Chị Tao Thị Nó (bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm) truyền dạy nghề dệt vải thổ cẩm.
|
Người dân không còn “mặn mà” với nghề dệt vì một vài lý do như: trước đây phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, nhuộm chàm, dệt vải và khi con gái đến độ tuổi từ 13 - 15 được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. Nhưng ngày nay, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp mua sẵn tại chợ, không mất công trồng và se sợi, không mất nhiều công sức, thời gian mà giá vừa phải. Thế hệ trẻ không còn hứng thú với các sản phẩm truyền thống của dân tộc nên không muốn học dệt. Bên cạnh đó, những sản phẩm như: quần áo, chăn, ga gối may sẵn có giá thành rẻ, đẹp mắt và không cầu kỳ mất nhiều thời gian như trang phục làm bằng vải dệt. Trong cưới xin, cũng không còn khắt khe con gái phải mang của hồi môn là những vật dụng làm từ vải dệt mà thay vào đó bằng những thứ hiện đại và thiết thực như: tủ lạnh, tivi và những bộ chăn ga sản xuất sẵn bán tại chợ… Tất cả những điều đó gây khó khăn cho việc phát triển, giữ gìn nghề dệt.
Ông Tao Văn Chen - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã còn khoảng 70% số người biết dệt. Thế hệ trẻ giờ không còn thiết tha với nghề dệt do trang phục làm từ vải dệt của dân tộc không thời trang và cũng không có thời gian học dệt vì chủ yếu đang ở độ tuổi học phổ thông. Còn những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên lại bận kiếm sống mưu sinh, trong khi để làm được 1 bộ trang phục bằng vải dệt của người Lự cũng mất nhiều thời gian, ai chăm chỉ làm cũng phải hơn tuần mới xong vì vậy bà con chỉ dệt vào những lúc nông nhàn. Để lưu giữ và phát triển nghề dệt, thời gian tới xã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền, vận động lớp trẻ gìn giữ nghề truyền thống, xây dựng quy chế vào các ngày thứ 2 trong tuần và lễ, tết dân tộc phải mặc trang phục dân tộc; vận động các bậc cha mẹ khuyến khích, tạo điều kiện cho con em mình học dệt. Đặc biệt, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi xã vận động các cụ bà có tay nghề, người có uy tín ở từng bản truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ… Với hy vọng sẽ khơi dậy tình yêu của con em với nghề dệt của dân tộc”.
Là một trong số ít những người còn nhỏ tuổi nhưng biết dệt vải trên địa bàn xã, em Tao Thị Nàng (17 tuổi, bản Phiêng Lót) nói: “Từ nhỏ khi nhìn các bà, các mẹ thoăn thoát bên khung cửi, con thoi, sợi chỉ dệt ra những tấm vải với hoa văn đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ em thích lắm. Khi 13 tuổi em đã bảo mẹ dạy dệt. Được tự tay làm ra những bộ quần áo em vui lắm! Em sẽ tuyên truyền cho bạn bè cùng học nghề để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc”.
Nghề dệt của dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để nghề dệt phát triển và không bị mai một cần có những chính sách, giải pháp nhằm khích lệ, hỗ trợ người dân để nghề dệt trở thành một trong những nghề đem lại giá trị kinh tế ổn định. Từ đó, góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.
Theo baolaichau.vn
Tên tự gọi: Lừ, Thay hoặc Thay Lừ.
Tên gọi khác: Phù Lừ, Nhuồn, Duồn.
Nhóm địa phương: Ở Việt Nam chỉ có nhóm Lự Ðen (Lừ Ðăm) ở xã Bản Hon, huyện Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu), phân biệt nhóm Lự Trắng (Lừ Khao) ở Síp Song Păn Na (Trung Quốc).
Dân số: 5.601 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).
Lịch sử: Người Lự đã có mặt ở khu vực Xam Mứn (Ðiện Biên) ít nhất cũng trước thế kỷ XI - XII. Tại đây họ đã xây thành Xam Mứn (Tam Vạn) và khai khẩn nhiều ruộng đồng. Vào thế kỷ chiến tranh người Lự phải phân tán đi khắp nơi, một bộ phận nhỏ chạy lên sinh sống ở vùng núi Phong Thổ, Sìn Hồ.
