Công bố Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 15/5, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước.

vna_potal_binh_phuoc_cong_nhan_nghe_dan_gui_va_nghe_det_tho_cam_cua_nguoi_s’tieng_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7377759.jpg
Trao chứng nhận Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN phát

Đây là hai di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2023 và năm 2024.

Bình Phước được biết đến là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc S’tiêng có tỷ lệ đông thứ hai hiện nay của tỉnh, với gần 97.000 người, sinh sống tại 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Với quy mô dân số trên và lịch sử cư trú lâu đời, cộng đồng người S’tiêng đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.

Nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng là nghề thủ công truyền thống được tích lũy, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của người nghệ nhân S’tiêng. Để tạo ra các sản phẩm gùi và thổ cẩm, người nghệ nhân phải có năng khiếu, có kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật, bên cạnh đó, phải biết nhận diện và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, cũng như kỹ thuật tạo hình hoa văn. Những kỹ thuật, tri thức này còn thể hiện sự ghi nhớ, chắt lọc, sáng tạo và tích lũy qua thời gian để tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng có của người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Với giá trị tiêu biểu đó, Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 479/QĐ-BVHTTDL ngày 6/3/2023 và Quyết định số 375/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024.

vna_potal_binh_phuoc_cong_nhan_nghe_dan_gui_va_nghe_det_tho_cam_cua_nguoi_s’tieng_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7377767.jpg
Đồng bào S’tiêng tham gia dệt thổ cẩm tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN phát

Tại lễ công bố, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh: Nghề dệt thổ cẩm và Nghề đan gùi của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đặc biệt là sự tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người S’tiêng đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị đối với Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm.

Tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm, ông Nguyễn Khắc Vĩnh đề nghị Phòng Quản lý văn hóa tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bảo tàng tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm làm rõ hơn về giá trị, ý nghĩa của Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm; cung cấp hồ sơ, tư liệu, hướng dẫn các địa phương, các cộng đồng là chủ thể di sản văn hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

vna_potal_binh_phuoc_cong_nhan_nghe_dan_gui_va_nghe_det_tho_cam_cua_nguoi_s’tieng_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7377761.jpg
Khách tham quan gian trưng bày gùi và thổ cẩm tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN phát

Các địa phương cần quan tâm, có cơ chế để thúc đẩy công tác đào tạo nghề truyền thống, nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa; ưu tiên hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đối với các hộ gia đình còn duy trì nghề nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản phẩm; có chính sách khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân đan gùi, dệt thổ cẩm, người có tay nghề giỏi và xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã đan gùi, dệt thổ cẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch...

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm