Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên

Đặt chân đến mảnh đất Than Uyên (Lai Châu), du khách không chỉ được hòa mình vào điệu xòe bất tận, ẩm thực riêng biệt mà còn được thưởng thức một loại hình nghệ thuật đặc sắc - lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen.

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 1 Trai gái cùng tâm sự, giao duyên trong lễ hội là nét đẹp văn hóa của người Thái đen ở huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống

Người Thái đen ở Than Uyên từ xưa đã tồn tại một hình thức lễ hội Hạn Khuống hết sức độc đáo, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Hạn Khuống là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, là nơi để mọi người thỏa sức sáng tạo, trổ tài, đồng thời, là nơi để các tràng trai, cô gái trao đổi tâm tình, yêu nhau để rồi kết tóc, se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ông Lò Văn Sơi, nghệ nhân dân tộc Thái huyện Than Uyên cho biết: Hàng năm, vào tháng 8 - 9 âm lịch, khi mùa màng đã thu hái xong, cây bông nở hoa, con tằm cho tơ thì các chàng trai, cô gái Thái đen gọi nhau bàn bạc làm Hạn Khuống. Hạn Khuống nghĩa đen tiếng Thái là “sàn sân” tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Cái sàn này có hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1 - 1,5 mét, mặt sàn có diện tích từ 16 - 24 mét vuông và sàn lát bằng dát tre hoặc phên nứa, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo.

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 2Các chàng trai vượt qua thử thách hát đối đáp và được lên sàn Hạn Khuống. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Trên sàn Hạn Khuống có đặt một bếp lửa ở vị trí trung tâm và có 5 cây tre hoặc hóp thẳng, dóc sạch cành, chỉ để lại ít lá trên ngọn gọi là lắc xáy, nhìn giống như cây nêu ngày tết của người Việt. Trong 5 cây có một cây cao hơn, to và đẹp nhất gọi là cây lắc xáy cốc do cô tổn khuống cốc làm chủ được dựng ở vị trí trung tâm, sát với bếp lửa, tượng trưng cho trụ của đất trời. 4 cây còn lại dựng ở bốn góc sàn do các cô sao tổn khuống làm chủ tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Khi sàn Hạn Khuống được dựng xong, người Thái đen lại chuẩn bị các lễ vật như hoa, quả, thịt lợn, gà, rượu... để cúng thần linh, thổ công, thổ địa và các ma phù hộ cho sinh hoạt Hạn Khuống được thuận lợi, bình an, tốt đẹp. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, ông mo, già làng, trưởng bản, được các thanh niên mời lên làm các thủ tục cho một Hạn Khuống cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu hòa thuận và sinh sôi nảy nở.

Nghi lễ được thực hiện xong, già làng, trưởng bản sẽ dặn dò các thanh niên đến chơi Hạn Khuống cần giữ gìn phong tục tốt đẹp của dân tộc. Thanh niên trai gái đến Hạn Khuống không được nói tục, chửi bậy; người say rượu hay nói xằng bậy không được lên chơi Hạn Khuống; trai đã có vợ không được chơi khuya vì vợ chồng bất hòa, gia đình không được hạnh phúc, bản làng không yên vui.

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 3 Các cô gái Thái thể hiện sự khéo tay, duyên dáng trong kỹ thuật thêu vải nhằm thu hút các chàng trai đến tham gia Hạn Khuống. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 4Các cô gái trổ tài quay tơ, đẹp sợi... để thu hút các chàng trai trong bản và nơi khác đến tham gia Hạn Khuống. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
 
Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 5Trai gái cùng giao duyên trong lễ hội là nét đẹp văn hóa của người Thái đen ở huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Sau phần lễ cúng, ngọn lửa Hạn Khuống cháy sáng rực, cây lắc xáy lung linh nhiều màu sắc, đêm hội chính thức được bắt đầu. Số lượng trai gái tham gia Hạn Khuống không giới hạn, ngoài con trai trong bản thì còn có thanh niên về chơi cùng. Đến Hạn Khuống, con trai muốn lên chơi phải hát xin thang, hai bên hát đối đáp khi nào sao tổn khuống cho lên và đặt thang thì mới được lên. Trai hát xin thang: “Chúng tôi từ xa nhìn thấy lửa/ Nhìn thấy lửa muốn được chơi áo/ Ở xa nhìn thấy nước/ Nhìn thấy áo chàm đen mong được ướm thử/ Nhìn thấy người má hồng lòng muốn được hỏi thăm/ Nhìn thấy rồi mắt càng muốn liếc/ Nhìn thấy hạn khuống rực rỡ anh muốn lên chơi”.

Khi đã được lên sàn thì cuộc vui văn nghệ bắt đầu và diễn ra đến tàn đêm. Lúc này, nhiệm vụ của các chàng trai là phải hát thể hiện tài năng của mình để xin được ghế ngồi, xin điếu hút thuốc, xin nước để uống. Việc cho ghế hay không cho ghế, cho điếu hay không cho điếu của các cô gái cũng thể hiện bằng những lời hát thể hiện sự dịu dàng, khéo léo của mình trước các chàng trai.

