Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào

Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào. Ảnh: Hoàng Tâm
Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào. Ảnh: Hoàng Tâm

Nhân dịp năm mới 2019, tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Lào đến từ tỉnh Điện Biên đã giới thiệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống – niềm tự hào của người phụ nữ dân tộc Lào đến với du khách tại Thủ đô. 

Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào. Ảnh: Hoàng Tâm
Dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào. Ảnh: Hoàng Tâm 

Dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên có nghề dệt truyền thống từ rất lâu, vải dệt được làm ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình là chủ yếu, các sản phẩm được làm từ vải dệt như: trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... Vì vậy việc bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào là việc truyền dạy, lưu giữ những phương pháp, kỹ thuật dệt vải bao gồm việc làm ra các sản phẩm cụ thể phục vụ sinh hoạt, các hoa văn trang trí đặc sắc, kỹ thuật dệt may các sản phẩm từ vải dệt có tính thẩm mỹ, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghề dệt truyền thống dân tộc Lào chứa đựng sắc thái văn hóa riêng. Vì vậy việc bảo tồn và truyền dạy một số công đoạn trong nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào như: trồng bông, xe sợi, nhuộm mầu… là rất quan trọng để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao.

Để tạo ra những sấp vải thổ cẩm những người phụ nữ dân tộc Lào phải tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Tách hạt bông (ỉu phải)

Khi đã có hạt bông thì cần phải có dụng cụ tách hạt (ỉu phải) để lấy bông. Người ta tách bông ra khỏi vỏ hạt bông. Thường công đoạn này cũng mất nhiều thời gian. Dụng cụ để tách hạt bông được chế tác thủ công. Phần chân được lắp ráp hình chữ T, ở 2 đầu chữ T được ghép 2 thanh gỗ nhỏ dài khoảng 50cm, bản rộng khoảng 6cm, dày khoảng 3cm tạo thành chạc giống càng xe đạp. Cách đầu trên của càng khung dụng cụ tách hạt bông khoảng 10cm có luồn 2 thanh gỗ dài khoảng 25cm được tiện tròn. Giữa 2 thanh gỗ tròn được luồn một thanh gỗ tròn khác dài khoảng 30cm liền với tay quay có tác dụng làm bông tách ra khỏi vỏ khi người ta quay tay quay để hút hạt bông.
Người phụ nữ Lào đang thực hiện công đoạn tách hạt bông. Ảnh: Hoàng Tâm
Người phụ nữ Lào đang thực hiện công đoạn tách hạt bông. Ảnh: Hoàng Tâm 

Bước 2: Bật bông (công phải)

Bông đã được tách ra khỏi vỏ thì tiến hành bật bông cho tơi xốp. Dụng cụ dùng để bật bông được chế tác đơn giản gồm: Cung bật bông (công tháp phải) là một cần tre nhỏ dài khoảng 1 m làm gần giống như chiếc cung. Dây cung bật bông thường được làm bằng sợi cây gai bện nhỏ. Dùng một đoạn tre nứa nhỏ để bật dây cung cho đều.Thúng đựng bông (xốn) có tác dụng để bật bông và không để bông bay bụi.
 
Công đoạn bật bông. Ảnh: Hoàng Tâm
Công đoạn bật bông. Ảnh: Hoàng Tâm 
Bước 3: Vê bông (lọ phải)

Bông đã được làm tơi xốp, thì tiến hành vê bông thành các gòn bông (lọ phải) to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 40cm, khi bông đã được vê hết thì chuyển sang bước tiếp theo.
Công đoạn vê bông. Ảnh: Hoàng Tâm
Công đoạn vê bông. Ảnh: Hoàng Tâm 

Bước 4: Se sợi (phắn phải)

Đây là công đoạn tách từ gòn bông để tạo thành sợi, họ sử dụng dụng cụ se sợi để quay lấy sợi cho khỏi rối tạo thành cuộn chỉ sợi (náy phải).
Công đoạn xe sợi. Ảnh: Hoàng Tâm
Công đoạn xe sợi. Ảnh: Hoàng Tâm 

Bước 5: Quay sợi (pia phải)

Khi đã có đủ các cuộn chỉ sợi thì quay sợi (pia phải) để tạo cuộn sợi có vòng to rồi đem cuộn sợi đi giặt (tốp nặm) và đun hồ để ngâm sợi và đem phơi khô; họ sử dụng 2 cây tre dài để luồn vào trong các cuộn sợi, một cây để treo lên giống như sào phơi quần áo, cây treo thả xuống để cho cuộn sợi được căng ra…

Bước 6: Lắp cuộn sợi (công quặng) và quay cuộn chỉ (phiến lót)

Sau khi thu sợi rồi tiến hành cho từng quận vào “công quăng” có tác dụng cho sợi không bị rối, họ sẽ tách lấy một đầu dây sợi nối vào lõi chỉ và sử dụng công cụ quay cuốn thành quân chỉ sợi (phiến lót); thường phải có khoảng 30-40 quận chỉ sợi thì mới đủ để làm một sấp vải (cọn phải).

Bước 7: dải sợi (khên hú) 

Chuông khên là dụng cụ để cho các cuộn chỉ sợi vào, thường là 08 hoặc 10 cuộn chỉ sợi rồi cầm “chuông khên” kéo sợi dải quanh cột nhà sàn và được chia theo các bậc, tầm khoảng 08-10 bậc dải sợi thì đủ để dệt một sấp vải (cọn phải).

