Dân tộc Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì
DTMN
Dân tộc Hà Nhì Dân tộc Hà Nhì

Tên tự gọi: Hà Nhi gia.

Tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní.

Nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.

Dân số: 21.725 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây Bắc Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.

Hoạt động sản xuất: Người Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo. Họ quen dùng phân chuồng và phân tro trong canh tác lúa nước; đồng thời cũng làm nương cày hoặc nương cuốc để trồng ngô hoặc rau đậu, bầu, bí, bông, chàm...

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con.

Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh nên không trồng được bông phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 cm. Vải bền do kỹ thuật dệt đo được nhuộm chàm nhiều lần. Trồng chàm và nhuộm chàm là một hoạt động rất đặc sắc ở người Hà Nhì.

Hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Ăn: Người Hà Nhì quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, ưa dùng thịt nướng, thịt xào và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà hoặc thịt lợn.

: Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu). Bộ phận làm ruộng bậc thang, nương định canh từ lâu đã sống định cư. Nhiều bản có tuổi trên 100 năm, đông tới 50, 60 hộ. Những nơi làm nương, bản thường phân tán rải rác theo nương.

Ða số cư dân ở nhà đất, tường trình chắc chắn, dày tới 30-40cm, thích hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Tuỳ từng nơi, nhà có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên ở ngay trong nhà để tránh gió rét. Họ quen nấu cơm bằng chảo ở bếp lò xây trên nền đất.

Phương tiện vận chuyển: Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại và chuyên trở.

Quan hệ xã hội: Tính cộng đồng trong làng bản biểu hiện khá tập trung không chỉ trong sản xuất mà cả trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng.

Gia đình nhỏ phụ quyền song người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia ra thành nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ.

Người Hà Nhì không có tục thờ cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai út. Các thành viên trong gia đình, dù đã ra ở riêng, nếu bị chết phải đưa xác về quàn tại trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ cúng chung với tổ tiên.

Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, nên có vần điệu dễ nhớ. Có họ nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này. Có nơi nghi lễ này cũng được thực hiện trong lễ nhập quan cho người chết.

Cưới xin: Tuỳ từng vùng phong tục cưới xin khác nhau nhưng một điểm chung nhất là các cuộc hôn nhân do trai gái tự tìm hiểu. Ở vùng Bát Xát (Lào Cai), cưới qua nhiều bước. Sau ba lần dạm hỏi, lễ cưới thứ nhất được tổ chức nhằm đưa con dâu về nhà chồng. Lần cưới thứ hai ăn uống linh đình ở nhà gái. Lễ này chỉ diễn ra sau khi đôi vợ chồng làm ăn khá giả, lúc đó họ đã có con, cháu, có người 50-60 năm sau hoặc cho đến khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới này. Ở Tây Bắc, sau lễ hỏi, con rể đến ở rể. Nếu trả ngay tiền cưới thì không phải ở rể, lễ cưới được tổ chức ngay, từ đó con dâu mang họ của chồng.

Sinh đẻ: Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng. Ðể dễ đẻ họ có tục đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Rau đẻ được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò.

Nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải - sinh con gái, bên trái - sinh con trai.

Ma chay: Quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có nắp đậy kín. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết.

Thờ cúng: Họ tin có linh hồn, thờ cúng tổ tiên, cúng bản và các nghi lễ nông nghiệp.

Lễ tết: Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng năm tháng năm, rằm tháng 7.

Học: Người Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.

Văn nghệ: Người Hà Nhì có nền văn học dân gian với nhiều thể loại như truyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ...

Dân ca, dân vũ là những hình thức văn nghệ được mọi lứa tuổi ưa thích.

Các loại nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính, đàn môi, sáo.

Chơi: Trẻ em Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm