Trang phục và trang sức người Thái là cả một thế giới nghệ thuật. Ở đó không chỉ có cái đẹp mà còn ẩn chứa những quan niệm tâm linh, về cõi người, cõi trời.
Chiếc áo là nơi trú ngụ của linh hồn
Phụ nữ Thái ở Nghệ An thường mặc áo dài tay với các màu khác nhau như xanh, vàng, đỏ, tím. Những hàng cúc hình con bướm thường được chế tác bằng bạc, ngà, ngày nay thì bằng nhựa và hợp kim. Áo của nam giới, trẻ em lại không quá cầu kỳ. Áo nam giới thường dài tay, có hai túi, cúc bằng gỗ. Áo trẻ em cũng được khâu khá đơn giản.
Với người Thái chiếc áo được xem như là nơi trú ngụ của linh hồn mỗi người.
Phụ nữ Thái ở Nghệ An thường mặc áo dài tay với các màu khác nhau như xanh, vàng, đỏ, tím. Những hàng cúc hình con bướm thường được chế tác bằng bạc, ngà, ngày nay thì bằng nhựa và hợp kim. Áo của nam giới, trẻ em lại không quá cầu kỳ. Áo nam giới thường dài tay, có hai túi, cúc bằng gỗ. Áo trẻ em cũng được khâu khá đơn giản.
Với người Thái chiếc áo được xem như là nơi trú ngụ của linh hồn mỗi người.
Có rất nhiều nghi lễ của cộng đồng người Thái gắn liền với cuộc sống con người từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi và nhiều nghi lễ trong số đó có sự xuất hiện của những chiếc áo. Một đứa trẻ sinh ra, sau một thời gian ngắn sẽ được làm lễ đặt tên. Đó cũng là lần đầu tiên, chiếc áo của đứa trẻ sơ sinh xuất hiện trong buổi lễ. Sau đó, trong suốt quá trình trưởng thành, mỗi lần làm lễ gọi vía khi Tết đến hay đi làm ăn, đi học xa, thậm chí là lúc ốm đau, chiếc áo lại xuất hiện trong mâm lễ.
Những chiếc áo cũng xuất hiện trong lễ cúng bản. Đó là lúc tất cả các thành viên trong bản mang theo mỗi người một chiếc áo, đặt trên mâm cúng đến làm lễ cầu an. Họ cầu mong thần linh sẽ phù hộ mình và gia đình được mạnh khỏe, gặp may mắn trong cuộc sống. Người ta tin rằng, thần linh sẽ nhận ra mỗi người qua những chiếc áo vì đó là nơi trú ngụ của hồn vía con người.Khi đã ưng thuận lấy một chàng trai nào đó, cô gái thường đồng ý để anh ta đem áo của mình về thưa chuyện với cha mẹ. Sau đó trong suốt những nghi lễ của đám cưới, những chiếc áo của cả cô dâu và chú rể cũng xuất hiện trong mâm lễ.
Và khi một người nằm xuống, nếu là đàn ông trụ cột trong gia đình, một chiếc áo của người đó sẽ được buộc lên chiếc cột nhà cạnh nơi đặt bàn thờ. Đó cũng là lần cuối cùng, một chiếc áo xuất hiện trong nghi lễ liên quan đến cuộc đời của một con người.
Vì quan niệm là nơi trú ngụ của linh hồn con người nên mỗi chiếc áo thường được gìn giữ cẩn thận, ít khi bị bỏ đi. Dù đã nhàu nát người ta cũng cất kỹ nó trong một góc nhà. “Đi đường đừng để quên áo đấy. Dù áo có rách cũng phải mang về, đừng vứt bỏ nó.” – Một bà mẹ người Thái xứ Nghệ thường dặn con cái khi đi xa hoặc vắng nhà lâu ngày. Để mất áo gần như là một điều kiêng kị với cộng đồng người Thái. Người ta tin rằng, nếu để mất áo, vía của người có thể đi lạc.
2. Vòng tay và những trang sức bằng bạc
Vòng tay, vòng cổ, xà tích bạc, trâm cài đầu từng là những trang sức quan trọng của phụ nữ Thái. Những trang sức này kết hợp với váy, áo, khăn thêu, túi đeo khiến phụ nữ Thái có nét rất riêng trong phong cách ăn mặc. Một phụ nữ Thái truyền thống khi đi hội hoặc tham gia các sự kiện của làng bản như cưới hỏi, dựng nhà, chơi tết thường mặc váy và áo truyền thống, đầu đội khăn thêu, bên hông đeo túi vải. Ngoài ra bên hông còn đeo một chùm xà tích như là vật trang trí. Trên tay cũng đeo vòng bạc. Những chiếc vòng này thường tròn hoặc dẹt tùy theo sở thích từng người. Tất cả trang sức này đều được chế tác bởi những thợ kim hoàn am hiểu về văn hóa ăn mặc của người Thái.
Vòng bạc đeo tay của phụ nữ Thái có nhiều loại khác nhau. Ngoài những chiếc nhỏ không được chạm trổ nom chẳng mấy đặc biệt, phụ nữ Thái ở Nghệ An còn đeo những chiếc vòng tay lớn chạm hình con sâu và hoa lá.
Tinh xảo nhất là dây xà tích được đeo bên hông, hình thức khá giống với dây đeo chìa khóa ngày nay. Xà tích truyền thống được tạo bởi những sợi dây bằng bạc có trang trí hình tráp đựng trầu, “ép” xôi, tôm cá, binh khí. Tất cả đều thể hiện những mô hình về cuộc sống sinh hoạt, lao động của người Thái.
Ngày nay, chiếc xà tích cũng như phần lớn những trang sức của người Thái đã có nhiều thay đổi. Để phù hợp hơn với túi tiền của nhiều người, những chiếc xà tích bằng bạc thường được kết hợp với các hợp kim rẻ tiền hơn. Vòng bạc được chế tác theo hình thức trước đây cũng chỉ còn tại những bộ sưu tập của một số người yêu văn hóa Thái.
3. Trâm cài đầu khi về làm dâu
Với cộng đồng người Thái, chiếc trâm đã vượt qua giới hạn của một vật trang sức. Trâm cài đầu gắn với một số nét văn hóa, phong tục của nhiều cộng đồng người Thái ở Việt Nam.
Người Thái đen ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có tục cài trâm và búi tóc cho cô dâu trong ngày thành hôn. Từ đó những chiếc trâm sẽ theo suốt cuộc đời người phụ nữ. Trâm cài đầu của phần lớn phụ nữ Thái ở Nghệ An được chế tác từ gỗ mun, một đầu được bịt bạc. Trước đây, những phụ nữ quyền quý trong những gia đình “thổ quan” ở vùng cao còn dùng trâm ngà voi.
Cây trâm chỉ bước vào cuộc sống của một phụ nữ Thái ở Nghệ An khi lập gia đình, gái chưa chồng thường không cài trâm. Một tập tục truyền đời trong những bản người Thái ở xã Yên Khê (Con Cuông), sau khi đón dâu về nhà, bà mối là người thay mặt mẹ của chú rể đến nhà gái trong ngày cưới làm một động tác mang tính nghi lễ là cài trâm lên đầu nàng dâu. Việc này thường diễn ra trước đêm tân hôn của đôi trẻ.
Cũng ở huyện Con Cuông, một số bản người Thái ở xã Chi Khê, cô dâu thường được chính mẹ đẻ của mình cài trâm lên đầu trước ngày theo chồng. Cô dâu được cài hai chiếc trâm. Một cái được gọi là trâm “chồng” cái còn lại là trâm “vợ”. Ngày nay, những chiếc trâm thường chỉ xuất hiện trên đầu các cô gái Thái vào ngày cưới. Sau cưới, trâm được cất kỹ như là một kỷ vật.
Cũng ở huyện Con Cuông, một số bản người Thái ở xã Chi Khê, cô dâu thường được chính mẹ đẻ của mình cài trâm lên đầu trước ngày theo chồng. Cô dâu được cài hai chiếc trâm. Một cái được gọi là trâm “chồng” cái còn lại là trâm “vợ”. Ngày nay, những chiếc trâm thường chỉ xuất hiện trên đầu các cô gái Thái vào ngày cưới. Sau cưới, trâm được cất kỹ như là một kỷ vật.
Theo baonghean.vn