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 6Tiết mục hát đối đáp của trai gái Thái đen trong lễ hội. Ảnh: Văn Oanh - TTXVN
Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 7Trên sàn Hạn Khuống, trai gái đua tài bằng những tiết mục đối đáp văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 8Trai gái đua tài bằng những tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Họ cứ hát như thế để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho mượn ghế ngồi, mượn điếu hút và cho nước để uống thì các chàng trai mới tìm đến người con gái mà mình thích. Từng cặp nam nữ ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ, đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình… Khung cảnh đó gợi cho người xem ý tưởng về một gia đình ấm êm, tràn đầy hạnh phúc trong tương lai của các đôi trai gái.

Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời hát chia tay về nghỉ và không quên dặn dò mùa sau gặp lại, hứa hẹn những ngày Hạn Khuống ý nghĩa hơn. Những đôi trai gái nào phải lòng nhau thì hẹn hò, tìm hiểu để đi đến hôn nhân kết tóc se tơ hạnh phúc.

Bảo tồn giá trị văn hóa

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống có vị trí quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Thái. Thông qua sân chơi Hạn Khuống cho thấy được phần nào đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của tộc người Thái đen.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc ở huyện Than Uyên cho hay: Hạn Khuống là một hình thức văn hóa đặc sắc của người Thái mang tính nguyên hợp. Ở đây có cả sân khấu, âm nhạc và ca hát cùng đạo cụ kèm theo, đặc biệt là sân khấu được dựng ngoài trời. Cùng đó, thể hiện giá trị giáo dục đối với đời sống cộng đồng, thông qua các hoạt động diễn ra trong Hạn Khuống, những người cao tuổi, người có chức sắc răn dạy thế hệ trẻ về cách sống, cách ứng xử tốt đẹp, biết nhường nhịn, biết coi trọng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Vì vậy, Hạn Khuống cần được phục dựng, bảo tồn, duy trì trong cộng đồng.

Đặc sắc lễ hội Hạn Khuống của người Thái đen ở Than Uyên ảnh 9Hạn Khuống cho thấy được phần nào đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của tộc người Thái đen. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa trong lễ Hạn Khuống, những năm qua, huyện Than Uyên đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng đội văn nghệ bản. Ðồng thời, hỗ trợ khôi phục, dàn dựng các điệu múa truyền thống dân tộc Thái; bảo tồn và phát huy một số loại hình dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao lồng ghép các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn… Mặt khác, tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy những bài hát cho tất cả các xã, thị trấn và đưa nghệ thuật trình diễn Hạn Khuống vào phục vụ những hoạt động văn hóa du lịch của huyện Than Uyên.

Bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết: Thời gian qua, huyện Than Uyên luôn quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có lễ hội Hạn Khuống. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên huyện Than Uyên tổ chức phục dựng lễ hội Hạn Khuống trong dịp đầu xuân năm mới. Qua sự kiện này nhằm giới thiệu nét độc đáo của Hạn Khuống đến du khách gần xa, mặt khác nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì lễ hội này thường niên trong các dịp lễ, tết hàng năm; khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các nét văn hoá đặc sắc của người Thái cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

(TTXVN)
Dân tộc Thái Dân tộc Thái

Tên tự gọi: Tay hoặc Thay

Tên gọi khác: Tay Thanh, Man Thanh, Tay Mười, Tày Mường, Hàng Tổng, Tay Dọ, Thổ.

Nhóm địa phương: Ngành Ðen (Tay Ðăm), Ngành trắng (Tay Ðón hoặc Khao).

Dân số: 1.550.423 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.

Hoạt động sản xuất: Người Thái sớm đi vào nghề trồng lúa nước trong hệ thống thuỷ lợi thích hợp được đúc kế như một thành ngữ - "mương, phai, lái, lịn" (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang 2 vụ lúa tẻ. Họ còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải.

Cót xát rất phổ biến ở vùng người Thái, dùng để trải trên sàn trước khi xếp chiếu phục tay và các tấm đệm ngủ lên trên. Cót được đan bằng cây mạy loi, một loại cây thuộc loài tre, nứa mọc trên núi đá vôi cao.

Ăn: Ngày nay gạo tẻ đã trở thành lương thực chính, gạo nếp vẫn được coi là lương ăn truyền thống. Gạo nếp ngâm, bỏ vào chõ, đặt lên bếp, đồ thành xôi. Trên mâm ăn không thể thiếu được món ớt giã hoà muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành... có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng... gọi chung là chéo. Hễ có thịt các con vật ăn cỏ thuộc loài nhai lại thì buộc phải có nước nhúng lấy từ lòng non (nặm pịa). Thịt cá ăn tươi thì làm món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; ăn chín, thích hợp nhất phải kể đến các món chế biến từ cách nướng, lùi, đồ, sấy, sau đó mới đến canh, xào, rang, luộc...

