Lễ cúng rừng thiêng của người Thái, Yên Bái. Ảnh: yenbai.gov.vn |
Vùng lòng chảo Mường Lò (Yên Bái) là miền đất tổ của đồng bào Thái. Bà con nơi đây vẫn giữ tục xên đông - cúng rừng thiêng. Từ tập tục linh thiêng ấy đã xây dựng nên ý thức cộng đồng bảo vệ rừng.
Xưa, mỗi bản mường của người Thái có những vị cai quản là án nha, phìa, bô lão toàn mường... Nơi nào có bản có mường đều phải có những khu rừng kiêng rừng cấm. Rừng cấm là nơi ngụ của ma thiêng, rừng già là nơi ngụ của hồn mường hồn bản. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng. Quy định được cộng đồng tôn trọng, thành luật tục. Người Thái có câu “Tai pá nhăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, và đã trở thành luật lệ của bản mường. Người Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau: Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng thiêng không bị tàn phá, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, bản mường người Thái lại tổ chức Xên Đông (tức là cúng rừng thiêng). Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi.
Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng tại gốc của một cây cổ thụ to nhất trong rừng thiêng. Thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Thầy mo chính và hai thày mo giúp việc trịnh trọng nâng ly rượu mời thần linh rồi những vị chức sắc, đại diện dân bản cùng nâng ly uống chén rượu đoàn kết. Sau đó thầy mo chính đọc lời khấn: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên, trời đất và các thánh thần để tỏ tấm lòng thành kính. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho dân bản trồng lúa lúa tốt, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người mạnh khỏe, bản làng yên vui....”.
Rừng, trong tâm thức người Thái, cực kỳ quan trọng như vậy nên Lễ vật cúng rừng, bởi thế nhất định phải to. Thủ tục xên đông gồm có một trâu. Nếu không có trâu phải có đầu trâu, 4 chân, đuôi, tiết, lục phủ ngũ tạng không được thiếu. Tất cả đồ lễ được mang ra chỗ gốc cây rừng thiêng để tế trời đất.
Những khu rừng thiêng của dân tộc Thái tuy có mang những yếu tố huyền bí, tâm linh nhưng đằng sau sự thần thánh hóa ấy là thái độ sống biết trân trọng và bảo vệ rừng đã cụ thể bằng những luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn