Trong văn hóa người Tây Nguyên, cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu tại các lễ, hội. Hiện tại các buôn làng ở Gia Lai có những bộ cồng chiêng tuổi đời hàng chục thậm chí hàng trăm năm, ghi dấu biết bao thay đổi của đồng bào nơi đây.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng như gìn giữ âm vang cồng chiêng luôn được đồng bào Tây Nguyên chú trọng, đặc biệt khi có bộ cồng chiêng mới, bà con ăn mừng như được Yang (thần linh) ban thêm của cải, may mắn, sức khỏe.
Mới đây, đồng bào người Jrai trong Câu lạc bộ Cồng chiêng buôn Ama Djơng, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa đã tổ chức lễ cúng, đón nhận bộ chiêng mới vừa được trao tặng từ Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Từ sáng sớm, già làng Kpă Hoăt cùng đồng bào buôn Ama Djơng chuẩn bị đồ để cúng mừng chiêng mới. Lễ vật là phần đầu, đuôi, đùi, lòng và gan của một con heo (lợn) và 3 ghè rượu. Trước đó, cây nêu đã được dựng lên ở giữa sân nhà Rông. Sau khi bày biện lễ vật, già Kpă Hoăt - chủ tế tiến hành lễ cúng.
Đầu tiên, già múc nước đổ lần lượt vào từng ghè rượu, sau đó lấy phần gan lợn đã được cắt nhỏ bỏ vào từng chiếc chiêng mới. Rượu trong ghè được rưới lên từng chiếc chiêng. Vừa làm, già vừa đọc bài khấn trong tiếng tấu chiêng rộn ràng của các thanh niên trong làng, gọi thần linh về chứng giám lễ cúng. Già Hoăt đọc lời cầu khấn, mời Yang xuống chung vui cùng bà con và cầu mong cho bộ chiêng bền lâu, âm thanh vang vang xa, người dân mỗi khi sử dụng bộ chiêng mới này đều vui vẻ, đoàn kết, yêu thương nhau.
Sau khi kết thúc bài khấn, già Hoăt mời đội trưởng đội chiêng lên uống căn rượu ghè cần đầu tiên. Sau đó, già phát từng chiếc chiêng mới cho các thành viên trong đội, mọi người cùng say sưa tấu chiêng rộn ràng hòa cùng vòng xoang uyển chuyển. Già cũng hứng rượu ra một chiếc nồi đồng, lần lượt mời từng người trong đội chiêng thưởng thức.
Được thành lập từ năm 2023, với 40 thành viên, Câu lạc bộ cồng chiêng buôn Ama Djơng có một bộ chiêng đã cũ. Vì vậy, khi nhận được bộ chiêng mới, ai nấy đều vui mừng. Bộ chiêng mới gồm 6 chiêng núm, 9 chiêng bằng. Kinh phí từ Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” còn hỗ trợ thành viên Câu lạc bộ 40 bộ đồng phục truyền thống dân tộc Jrai và một số nhạc cụ dân tộc truyền thống khác phục vụ công tác bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển du lịch địa phương.
Ông Siu Lịch, Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng buôn Ama Djơng cho biết, các thành viên câu lạc bộ thường xuyên tổ chức tập luyện để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, để văn hóa cồng chiêng phát huy được thế mạnh trong thu hút du lịch, ông mong thị xã Ayun Pa thường xuyên tổ chức những chương trình, ngày hội cồng chiêng giữa các xã, phường để các đội cồng chiêng có dịp giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, các thành viên trong câu lạc bộ mong muốn chính quyền tạo điều kiện để câu lạc bộ có cơ hội tiếp xúc với những chương trình lớn như cồng chiêng cuối tuần tổ chức tại thành phố Pleiku mỗi thứ 7 hằng tuần, chương trình sắc màu văn hóa, nhất là Festival được tổ chức 4 năm một lần tại thành phố Pleiku.
Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như nguồn kinh phí từ các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong đó có cồng chiêng là một hoạt động nhằm khích lệ, động viên tinh thần các nghệ nhân, giúp họ tiếp tục nhiệt huyết với công việc truyền dạy, biểu diễn cồng chiêng. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, góp phần tạo dấu ấn trong thu hút du lịch tại địa phương.
Hồng Điệp