Họ ưa thức ăn có các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng... hay uống rượu cần, cất rượu. Người Thái hút thuốc lào bằng điếu ống tre, nứa và chạm bằng mảnh đóm tre ngâm, khô nỏ. Người Thái Trắng trước khi hút còn có lệ mời người xung quanh như trước khi ăn.

Mặc: Cô gái Thái đẹp nhờ mặc áo cánh ngắn, đủ màu sắc, đính khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với chiếc váy vải màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông. Ngày lễ có thể vận thêm áo dài đen, xẻ nách, hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng, đính vải trang trí ở nách, và đối vai ở phía trước như của Thái Trắng. Nữ Thái Ðen đội khăn piêu nổi tiếng trong các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Nam người Thái mặc quần cắt để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái Trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo phổ biến là đen, có thể màu gạch non, hoa kẻ sọc hoặc trắng. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong có một lần áo trắng, tương tự để mặc lót. Bình thường cuốn khăn đen theo kiểu mỏ rìu. Khi vào lễ cuốn dải khăn dài một sải tay.

: Ở nhà sàn, dáng vẻ khác nhau: nhà mái tròn khum hình mai rùa, hai đầu mai rùa, hai đầu mái hồi có khau cút; nhà 4 mái mặt bằng sàn hình chữ nhật gần vuông, hiên có lan can; nhà sàn dài, cao, mỗi gian hồi làm tiền sảnh; nhà mái thấp, hẹp lòng, gần giống nhà người Mường.

Phương tiện vận chuyển: Gánh là phổ biến, ngoài ra gùi theo kiểu chằng dây đeo vắt qua trán, dùng ngựa cưỡi, thồ nay. ở dọc các con sông lớn họ rất nổi tiếng trong việc xuôi ngược bằng thuyền đuôi én.

Quan hệ xã hội: Cơ cấu xã hội cổ truyền được gọi là bản mường hay theo chế độ phìa tạo Tông tộc Thái gọi là Ðằm. Mỗi người có 3 quan hệ dòng họ trọng yếu: Ải Noong (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ). Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể). (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ). Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể).

Cưới xin: Trước kia người Thái theo chế độ hôn nhân mua bán và ở rể nên việc lấy vợ và lấy chồng phải qua nhiều bước, trong đó có 2 bước cơ bản:

Cưới lên (đong khửn) - đưa rể đến cư trú nhà vợ - là bước thử thách phẩm giá, lao động của chàng rể. Người Thái Ðen có tục búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho người vợ ngay sau lễ cưới này. Tục ở rể từ 8 đến 12 năm.

Cưới xuống (đong lông) đưa gia đình trở về với họ cha.

Sinh đẻ: Phụ nữ đẻ theo tư thế ngồi, nhau bỏ vào ống tre đem treo trên cành cây ở rừng. Sản phụ được sưởi lửa, ăn cơm lam và kiêng khem một tháng; ống lam bó đem treo trên cành cây. Có nghi thức dạy trẻ lao động theo giới và mời Lung Ta đến đặt tên chi cháu.

Ma chay: Lễ tang có 2 bước cơ bản:

Pông: Phúng viếng tiễn đưa hồn người chết lên cõi hư vô, đưa thi thể ra rừng chôn (Thái Trắng), thiếu (Thái Ðen).

Xống: gọi ma trở về ngụ ở gian thờ cúng tổ tiên ở trong nhà.

Nhà mới: Dẫn chủ nhân lên nhận nhà Lung Ta châm lửa đốt củi ở bếp mới. Người ta thực hiện tại nghi lễ, cúng đọc bài mo xua đuổi điều ác thu điều lành, cúng tổ tiên, vui chơi.

Lễ tết: Cúng tổ tiên ở người Thái Ðen vào tháng 7, 8 âm lịch. Người Thái Trắng ăn tết theo âm lịch. Bản Mường có cúng thần đất, núi, nước và linh hồn người làm trụ cột.

Lịch: Theo hệ can chi như âm lịch. Lịch của người Thái Ðen chênh với âm lịch 6 tháng.

Học: Người Thái có mẫu tự theo hệ Sanscrit. Họ học theo lệ truyền khẩu. Người Thái có nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục và văn học.

Văn nghệ: Người Thái có các điệu xoè, các loại sáo lam và tiêu, có hát thơ, đối đáp giao duyên phong phú.

Chơi: Trò chơi của người Thái phổ biến là ném còn, kéo co, đua ngựa, dạo thuyền, bắn nỏ, múa xoè, chơi quay và quả mák lẹ. Nhiều trò chơi cho trẻ em.

Mỗi nhà người Thái thường có hai bếp, một bếp để tiếp khách, sưởi ấm, một bếp khác để nấu cơm. Chõ xôi (ninh đồng, chõ gỗ) được đặt trên 3 ông đầu rau bằng đá. Phía trên bếp có giàn để các thức cần sấy khô. Người Thái thường dùng ghế mây tròn để ngồi quanh bếp.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm