Giữ gìn trang phục truyền thống của người Dao đỏ Bắc Kạn

Giữ gìn trang phục truyền thống của người Dao đỏ Bắc Kạn
Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Du lịch Bắc Kạn, người DaoBắc Kạn có số dân đông thứ hai, chiếm gần 18% tổng dân số toàn tỉnh; được chia thành 2 bộ phận sử dụng phương ngũ “Kềm miền” và “Kềm mùn” gồm 3 nhóm, 4 ngành và 8 chi. Mỗi nhóm mang một bản sắc văn hóa riêng nhất là về trang phục. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, người phụ nữ Dao đỏ tạo ra được nét riêng, độc đáo trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với các dân tộc khác.

Trải qua quá trình hội nhập, phát triển, hiện nay đồng bào dân tộc Dao đã không còn mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày mà họ mặc quần áo như dân tộc Kinh để việc sinh hoạt thuận tiện hơn. Nhưng trang phục truyền thống vẫn luôn được các thế hệ sau gìn giữ, phát huy bản sắc của dân tộc, dù để dệt nên bộ trang phục mất nhiều thời gian để hoàn thành.
 
Trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Bắk Kạn. Ảnh: baobackan.org.vn
Trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Bắk Kạn.
Ảnh: baobackan.org.vn

Đã 20 năm nay, cô Sằm Thị So, thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) gắn bó với nghề may trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc Dao đỏ. Cô So cho biết, trang phục của phụ nữ Dao đỏ ở Bắc Kạn gồm hai loại là thường phục và lễ phục. Bộ thường phục mặc hàng ngày có hai màu chủ đạo là xanh, đen gồm khăn đội đầu, áo, yếm, dây lưng và thường không thêu hoa văn. Chiếc áo lễ phục được mặc trong ngày cưới hoặc lễ hội được cắt khâu, thêu thùa công phu, tỉ mỉ hơn, xẻ ngực, nẹp áo thêu, cài bằng khuy bạc, hai ngực áo đính nhiều bông len đỏ đính hình chữ V. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng làm từ hai mảnh vải dài khoảng hai sải thêu hoa văn và trang trí hai đầu rất đẹp. Tông màu chủ đạo của bộ lễ phục của đồng bào Dao đỏ là màu đỏ, vì theo quan niệm màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn.

Cô Sằm Thị So chia sẻ: Áo của dân tộc Dao đỏ bao giờ cũng có bông đỏ dù to hay nhỏ. Cổ áo, vạt áo, tay áo đều có viền khác nhau. Đặc biệt chiếc áo yếm để mặc bên trong thiết kế rất khó, trang trí cầu kỳ, họa tiết, hoa văn phải thêu từng nét tỉ mỉ, công phu. Khăn vấn đầu mua vải chàm gấp nhỏ quấn, giờ cô cải tiến làm bằng xốp cho chị em dùng khi đội nhẹ, dù đội cả ngày cũng chẳng sao, quấn bằng vải chàm rất nặng. Trước đây, người phụ nữ ai cũng mặc bộ trang phục truyền thống, kể cả đi làm đồng. Chính bộ trang phục màu đỏ giúp phân biệt với các nhóm người Dao khác như Dao tiền, Dao Thanh y, Dao Quần trắng…

Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ là không thể thiếu những họa tiết hoa văn trang trí trên từng bộ phận. Bởi hoa văn trên y phục không chỉ biểu hiện cho tính cần cù và nhẫn nại mà nó còn thể hiện sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ, nghệ thuật của người phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Các họa tiết, hoa văn thể hiện trên bộ trang phục còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, tươi sáng của người phụ nữ, tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Để giữ gìn nét đẹp truyền thống trong trang phục dân tộc mình, sau những giờ làm việc đồng áng, các bà, các mẹ truyền kinh nghiệm, hướng dẫn cách chọn vải, cắt, dạy thêu từng đường kim mũi chỉ; cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận. Những công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, sự tỉ mỉ của người thêu mới làm nên bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh.

Được truyền dạy và học cách thêu trang phục từ năm 10 tuổi, em Triệu Thị Hương ở Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã có thể thêu một số bộ phận của bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Em Hương cho biết: Để thêu được một bộ quần áo dân tộc Dao đỏ rất cầu kỳ, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian nhưng được các bà, các mẹ dạy thì dần dần sẽ thêu, may được bộ quần áo hoàn chỉnh. Bộ quần áo lễ phục chỉ mặc vào những dịp đám cưới, lễ hội. Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ai cũng thích mặc bộ trang phục có nhiều sắc màu sặc sỡ.

Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ với từng đường kim, mũi chỉ, hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Cái hồn trong trang phục truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao đỏ Bắc Kạn đã, đang và mãi là sản phẩm tinh thần được bà con gìn giữ, bảo tồn. Mới đây, đồng bào Dao đỏ tại thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là niềm vinh dự, hãnh diện của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và cộng đồng người Dao Bắc Kạn nói chung; đồng thời là động lực góp phần bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp của bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ đang dần mai một.

Để giữ gìn, bảo tồn và phát triển những nét đẹp bản sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, tháng 7 năm 2018 tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với 40 thành viên, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn, phát huy những văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao như chữ viết, trang phục, tập quán về tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực, các lễ hội… khuyến khích, khôi phục, phát triển sản xuất một số ngành nghề truyền thống gồm đan lát các loại trang phục dân tộc bằng thổ cẩm thành dịch vụ hàng hóa để vừa bảo tồn, quảng bá, vừa tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Dao.

Ông Triệu Hồng Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn cho biết: Xuất phát từ nguyện vọng của cộng đồng dân tộc Dao, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao được thành lập. Trong thời gian tới, câu lạc bộ tiếp tục từng bước khôi phục văn hóa nghệ thuật, các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân tộc Dao. Về lâu dài, nghề thêu, giữ gìn trang phục của người Dao nói chung, trong đó có trang phục của người Dao đỏ hướng tới thành dịch vụ hàng hóa, có giá trị kinh tế bán ra thị trường. Chúng tôi mong muốn các khu du lịch sẽ có những gian hàng trưng bày các sản phẩm truyền thống của người Dao Bắc Kạn. Thông qua đó, khuyến khích, giữ gìn, bảo tồn, phát triển lâu dài bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng, thiết thực với đời sống xã hội của cộng đồng dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn.
Đức Hiếu - Hà Nhung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm