Người Chăm có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó có nghi lễ vòng đời gắn liền với chu kỳ ra đời, trưởng thành và qua đời của một con người.
Khi một đứa trẻ ra đời, người Chăm sẽ chặt cây xương rồng để trên cổng nhà hay để 2 cái nồi đất úp xuống hai bên cổng có quẹt vôi trắng với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ đến quậy phá thai phụ và trẻ sơ sinh. Để trình báo với tổ tiên, người Chăm thực hiện nghi lễ Éw praok (cúng tổ tiên) cầu mong cho đứa trẻ được khỏe mạnh, mau lớn. Khi đứa trẻ đến tuổi vị thành niên, người Chăm tiếp tục tổ chức lễ trưởng thành và đến tuổi kết hôn, họ sẽ làm nghi lễ Likhah caga tác thành cho đôi vợ chồng trẻ được chung sống với nhau. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con gái có quyền đi hỏi cưới chồng và sau hôn nhân con trai sẽ sang nhà gái sinh sống.
Quy luật tự nhiên của đời người có sinh, lão, bệnh, tử. Vì vậy, khi một người qua đời, người Chăm theo đạo Bà-la-môn sẽ làm lễ hỏa táng (Ndam cuh) ở bìa rừng, sau đó thu thập xương cốt và làm lễ nhập Kut (nghi lễ đánh dấu chu kỳ cuối cùng trong nghi lễ vòng đời). Với người Chăm theo đạo Bàni, gia đình và dòng họ sẽ tổ chức an táng và cúng kính 3 ngày. Nghi lễ vòng đời là phong tục tập quán tốt đẹp của người Chăm, thể hiện đạo lý nhân văn sâu sắc “lá rụng về cội”, được hình thành và gìn giữ qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Công Thử