Người Khơ Mú vốn gắn liền tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt với thiên nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vì thế mang đậm dấu ấn của núi rừng. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào hầu hết được làm bằng tre, nứa và đều có nguồn gốc từ những vật dụng quen thuộc để sản xuất, sinh hoạt. Phụ nữ Khơ Mú không những chăm chỉ, tháo vát mà còn có khả năng đặc biệt trong thẩm âm, cảm thụ âm nhạc cũng như khéo léo chế tác và diễn tấu nhạc cụ tre nứa. Hầu hết phụ nữ ở bản Púng Giắt 1 đều biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre, nứa như đao đao, tăng bu hoặc sáo và gìn giữ được làn điệu Tơm trong sinh hoạt văn hóa. Những di sản văn hóa dân gian đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào, được đồng bào lưu truyền qua bao thế hệ.
Chị Quàng Thị Dua diễn tấu sáo mũi |
Tuy nhiên, với sáo mũi hay còn gọi là pí tót thì đến nay rất ít người còn biết sử dụng. Chị Quàng Thị Dua là 1 trong 2 người ở bản Púng Giắt 1 và số ít người trong cộng đồng dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên thành thạo diễn tấu cũng như chế tác loại nhạc cụ độc đáo này.
Những nhạc cụ truyền thống bằng tre, nứa của người Khơ Mú khá đơn giản nhưng có hiệu quả cao về nhạc điệu. Nhiều nhạc cụ, trong đó có sáo mũi - chỉ là những ống tre, nứa cắt thành đoạn để sử dụng - tận dụng độ vang theo dạng ống và kinh nghiệm sử dụng nguyên liệu (độ già của tre, nứa) hoặc đục lỗ, cắt khe để tăng hiệu quả âm thanh.
Sáo mũi phải làm từ ống tre (tơ la) thẳng, dài hơn nửa mét, loại bánh tẻ để có độ vang tốt nhất. 2 đầu là 2 đốt mắt để sáo có độ kín hơi. Sau khi phơi trong râm để ống tre khô, đục 2 lỗ nhỏ - 1 lỗ trên dùng thổi hơi vào, 1 lỗ dưới dùng để bấm chỉnh âm thanh phát ra của sáo. Âm thanh phát ra từ việc dùng hơi từ mũi. Người thổi phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp để tạo âm và tiết tấu bằng hơi từ mũi, theo làn điệu dân ca đang hát. Khi diễn tấu, người diễn tấu sử dụng một tay, 1 tay bấm vào lỗ ở 1 phía đầu sáo, 1 lỗ sẽ được dùng hơi từ mũi để thổi. Tay còn lại sẽ dùng để múa theo nhịp điệu bài dân ca. Sáo được sử dụng vào những dịp lễ tết, ngày hội và các buổi giao lưu văn nghệ.
“Tôi học thổi sáo mũi từ mẹ tôi đấy. Bà ấy là 1 trong những người thổi sáo hay nhất bản. Tôi được mẹ hát ru với cây sáo mũi và được nghe bà thổi Tót tơm - sáo dọc. Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu tự học thổi các loại sáo. Lúc đầu thổi sáo rất khó khăn vì không biết lấy hơi nên thổi không ra tiếng nhưng kiên nhẫn một chút và quyết tâm học, ngày qua ngày rồi biết thổi thôi” - chị cho biết.
Thổi niềm đam mê tới giới trẻ
Ngoài việc ruộng nương và chăm sóc gia đình, chị Quàng Thị Dua dành nhiều thời gian cho tình yêu và niềm đam mê với các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của dân tộc mình. Đây là phần làm nên sức sống mãnh liệt, vượt lên gian khó, lạc quan yêu đời của người Khơ Mú mà các thế hệ cha ông xưa đã sáng tạo, tích lũy trong lao động.
Tình yêu với sáo, những làn điệu dân ca và những giá trị văn hóa của người Khơ Mú ở chị Quàng Thị Dua không chỉ dừng lại ở sự đam mê cá nhân. Mỗi ngày chị âm thầm lan tỏa tình yêu đó sang những người xung quanh, nhất là thế hệ trẻ. Chị vừa diễn tấu thành thục sáo dọc, sáo mũi, vừa hát và sáng tác các làn điệu dân ca với lời mới.
Điều mà Quàng Thị Dua lo lắng là khi một ngày nào đó không xa, không ai còn nhớ cách thổi sáo, hát Tơm. Vì vậy, chỉ cần bạn trẻ quan tâm, chị không tiếc thời gian, công sức để truyền dạy. Ở Púng Giắt 1, Quàng Thị Dua là hạt nhân đội văn nghệ, kết nối các thành viên lan tỏa tình yêu và trách nhiệm gìn giữ vốn quý của cha ông.
Được sự quan tâm của phòng Văn hóa thông tin huyện Mường Chà và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, chị đã phối hợp để truyền dạy các bạn trẻ ở bản hát dân ca, diễn tấu sáo. Chị tận tình hướng dẫn các bạn trẻ cách sử dụng và chế tác các sáo dọc, sáo mũi cũng như diễn xướng dân ca Khơ Mú. Quàng Thị Típ là người trong bản được Quàng Thị Dua truyền dạy thành công diễn tấu sáo mũi.
Chị cũng là người am hiểu và nắm vững những phong tụ tập quán, lễ hội truyền thống của người Khơ Mú. Đặc biệt, với khả năng truyền đạt tốt cả tiếng nói, ngữ văn dân gian, các trò chơi dân gian, các chuẩn mực đạo đức, nghề dệt, trang phục, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú.
Năm 2018, Quàng Thị Dua là một trong 26 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú về trình diễn dân gian thổi sáo bằng mũi.
Không có chị với tình yêu dành cho sáo mũi, có lẽ, đến một lúc nào đó không xa, người Khơ Mú đã đánh mất đi một giá trị văn hóa vô cùng độc đáo của mình.
Tên tự gọi: Kmụ, Kưm Mụ.
Tên gọi khác: Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Mãng Cẩu, Tày Hạy, Mứn Xen, Pu Thềnh, Tềnh.
Dân số: 72.929 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Lịch sử: Khơ Mú là một trong những cư dân đã cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc Việt Nam. Bộ phận Khơ Mú cư trú tại miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An do chuyển cư từ Lào sang.
Hoạt động sản xuất: Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy nên được gọi là "Xá ăn lửa". Ngoài hình thái du canh du cư là chủ yếu, bộ phận định cư thường canh tác nương theo chu trình vòng tròn khép kín. Cây trồng ngoài lúa ngô ra còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Công cụ sản xuất gồm rìu, dao, cuốc, trong đó đáng lưu ý nhất là chiếc gậy chọc lỗ. Hoặc gậy đơn hoặc gậy kép (bịt sắt) có thể dùng nhiều năm. Hái lượm và săn bắn vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Việc trao đổi, mua bán chủ yếu là hình thức hàng đổi hàng. Vỏ ốc "kxoong" trước kia được coi như vật ngang giá. Người Khơ Mú chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phục vụ sức kéo và nhu cầu tiêu dùng, tín ngưỡng.
Ăn: Người Khơ Mú thường đồ xôi hay đồ ngô, độn sắn. Họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng, các thức ăn nướng có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua...
Mặc: Người Khơ Mú mặc giống người Thái, nhưng có điều khác là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ. Ngày nay, phần lớn người Khơ Mú, nhất là nam giới đều ăn mặc theo người Việt.
Ở: Hiện nay họ cư trú tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Vì điều kiện du canh, du cư nên bản làng thường nhỏ bé, rải rác. Nhà sàn chủ yếu dùng cột không ngoãm, vách phên, sàn bương. Hiện nay nhiều nơi đã làm nhà khang trang, vững chãi hơn.