Bước 8 (củ phải) 

Khi đã rải đủ số sợi để dệt một sấp vải thì tiến hành thu sợi cho vào túi to để đựng rồi đem treo vào cạnh khung cửi và tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt.
Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Lào. Ảnh: Hoàng Tâm
Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Lào. Ảnh: Hoàng Tâm 

Bước 9 (mắc sợi vào khung cửi, dệt vải)

Tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt, họ luồn sợi qua lược dệt (phứm), luồn qua “khau hú”…

Khi đã đan xong thì tiến hành dệt vải để tạo ra các sấp vải dệt truyền thống dân tộc Lào.
Hoàng Tâm
(DTMN)
Dân tộc Lào Dân tộc Lào

Tên tự gọi: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn.

Tên gọi khác: Phu Thay, Phu Lào.

Nhóm địa phương: Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ).

Dân số: 14.928 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Lào có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Người Lào làm ruộng nước với kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền hợp lý. Ngoài ra họ còn làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiểu thủ công nghiệp gia đình của dân tộc đặc biệt phát triển. Họ làm gốm bằng bàn xoay với các sản phẩm như chum vại, vò, ché, nồi với chất lượng tốt. Nghề dệt thổ cẩm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thể hiện thẩm mỹ tinh tế. Nghề rèn, nghề chạm bạc... cũng góp phần thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Hái lượm còn có vai trò nhất định đối với đời sống kinh tế của người Lào.

Ăn: Người Lào ăn nếp là chính. Về thực phẩm họ ưa ăn các món chế biến từ cá; đặc biệt có món Pàđẹc (cá ướp) rất nổi tiếng.

Mặc: Phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ. áo nữ ngắn, để hở phần ngực trên. Chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn piêu đội đầu của phụ nữ Lào cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo. Nam phục Lào có nhiều nét tương đồng với người Thái.

: Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái, người Lự, người Khơ Mú ở các huyện Ðiện Biên, Phong Thổ (Lai Châu) và Sông Mã (Sơn La). Họ ở nhà sàn, lòng rộng, thoáng đãng, cột kèo được chạm khắc tinh vi. Mái nhà thường kéo dài tạo nên hiên để đặt khung cửi và các công cụ làm vải.

Phương tiện vận chuyển: Người Lào quen gùi, gánh đôi dậu, đặc biệt giỏi đi thuyền trên sông, ở một số nơi họ còn sử dụng ngựa thồ.

Quan hệ xã hội: Trước kia xã hội người Lào tuy phụ thuộc hệ thống tổ chức hành chính của phong kiến Thái nhưng được tự quản ở cấp bản. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thiết chế tự quản chi phối nhiều tới hoạt động kinh tế, đời sống tâm linh và đạo đức truyền thống.

Cũng như người Thái, người Lào quan niệm mỗi người có ba quan hệ họ hàng chính: ải Noọng - Lung Ta - Dinh Xao. Các dòng họ đều có tục kiêng cấm liên quan đến tô tem giáo.

Cưới xin: Theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều. Con trai phía họ Dinh Xao được phép và khuyến khích lấy con gái phía họ Lung Ta, nhưng nghiêm cấm lấy ngược lại. Không có tục hôn nhân anh em chồng hoặc hôn nhân chị em vợ. Gia đình của người Lào dù lớn hay nhỏ mang tính phụ quyền rõ rệt mặc dầu người phụ nữ vẫn được đề cao. Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên nhà chồng. Gia đình của họ thường bền vững, ít có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Quan hệ trong mỗi nhà thường hoà hiếu, con cái được chăm sóc như nhau không phân biệt trai gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ mang thai và sinh đẻ được chăm sóc và quan tâm chu đáo. Họ cũng phải tuân theo nhiều kiêng cấm trong ăn uống cũng như hành vi ứng xử. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau một tháng.

Ma chay: Tục thiêu xác chỉ thực hiện đối với người đứng đầu bản (chầu bản). Các trường hợp khác đều thổ táng. Lễ thiêu xác chầu bản do chẩu hua (ông sư) chủ trì với các nghi thức Phật giáo đã được hoà nhập và cải biến hợp với truyền thống tộc người. Người Lào không khóc trong các đám tang bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế giới.

Lễ tết: Người Lào theo Phật lịch và ăn tết vào tháng 4 âm lịch hàng năm (Bun Pi May). Hàng tháng, vào ngày rằm và ba mươi có tục dâng lễ lên tháp theo nghi thức Phật giáo, lễ vật chỉ có hoa quả. Họ cũng có nhiều nghi thức tín ngưỡng khác liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn) hay có tục ăn cơm mới.

Thờ cúng: Mỗi gia đình đều có nơi thờ tổ tiên. Mỗi bản làng có một ông thầy cúng (món) chuyên việc cúng khi có người đau ốm. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và xã hội người Lào.

Học: Người Lào có chữ theo mẫu tự Sanscrit. Hiện nay vẫn còn nhiều sách viết trên lá cọ do các thầy cúng (mo lắm) giữ. Xưa, con trai đều phải kinh qua học sách Phật từ 3 đến 7 năm. Học xong thầy đặt cho học trò là Siêng nghĩa là người đã giỏi chữ.

Văn nghệ: Người Lào có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà còn rất giỏi các điệu dân vũ. Do sống xen kẽ lâu đời với người Thái, văn nghệ dân gian Lào ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Thái. Chính điều đó đã làm cho văn nghệ của họ thêm phong phú.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm