Trước đây, bông lau, bông gạo nhiều, bà con đi làm nương vẫn có thể tranh thủ lấy được. Mặc dù nguyên liệu ban đầu dễ lấy, nhưng để làm ra một chiếc đệm phải trải qua nhiều công đoạn. Bông lau, bông gạo sau khi được lấy về phải phơi thật khô, sau đó dùng gậy đập cho bung ra, thật tơi xốp, mềm; có như thế, thì đệm mới không bị mốc, dùng lâu đệm bị xẹp xuống, chỉ cần đem phơi nắng, dùng gậy đập cho hết bụi là đệm có thể đàn hồi trở lại. Vải để làm đệm cũng do bà con tự trồng bông, se sợi nhuộm chàm và tự dệt. Nhưng bây giờ, nguyên liệu bông lau, bông gạo hiếm, nên người dân sử dụng thêm một số loại bông công nghiệp, vải làm đệm thì có nhiều mẫu mã để lựa chọn, do đó, một số khâu làm đệm cũng không còn phải cầu kỳ như trước.
Phụ nữ Thái xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La ) duy trì nghề làm đệm truyền thống. |
Trong văn hóa truyền thống của người Thái, đệm không chỉ là vật dụng quen thuộc trong nhà mà còn là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Vì thế, mỗi người con gái Thái ngay từ khi biết lên nương, làm việc nhà, đã được cha mẹ dạy cách thêu thùa, làm đệm, để khi về nhà chồng, có thể tặng người thân của gia đình nhà chồng những đồ thổ cẩm tự tay mình làm ra. Điều đó thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, đức tính nết na, đảm đang của người con gái.
Biết làm đệm từ khi còn nhỏ, bà Quàng Thị Khánh, bản Khoang, chia sẻ: Làm một chiếc đệm bông gạo truyền thống không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, mà nó phải trải qua nhiều khâu và rất cầu kỳ, cần sự kiên nhẫn. Từ việc lựa chọn nguyên liệu, vỏ đệm, đến chỉ để khâu cũng không giống như các loại chỉ may mặc khác, mà là loại chỉ sợi to chắc, bền. Các công đoạn đều đòi hỏi phải kiên trì, tỷ mỷ và độ chính xác cao. Khi làm, mặt đệm được chia thành các ô vuông nhỏ thẳng hàng, rồi khâu hai mặt đệm ở các góc của ô vuông lại gọi là “bắt con”. Tiếp đến là công đoạn nhồi bông, phải nhồi làm sao cho chặt, đều các ô, mặt đệm phải căng, nhưng cũng không được nhồi quá chặt; nhồi bông xong, phải lấy gậy đập đều lên mặt đệm để các múi đệm hình ô vuông nhỏ căng phồng một cách đều đặn.
Còn tại bản Đông, nhà nào cũng làm đệm, nhưng có gần 20 hộ đã đưa sản phẩm truyền thống này ra thị trường tiêu thụ thông qua các chợ phiên trong huyện, tỉnh và một số tỉnh lân cận, như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Nhờ phát triển nghề truyền thống mà nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Trong căn nhà sàn khang trang của gia đình bà Cà Thị Họa, chúng tôi thấy có rất nhiều đệm nằm, đệm ngồi được bọc trong túi ni lông để chuẩn bị chuyển lên xe ô tô cho buổi chợ phiên. Tay cầm thanh nhựa cố định mặt vải phía dưới để đẩy bông vào thân đệm, bà Họa nói: Nguyên liệu chính để làm loại đệm truyền thống này là bông lau, bông gạo, giá của mỗi chiếc đệm phụ thuộc vào trọng lượng, kích thước theo nhu cầu của khách đặt, đệm bông gạo có giá trị hơn nhiều lần đệm bông lau. Thông thường một chiếc đệm kích thước 1,2 m, 1,6 m, 2,2 m có giá từ 1 đến 3 triệu/chiếc đệm bằng bông gạo, bông lau; loại cùng kích thước được làm bằng bông công nghiệp có giá từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Hiện nay, nguyên liệu để làm đệm bông gạo, bông lau hiếm, nên chúng tôi còn sử dụng thêm một số loại bông công nghiệp. Thời điểm khách hàng đặt nhiều nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhờ làm đệm, mỗi năm, 5 thành viên gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng.
Theo baosonla.org.vn