Phương tiện vận chuyển: Cơ bản là gùi có dây đeo trên trán, có ách và các loại túi đeo, bộ phận người Khơ Mú làm ruộng dùng thêm sọt gánh.
Quan hệ xã hội: Người Khơ Mú quan hệ chặt chẽ giữa những người đồng tộc và những người láng giềng, nhất là người Thái. Mỗi bản gồm nhiều gia đình thuộc các dòng họ khác nhau. Mỗi họ có trưởng họ. Người dân bản trong bản đã có phân hoá giàu nghèo. Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ... có thể chia làm 3 nhóm tên họ. Nhóm tên thú gồm hổ, chồn, cầy hương... Nhóm tên chim gồm phượng hoàng đất, chìa vôi, cuốc, bìm bịp... Nhóm tên cây gồm guột, rau đớn, dương xỉ, tỏi ... Ngoài ra còn một số họ mang tên vật vô tri như: rọ lợn, môi múc canh...
Cưới xin: Hôn nhân theo nguyên tắc thuận chiếu, đặc biệt trong phạm vi một dòng họ. Trong hôn nhân, nhiều tàn dư mẫu hệ còn tồn tại như tục ở rể, chồng mang họ vợ, hôn nhân anh em vợ, chị em chồng... Ðám cưới được tiến hành qua các khâu dạm hỏi, ở rể, lễ cưới ở bên nhà vợ và lễ đón dâu... Trai gái được tự do tìm hiểu nhưng quyền quyết định do bố mẹ, đặc biệt là ông cậu. Ông cậu là người có ý kiến quyết định tiền thách cưới, đồ sính lễ.
Ma chay: Ðám ma của người Khơ Mú gồm nhiều nghi thức tín ngưỡng. Ðặc biệt bài cúng tiễn hồn người chết kéo dài hàng giờ sau đó mới đem thi hài đi chôn.
Nhà mới: Lên nhà mới là dịp vui của gia đình và cả bản. Chủ nhà thường mổ lợn thiết đãi bà con xóm giềng. Ðây là dịp dân bản trình diễn các sinh hoạt văn nghệ có tính cộng đồng.
Lễ tết: Ngoài tết Nguyên đán ra, người Khơ Mú còn ăn tết cơm mới. Tết được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch. Ðây là dịp vui của cả bản sau một thời gian lao động mệt nhọc. Tết cơm mới của người Khơ Mú thể hiện hiện sắc thái văn hoá tộc người đậm nét. Họ còn duy trì nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt.
Thờ cúng: Người Khơ Mú quan niệm có 5 loại ma quan trọng nhất là: ma trời, ma đất, ma thuồng luồng, ma tổ tiên và ma nhà. Ðó là các loại ma mang điều lành cho con người nhưng đôi khi giận dữ có thể gây tai hoạ trừng phạt con người.
Ngoài lễ cúng mường, người Khơ Mú còn lễ cúng bản, đặc biệt là lễ cúng ma nhà trong các dịp tết và khi con cháu trong nhà đau ốm. Bàn thờ ma nhà đặt trên gác bếp, còn ông bà thờ ở một gian riêng kín đáo và rất kiêng kỵ đối với người ngoài. Mỗi dòng họ vẫn duy trì tục thờ ma dòng họ với nghi thức và các động tác mang tính đặc trưng riêng.
Lịch: Ngoài theo lịch Thái, người Khơ Mú phổ biến cách tính ngày giờ căn cứ theo bảng cà la để vận dụng trong việc dựng nhà, cưới gả...
Học: Nhiều người biết đọc, viết chữ Thái.
Văn nghệ: Làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình. Cách hát theo kiểu đối đáp. Người Khơ Mú thích xoè, múa, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.
Chơi: Trong các ngày lễ tết, trẻ em hay đánh cầu lông làm bằng lông gà, đánh quay và các trò chơi dân gian khác.
Theo cema.gov.vn