Người già trong gia đình vun xới lúa trong kho. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Anh Đinh Ngưi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Kbang, Gia Lai cho biết: Kbang là địa phương còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cúng kho lúa không phải là một lễ lớn, tuy nhiên đây là một trong những lễ cúng không thể bỏ qua hằng năm. Người Bahnar tin rằng lúa cũng có thần cai quản và thần lúa đã ban cho con người lương thực, sức khỏe.
Mỗi gia đình người Bahnar có từ 1-2 kho lúa tùy theo lượng lúa thu hoạch trong một mùa. Kho lúa thường được làm cách nhà chính khoảng vài chục mét. Sau khi gặt, phơi khô, lúa được đem về kho tích trữ. Lúa đựng trong kho với mục đích dự trữ lương thực trong 1 năm cho cả gia đình. Trong kho lúa có một ngăn để trữ lúa giống, không lẫn với lúa ăn. Điểm đặc biệt của kho lúa là chỉ để đựng lúa mà không để bất cứ loại lương thực nào khác. Lúa để dành trong kho được lấy ra sử dụng quanh năm cho đến vụ mùa kế tiếp.
Kho lúa của dân tộc Bahnar tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Huyện Kbang là nơi còn lưu giữ nhiều kho lúa nhất tỉnh Gia Lai. Kho có kiểu kiến trúc nhà sàn thu nhỏ, diện tích từ 10-20 m, mái lợp bằng tre, trụ cột bằng gỗ. Chân kho lúa được bôi một lớp dầu trơn để chuột, sóc không trèo lên cắn phá lúa. Sàn và tường kho lúa được kết nối bằng các tấm liếp đan bằng nứa thật kín, không để lúa rơi rớt ra ngoài nhưng vẫn giữ được độ thông thoáng để lúa không bị ẩm mốc. Kho lúa có cửa để gia chủ ra vào đổ lúa, vun lúa cho gọn gàng.
Lúa được đổ dần từ kho trong ra ngoài cho đến khi đụng ngưỡng cửa, người dân sẽ đóng kín cửa và đổ lúa từ một cửa phụ gần sát nóc kho lúa xuống cho đến khi đầy kho; kho lúa đầy được khóa lại cẩn thận. Sau đó, người già trong gia đình tiến hành làm lễ cúng để tạ ơn thần lúa đã mang đến một vụ mùa bội thu.
Bên cạnh nhà chính là Kho lúa của dân tộc Bahnar tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Già Đinh Hoắt ở làng Bôn, xã Lơ Ku, huyện Kbang, cho biết: Khi tiến hành cúng kho lúa, người Bahnar thường dùng gà làm vật tế lễ, họ lấy tiết gà bôi lên góc 4 chân và trên chốt khóa của kho lúa. Họ cũng chọn những hạt gạo thơm ngon nhất để nấu cơm cúng thần linh. Người lớn trong gia đình hành lễ bằng các lời khấn thần lúa, mời thần về ăn những hạt cơm thơm dẻo mà ngài ban tặng cho gia đình. Phía trước mỗi kho lúa được gia chủ cắm 3 ngọn tre tươi giống kiểu cây Nêu trong các lễ hội truyền thống với ý nghĩa thần lúa sẽ trú ngụ ở đây và cai quản kho lúa giúp họ.
Mỗi năm, đồng bào Bahnar thường tổ chức cúng kho lúa 2 lần. Lần thứ nhất là trước khi lấy lúa giống ra để gieo trồng vụ mới, người dân cúng kho lúa mong cầu một mùa màng bội thu. Lần hai là khi thu hoạch xong, lúa chất đầy kho, mỗi gia đình lại tổ chức cúng kho lúa riêng, kết hợp với lễ mừng lúa mới của cả làng để cảm tạ thần linh đã ban cho một vụ mùa tươi tốt, thóc lúa đầy kho.
Tên tự gọi: Ba Na.
Tên gọi khác: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông...
Nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.
Dân số: 227.716 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Lịch sử: Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.
Hoạt động sản xuất: Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy. Cái cuốc là công cụ chủ yếu trong canh tác nông nghiệp ở tộc người này. Với ruộng khô thì việc thâm canh không bỏ hóa là đặc điểm khác với rẫy. Ruộng khô thường ở vùng ven sông suối. Từ đầu thế kỷ XX, việc làm ruộng nước bằng cày đã ngày càng phát triển ở nhiều nơi. Vườn chuyên canh và vườn đa canh cũng xuất hiện từ lâu. Công việc chăn nuôi và các nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn còn chưa phát triển.
Ở: Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây của Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa. Họ cư trú trên nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng, ở giữa làng được xây cất một ngôi nhà công cộng - nhà làng, nhà rông với hai mái vồng và cao vút. Ðó là nhà khách của làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cộng đồng làng như giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức nghi lễ, hội làng, xử án...
Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng, cho nam, nữ và cho mọi lứa tuổi. Gùi nhiều kích cỡ to nhỏ và nhiều chủng loại, đan mau và thưa nhưng đều theo một mô típ cổ truyền.
Quan hệ xã hội: Làng là đơn vị xã hội hoàn chỉnh và duy nhất. Tàn dư mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân. Sự tan rã của chế độ mẫu hệ ở đây đã nâng cao địa vị của nam giới nhưng phía mẹ vẫn gần gũi hơn. Sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ. Xã hội có người giàu, người nghèo và tôi tớ.
Theo cema.gov.vn