Hoạt động sản xuất: Người Lự sáng tạo ra hệ thống mương, phai truyền thống để dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần. Có nơi đã biết dùng phân xanh, rác rưởi và phân chuồng để bón ruộng. Họ làm nương phát, đốt, chọc lỗ tra hạt hoặc cày do tiếp thu từ người Mông. Nghề dệt phát triển. Dệt thổ cẩm với nhiều đường nét hoa văn đẹp. Người Lự có nghề rèn gươm nổi tiếng. Hái lượm, săn bắt, đặc biệt đánh cá ở suối là hoạt động thường xuyên.
Ăn: Người Lự ăn xôi, ưa thích các món chế biến từ cá, trong đó có món nộm chua với thịt cá tươi. Lợn, trâu, bò chỉ mổ ăn khi có lễ tết, không mổ để bán.
Mặc: Nữ mặc áo chàm, xẻ ngực. Váy nữ bằng vải chàm đen, có thêu dệt thành hai phần trang trí, dễ cảm giác như váy có hai tầng ghép lại. Cổ đeo vòng được nối hai đầu bằng chuỗi dây xà tích bằng bạc. Ðầu đội khăn cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường gấp viền thêu hoa văn bổ dọc. Nhuộm răng đen. Ðeo vòng tay bằng bạc, bằng đồng.
Nam mặc quần áo bằng vải chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo và một túi ở ngực trái. Quần từ đầu gối trở xuống có thêu hoa văn. Họ đội khăn đen, gấp nếp cuốn nhiều vòng, thích nhuộm răng đen. Ðàn ông thường đeo gươm, không những để tự vệ mà còn là tập quán trang trí.
Ở: Người Lự cư trú ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Ðiện Biên (Lai Châu). Nhà sàn 4 mái, mái kéo dài che làm hiên sàn nơi đặt khung dệt và các dụng cụ làm ra vải. Trong nhà có chăn, đệm, màn, rèm; bếp ở giữa nhà.
Phương tiện vận chuyển: Gùi, trâu kéo, ngựa thồ.
Quan hệ xã hội: Quan hệ láng giềng là chủ đạo. Họ theo tập quán tương trợ giữa các gia đình trong lao động sản xuất, khi làm nhà mới, cưới xin ma chay.
Hai họ - Pu Da (nội) và Ta Nai (ngoại) là quan trọng nhất.
Cưới xin: Người Lự khuyến khích hôn nhân ngược chiều với câu tục ngữ "dao khâu đồng, hôn nhân trở về lối cũ". Em lấy vợ, anh em của vợ thuộc bàng hệ chéo hai, ba đời lại lấy chị em gái của chồng. Không có trường hợp ép duyên. Theo tục ở rể 3 năm sau đó về làm dâu 2 năm thì đôi vợ chồng được phép ra ở riêng để thành đơn vị gia đình hạt nhân sống trong nếp nhà sàn riêng của mình. Có ba bước cưới xin:
+ "Ăn giáp tối": lễ nhập phòng.
+ "Ăn mới": tổ chức ăn uống và nhà trai dâng lễ vật cho nhà gái trong đó phải có một thanh gươm.
+ "Ðón dâu".
Sinh đẻ: Khi đầy tháng nhờ ông máy đem bút vót bằng cây guột và một mảnh vải trắng đĩa mực tàu đến bói và tìm tên cho trẻ nhỏ. Ðặt trứng gà lên bát gạo, ông máy gieo hạt gạo lên trông trứng xem chẵn, lẻ. Nếu ứng đúng như ông xướng thì lấy tên đó đặt cho trẻ và ghi tên vào mảnh vải rồi trao lại cho bố mẹ giữ lấy làm khai sinh. Nữ thường có tên là Kẻo (Ngọc) và nam là Khăm (Vàng)...
Ma chay: Khi có người chết, người trong họ nội đội khăn trắng để tang. Mổ một trâu đen (không trắng) để cúng tiễn hồn về cõi hư vô. Quàn thi thể ở nhà 3 ngày rồi thuê 8 người ngoài họ để khiêng ra rừng ma. Chôn không đắp thành mồ. Những người đi đưa đám trước khi lên nhà phải tắm rửa sạch sẽ. Bà con gần gũi thuộc họ nội của người chết phải kiêng 3 ngày không lao động sản xuất.
