Mô hình nhóm dệt thổ cẩm của một người dân Stiêng tại Bình Phước. Ảnh: K GỬIH - TTXVN |
Trong những năm gần đây, người dân xã Thanh An, huyện Hớn Quản không ngừng phát huy, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Nhiều sản phẩm thổ cẩm từ dệt may thủ công như: túi xách, quần, áo, váy, khăn, chăn, mền… rất phong phú và đa dạng. Nhưng phần lớn các sản phẩm thổ cẩm chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương mặc dù các sản phẩm làm ra khá đẹp về chủng loại và mẫu mã.
Ở địa phương này, mọi người cùng chung suy nghĩ thổ cẩm là hơi thở, là thứ không thể thiếu trong căn nhà của người S’tiêng". Vì thế, khi nhàn rỗi người phụ nữ ở đây thường ngồi dệt mà không quan tâm nhiều đến giá cả hay đầu ra sản phẩm. Tất cả là vì đam mê vì muốn lưu giữ lại nghề truyền thống của dân tộc mình.
Tổ dệt thổ cẩm gồm 40 thành viên ở ấp Phùm Lu và ấp Bù Dinh nhiều sản phẩm thổ cẩm đã hoàn chỉnh vẫn tồn đọng chưa bán được. Bà Thị Mương ở ấp Bù Dinh một trong những nghệ nhân có trên 40 năm dệt thổ cẩm đã không dấu nỗi buồn khi nhìn những “đứa con tinh thần” là sản phẩm làm ra mà chưa mang lại thu nhập cho các thành viên trong Tổ. Bà Mương chia sẻ: Hiện nay đầu ra sản phẩm đang gặp khó khăn, nhưng mỗi khi rảnh rỗi mọi người thường ngồi dệt với nhau vì nó là niềm đam mê, gắn bó hàng chục năm nay. Hầu hết các thành viên trong Tổ đều còn nhiều sản phẩm thổ cẩm đã dệt xong.
Bà Thị Mương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước nổi tiếng với các phong trào công tác xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc S'Tiêng. Ảnh: TTXVN |
Hơn 3 năm trước, Dự án bảo tồn và phát triển thổ cẩm được triển khai, những nghệ nhân, người biết dệt thổ cẩm cảm thấy phấn khởi vì vừa bảo tồn được nghề truyền thống dân tộc vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng bà Thị Châm cho biết, từ khi thành lập Tổ hợp tác tới nay, chị em ở đây chưa thể sống được bằng nghề để có thêm thu nhập cho gia đình.
Còn tại ấp Thanh An, 32 thành viên của Tổ dệt thổ cẩm ấp Thanh An vẫn hoạt động nhưng cầm chừng vì đầu ra sản phẩm bắt đầu gặp khó khăn. Cuối năm 2016, dù cơ sở Tổ hợp tác được đầu tư nhà dệt, máy may, tủ để trưng bày… trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng thu nhập thì không bao nhiêu. Thậm chí có người đã “quay lưng” lại với nghề dệt bởi sản phẩm làm ra không bán được cũng như không có tiền để mua nguyên liệu. Những thành viên có điều kiện kinh tế gia đình khá hơn thì vẫn duy trì cầm chừng. Bà Thị Mơi, thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Thanh An cho biết: “Tham gia trong Tổ dệt thổ cẩm là những nghệ nhân và những phụ nữ biết dệt thổ cẩm từ vài năm, thậm chí có người biết dệt từ vài chục năm trước khi dự án được triển khai thực hiện. Thời điểm đó, có nhiều người được đào tạo may mặc bởi Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước. Bây giờ, nghề dệt thổ cẩm được gìn giữ rất tốt rồi, nhưng thu nhập từ bán sản phẩm thổ cẩm rất hạn chế."
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh An Lê Thái Cảnh cho biết: “Hiện nay đầu ra của thổ cẩm rất khó khăn, địa phương cố gắng vận động bà con giữ lại nghề truyền thống của mình để không mai một. Địa phương mong muốn các cấp tạo điều kiện hơn nữa để giúp cho các tổ dệt thổ cẩm có đầu ra tốt hơn như liên kết với các khu du lịch trong vài ngoài tỉnh để từ đó giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm hơn”.
Dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’tiêng” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’tiêng. Thế nhưng, khi đi vào triển khai dự án, hiệu quả chưa như mong đợi về thu nhập từ nghề dệt truyền thống. Vì vậy, những nghệ nhân, người dệt thổ cẩm không chỉ riêng ở xã Thanh An mà còn rất nhiều địa phương khác trong tỉnh Bình Phước cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kịp thời hơn nữa từ các cấp chính quyền có liên quan để nghề dệt thổ cẩm vừa được gìn giữ vừa có thêm thu nhập kinh tế gia đình.
K GỬIH