai người đánh trống đôi, người ta có thể cảm nhận được tình cảm vui, buồn hay nhớ nhung, giận hờn, trách móc…

“Cái khó nhất chính là ở chỗ làm thế nào để cho tiếng trống của hai người không bị lỗi nhịp, có thể hòa vào nhau. Muốn vậy, phải là hai người hiểu nhau, tâm đầu ý hợp mới có thể cùng nhau chơi trống. Thậm chí ngoài đời họ còn là bạn chí cốt” - nghệ nhân So Minh Cư (làng Hà Ra, xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân, Phú Yên) cho biết.
 
Đồng bào Chăm H’roi đến từ huyện Vân Canh (Bình Định) tái hiện lễ cầu mưa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (18/11/2015)
Đồng bào Chăm H’roi đến từ huyện Vân Canh (Bình Định) tái hiện lễ cầu mưa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (18/11/2015)

Đặc biệt, trong diễn tấu trống đôi, tính ngẫu hứng của tiết tấu, nhịp điệu khá cao. Sự ngẫu hứng này đã tạo nên những khúc biến nhịp điệu tấu vô cùng sinh động, khi thì nhẹ nhàng như lời tâm sự, lúc hưng phấn, sôi nổi mạnh mẽ theo từng tâm trạng của người diễn tấu. Bởi vậy, cặp diễn tấu trống đôi phải nắm vững nhịp điệu, tiết tấu nhưng phải có khả năng cảm nhận tinh tế nhịp điệu, tiết tấu của người cùng diễn tấu hòa âm ăn í. Trong lễ xây cột của lễ hội đâm trâu, cuộc trò chuyện bằng âm thanh trống diễn tiếp suốt đêm đầy mê hoặc, quyến rũ. Người diễn tấu, người nghe bị cuốn hút vào âm thanh đầy ngẫu hứng. Những lo lắng buồn phiền bỗng tan biến. Nỗi đau, sự mất mát được xoa dịu. Liệu pháp kỳ diệu của âm thanh, vũ điệu múa trống làm tâm hồn trở nên thanh sạch, hướng thiện, lạc quan phới phới.

Âm thanh của trống đôi và vũ điệu hình thể của múa trống đôi là thứ ngôn ngữ đặc biệt kết nối từ quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối cộng đồng được được người Chăm H’roi giữ gìn, trao truyền từ xa xưa. Tiếng trống được cất lên báo hiệu mùa lễ hội, báo hiệu những cuộc vui của cả cộng đồng. Những tâm tình, những buồn vui và những mâu thuẫn, bất hòa đều được giải tỏa qua âm thanh của trống đôi.

Với những giá trị to lớn của nó, cùng với nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm, nghệ thuật trình diễn trống đôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2016.
Theo langvietonline.vn
Dân tộc Chăm Dân tộc Chăm

Tên gọi khác: Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời...

Nhóm địa phương: Chăm Hroi, Chăm Poổng, Chà Và Ku, Chăm Châu Ðốc.

Dân số: 161.729 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Polynéxia (ngữ hệ Nam Ðảo).

Lịch sử: Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỉ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm pa. Hiện tại cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh ThuậnBình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Ðốc, Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.

Hoạt động sản xuất: Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thuỷ lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Nam Bộ lại sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu.

Nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên. Việc buôn bán với các dân tộc láng giềng đã xuất hiện từ xưa. Vùng duyên hải miền Trung đã từng là nơi hoạt động của những đội hải thuyền nổi tiếng trong lịch sử.

Ăn: Người Chăm ăn cơm, gạo được nấu trong những nồi đất nung lớn, nhỏ. Thức ăn gồm cá, thịt, rau củ, do săn bắt, hái lượm và chăn nuôi, trồng trọt đem lại. Thức uống có rượu cần và rượu gạo. Tục ăn trầu cau rất phổ biến trong sinh hoạt và trong các lễ nghi phong tục cổ truyền.

Mặc: Nam nữ đều quấn váy tấm. Ðàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy. Ðàn bà mặc áo dài chui đầu. Màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông. Ngày nay, trong sinh hoạt hằng ngày, người Chăm ăn mặc như người Việt ở miền Trung, chỉ có chiếc áo dài chui đầu là còn thấy xuất hiện trong giới nữ cao niên.