Nhà mới: Kiêng không làm lễ lên nhà mới vào giữa trưa. Sau khi quét sạch nhà, mời 4 cụ già ngoài họ đến uống rượu quanh một cái chậu có 4 chén rượu đặt ở giữa nhà. Một chàng trai trẻ đến bên cửa ra vào, ngồi xổm và cất tiếng xin mua nhà, các cụ đang uống rượu đáp: "chủ nhà sắp đến nhận rồi". Vợ chồng chủ nhà đã đứng sẵn ở chân cầu thang. Chồng mang một cái chài trên vai, vợ gánh một bên là kiềng và một bên là chõ xôi; chồng trước, vợ theo sau leo lên cầu thang, đặt đồ vào nhà. Tiếp theo, hai thiếu nữ thắp hai bó đuốc bước lên nhà. Một cô khác ở đầu cầu thang cầm ống nước để dập tắt lửa cháy ở bó đuốc đi đầu. Người thứ hai, cầm bó đuốc vẫn cháy sáng, đưa đến nhóm lửa ở bếp. Ngọn lửa phải giữ cho cháy suốt 3 ngày 3 đêm. Chủ nhà làm lễ thờ tổ tiên bằng cỗ đầu lợn. Dân bản được mời ăn cỗ uống rượu, mọi người vui hát theo điệu sáo đôi.
Thờ cúng: Người Lự thờ cúng tổ tiên ở gian "hóng" trong nhà, mỗi năm một lần vào tháng giêng theo lịch Lự, tương đương với tháng 10 âm lịch; thắp thêm 10 ngọn nến sáp ong ở quanh mâm cỗ. Ông "chủ đầu" (chảu hô) đọc bài cúng. Vào tháng giêng có lễ cúng bản gọi là "kiêng bản" (căm bản) với mâm cỗ 3 yến lợn đều cúng dựng ở đầu bản và cạnh sông, suối. Vào tháng 3 mồng 3 có lễ cúng ở khu "rừng thiêng" (đóng căm) với mâm cỗ 3 yến lợn và cũng như thế, tháng 6 mồng 6 với mâm cỗ 6 yến lợn. Sau khi "chủ đầu" làm lễ xong, cả bản ăn cỗ, uống rượu, chơi kéo co, ném én, hát sáo đôi và kiêng nội bất xuất, ngoại bất nhập từ 3 đến 9 ngày gọi chung là "kiêng bản kiêng mường".
Lễ tết: Cách đương đại 3 thế hệ về trước, khoảng 60-70 năm, người Lự còn thực hiện những nghi lễ Phật giáo gọi là bun như: lễ mừng năm mới (bun pi mày) vào tháng giêng; lễ té nước (bun huất nặm) vào tháng11, tháng 12 và lễ thả ống pháo sáng (bun bẳng phay) vào tháng 2, 3 theo âm lịch Lự.
Lịch: Có lịch riêng - tháng giêng là tháng10 âm lịch.
Học: Người Lự có sử dụng chữ theo mẫu tự Pali. Người ta lấy gai hoặc que sắt nhọn làm bút viết trên lá cọ rừng ghi nhiều loại truyện thần thoại, cổ tích. Cũng có thể vỏ cây guột khô, vót nhọn, chấm mực tàu viết trên miếng vải trắng. Xưa kia, trẻ 7-8 tuổi có tập quán đến học chữ của ông "chẩu hua" (sư).
Văn nghệ: Hát Lự (Khắp Lử) là cách con gái dùng một khăn vải màu đỏ che mặt hát theo tiếng sáo đôi do con trai thổi đệm. Theo lối hát này (ỉn khống). Xưa, vào lúc màn đêm buông xuống, các đôi nam nữ ngồi trên chiếu cói trải giữa sân say sưa hát, thổi sáo cùng nhau đến tận nửa đêm.
Chơi: Người Lự có các trò chơi kéo co, ném én. Nam thanh niên thích múa gươm.
Theo cema.gov.vn