Vũ điệu của người Chăm

Vũ điệu của người Chăm
Những điệu múa mang đậm văn hóa Chăm

Những loại hình nghệ thuật như hát khấn, tụng ca các vị thần linh, múa nghi lễ, nhạc lễ thường được diễn ra tại các đền tháp trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Những vũ điệu dân gian luôn mang đậm hương vị Chăm như: Vũ điệu dâng lễ, múa đội nước, múa Apsara, múa cắn lửa, đi cùng với âm điệu của tiếng kèn saranai, trống ghi năng và paranưng…
 
Múa dâng lễ trong Ngày hội văn hóa dân tộc năm 2019 tại Phú Yên
Múa dâng lễ trong Ngày hội văn hóa dân tộc năm 2019 tại Phú Yên

Như tên gọi, vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp. Vũ nữ Chăm thường đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau… để dâng mừng các vị thần. Vật để đội là chiếc Thong hala 3 tầng, người ta gọi là “cỗ bồng trầu”, vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là biểu tượng của vị đại nữ thần Po Bar Gina của người Chăm. Khi đội trên đầu thì nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn các điệu múa nơi đền tháp. Trong lễ hội Chăm, tiêu biểu là lễ hội Ka Tê ở tháp Pô Klong Girai, vũ điệu dâng lễ là nghi thức khá quan trọng và linh thiêng. Các cô gái múa trước cửa tháp, trên đầu đội những lễ vật, vai khoác chiếc khăn, hai tay cầm quạt, chiếc quạt là vũ đạo chính. Múa quạt còn gọi là múa Tamia tadik. Người múa theo nhịp trống, kèn, đôi tay điều khiển nhịp nhàng làm cho chiếc quạt xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Khi dừng múa quạt, người múa đưa hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được khoắc qua đôi vai, thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Múa quạt có thể múa cá nhân hay múa tập thể trong các lễ hội của dân tộc Chăm.
 
Múa đạp lúa
Múa đạp lúa

Một điệu múa khá độc đáo nữa của người Chăm là múa đội nước hay múa đội lu, người Chăm gọi là Tamia dwa buk. Các cô gái đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái khay (ka ya) đựng hoa quả hoặc bộ ấm chén bằng đất nung. Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa này xuất phát từ điệu Thong hala (cỗ bồng trầu) trong lễ dâng nước thánh lên tháp, sau đó kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường mà thành. Trên khay có bình gốm hoặc ấm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý. Các cô gái vừa nhún chân vừa nâng nhẹ đôi tay, miệng cười tươi chào các vị khách sau đó đỡ ấm nước xuống rồi rót nước chè ra từng cốc mời khách dùng nước. Không chỉ đội lễ vật trên đầu để đi lại, múa hát mà người Chăm thường còn tổ chức thi thố nhau về tài nghệ đội đồ vật của mình. Trò chơi thi đội nước, đội bình gốm thường được tổ chức trong các lễ hội. Đây là hình thức vui chơi khá hấp dẫn, lôi cuốn mà các cô gái trẻ người Chăm mang đến cho du khách trong các dịp lễ hội.

Tinh hoa trong kho tàng di sản

Múa nghi lễ còn có các điệu như Tamia carit, gọi là múa kiếm, Tamia jwak apwei gọi là múa đạp lửa hay múa roi. Người múa thường là nam, thể hiện các động tác sôi động, gây phấn khích cao độ với các thao tác uy dũng tượng trưng cho vị tướng xông trận, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Múa nghi lễ còn có 3 điệu múa khác nhau trong lễ hội Chăm có tên là Pa déa, nghĩa là khoản đãi - dâng hiến lễ vật để tạ ơn vị vương thần Pô Klong Girai và Bà mẹ xứ sở Pô Inư Nưng - cành. Bà bóng (Mú Bajau) sẽ cúng lễ và trình diễn 3 điệu múa nối tiếp nhau: Múa Lang hláu (múa khép - mở váy), là điệu múa biểu đạt thỉnh cầu mong cho đời sống phát triển, sinh sôi với ý nghĩa phồn thực; Múa Ké pui (múa Cắn lửa), là điệu múa biểu hiện cho lời thề nguyện suốt đời trung thành với bổn đạo và bề trên; Múa Chọa ba tài (múa Đạp lúa), là điệu múa của vị thần tên là Pô Kì Nồnh Mư tri đang đạp lúa để lúa rơi xuống trần gian nuôi sống con người.
 
Múa roi hay múa đạp lửa
Múa roi hay múa đạp lửa

Trong 3 điệu múa nghi lễ dân gian do Bà bóng trình diễn, thì điệu múa Cắn lửa là đặc sắc nhất. Nét đặc biệt của điệu múa này là phải có 3 cây nến lớn và 30 cây nến nhỏ đính vào các mâm lễ, khay lễ… Số nến này được làm bằng sáp ong dú, khối lượng khoảng 1 kg được khai thác từ làng Chăm Bỉnh Nghĩa. Trên tay vũ nữ cầm 3 cây nến dài gần 1/2 m chụm lại với nhau trong lòng bàn tay, tay trái cầm 3 cây nến, tay phải đo theo chiều dài của 3 cây nến. Đo xong chụm 3 tim của 3 cây nến lại với nhau, đưa vào ngọn lửa đang cháy của một cây nến khác trước mặt. Khi 3 cây nến đã cháy đỏ ngọn, tiếng nhạc chiêng và trống paranưng nổi lên. Vũ nữ đóng vai Bà bóng bắt đầu múa tới múa lui, múa xoay quanh người với 3 cây nến đang cháy. Cuối cùng ngọn lửa của 3 cây nến được Bà bóng đưa vào miệng ngậm lại, nến tắt, kết thúc một nghi lễ thiêng liêng, nên người Chăm gọi là múa Cắn lửa.

Múa nghi lễ cùng với hát khấn, tụng ca là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm. Đây thực sự là những tinh hoa trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm. Các vũ điệu dân gian đặc sắc này không chỉ diễn ra trên các đền tháp mà được các nghệ nhân dân tộc Chăm tái hiện trong các hội diễn sân khấu hóa, giao lưu văn hóa, ngày hội văn hóa dân tộc Chăm
Theo langvietonline.vn.

Có thể bạn quan tâm