Vào dịp lễ Ramưwan, nam nữ người Chăm thường khoác lên mình trang phục truyền thống với nhiều sắc màu thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng người Chăm. Ảnh Nguyễn Thanh.jpg
Vào dịp lễ Ramưwan, nam nữ người Chăm thường khoác lên mình trang phục truyền thống với nhiều sắc màu thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng người Chăm. Ảnh Nguyễn Thanh

: Người Chăm cư trú tại Ninh Thuận, Bình Thuận, ở nhà đất (nhà trệt). Mỗi gia đình có những ngôi nhà được xây cất gần nhau theo một trật tự gồm: nhà khách, nhà của cha mẹ và các con nhỏ tuổi, nhà của các cô gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục trong đó có kho thóc, buồng tân hôn và là chỗ ở của vợ chồng cô gái út.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu và thường xuyên vẫn là cái gùi cõng trên lưng. Cư dân Chăm cũng là những người thợ đóng thuyền có kỹ thuật cao để hoạt động trên sông và biển. Họ làm ra những chiếc xe bò kéo, trâu kéo có trọng tải khá lớn để vận chuyển trên bộ.

Quan hệ xã hội: Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ, mặc dù xã hội Chăm trước đây là xã hội đẳng cấp, phong kiến. Ở những vùng theo Hồi giáo Islam, tuy gia đình đã chuyển sang phụ hệ, vai trò nam giới được đề cao, nhưng những tập quán mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét trong quan hệ gia đình, dòng họ với việc thờ cúng tổ tiên. Cư dân Chăm vốn được phân thành hai thị tộc: Cau và Dừa như hai hệ dòng Niê và Mlô ở dân tộc Ê đê. Về sau thị tộc Cau biến thành tầng lớp của những người bình dân, trong khi thị tộc Dừa trở thành tầng lớp của quý tộc và tăng lữ. Dưới thị tộc là các dòng họ theo huyết hệ mẹ, đứng đầu là một người đàn bà thuộc dòng con út. Mỗi dòng họ lại có nhiều chi họ. Xã hội cổ truyền Chăm được phân thành các đẳng cấp như xã hội Ấn Ðộ cổ đại. Họ có những vùng cư trú riêng và có những ngăn cách rõ rệt: không được thiết lập quan hệ hôn nhân, không sống cùng một xóm, không ăn cùng một mâm...

Cưới xin: Phụ nữ chủ động trong quan hệ luyến ái. Hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con sinh ra đều theo họ mẹ. Sính lễ do nhà gái lo liệu. Gia đình một vợ một chồng là nguyên tắc trong hôn nhân.

Ma chay: Người Chăm có hai hình thức đưa người chết về thế giới bên kia là thổ táng và hoả táng. Nhóm cư dân theo đạo Bà la môn thường hoả táng theo giáo luật, còn các nhóm cư dân khác thì thổ táng. Những người trong cùng một dòng họ thì được chôn cất cùng một nơi theo huyết hệ mẹ. 

Nhà mới: Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận khi dựng nhà mới phải thực hiện một số nghi lễ cúng thần như: cúng Thổ thần để đốn gỗ tại rừng. Khi gỗ vận chuyển về làng phải làm lễ đón cây. Lễ phạt mộc được tổ chức để khởi công cho việc xây cất ngôi nhà. 

Lễ tết: Người ta thực hiện nhiều nghi lễ nông nghiệp trong một chu kỳ năm như: lễ khai mương đắp đập, lễ hạ điền, lễ mừng lúa con, lễ mừng lúa ra đòng. Nhưng lễ lớn nhất vẫn là lễ Bon katê được tổ chức linh đình tại các đền tháp vào giữa tháng mười âm lịch.

Lịch: Người Chăm có nông lịch cổ truyền tính theo lịch âm.

Học: Dân tộc Chăm có chữ từ rất sớm. Hiện tồn tại nhiều bia kí, kinh bằng chữ Chăm. Chữ Chăm được sáng tạo dựa vào hệ thống văn tự Sascrit, nhưng việc sử dụng chữ này còn rất hạn hẹp trong tầng lớp tăng lữ và quý tộc xưa. Việc học hành, truyền nghề, vẫn chủ yếu là truyền khẩu và bắt chước, làm theo. 

Văn nghệ: Nhạc cụ Chăm nổi bật có trống mặt da Paranưng, trống vỗ, kèn xaranai. Nền dân ca - nhạc cổ Chăm đã để lại nhiều ảnh hưởng đến dân ca - nhạc cổ của người Việt ở miền Trung như trống cơm, nhạc nam ai, ca hò Huế... Dân vũ Chăm được thấy trong các ngày hội Bon katê diễn ra tại các đền tháp. 

Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống trong lễ hội Katê. Ảnh Nguyễn Thanh.jpg
Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống trong lễ hội Katê. Ảnh Nguyễn Thanh

Chơi: Trẻ em thích đánh cù và thả diều, đánh trận giả, thi cướp cờ, chơi trò bịt mắt bắt dê.  

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm