Ngày 19/5 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đồng bào dân tộc Gia Rai đến từ tỉnh Gia Lai đã tổ chức tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc mình.
Lễ mừng chiến thắng là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Gia Rai nhằm tạ ơn đấng thần linh sau một năm làm ăn của đồng bào, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết vượt khó của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Đây cũng là dịp để toàn thể dân làng người Gia Rai thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, địch họa và cầu xin thần linh tiếp tục giúp đỡ để cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên với những vụ mùa được tươi tốt.
Theo quan niệm của người Gia Rai, chung quanh cuộc sống của họ có nhiều vị thần phải khấn vái cầu nguyện mới được tồn tại, đó là: Bok Glaih (thần sấm sét), Yang Sri (thần lúa), Yang Đak (thần nước), Yang Kông (thần núi)...
Nghi lễ cúng "mừng chiến thắng" gồm ba phần. Đầu tiên là lễ kính báo với ông bà (atâu); tiếp theo là lễ kính báo về việc chôn cột gưng (kơpô) đâm trâu; phần lễ cuối cùng là đưa trâu cột vào gưng được làm bằng vỏ cây rừng, tiến hành đâm trâu, giết mổ lợn gà đặt lên bàn cúng.
Các già làng uống ghè rượu cúng đầu tiên, sau đó mời tất cả dân làng cùng uống. Đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu các bài chiêng truyền thống, các cô gái múa xoang theo nhịp chiêng rộn ràng vòng quanh cây nêu, các cụ già thì ngồi kể khan, hát dân ca cho nhau nghe. Họ cùng nhau tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh và ngày hội được kéo dài.
Lễ hội mừng chiến thắng của đồng bào Gia Rai góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Phương Nam
Tên tự gọi: Gia Rai.
Tên gọi khác: Jrai, Giơ Ray, Chơ Ray.
Nhóm địa phương: Chor, Hđrung (gồm cả Hbau, Chor), Aráp, Mthur, Tơbuân.
Dân số: 122.245 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ hệ Malayô Pôlynêixa (ngữ hệ Nam Ðảo).
Lịch sử: Dân tộc Gia Rai là một trong những cư dân sớm sinh tụ ở vùng núi Tây Nguyên, lan sang một phần đất Campuchia. Trong xã hội Gia Rai xưa đã có Pơ tao ia (vua nước) và Pơ tao pui (vua lửa) chuyên cúng trời, đất, cầu mưa thuận gió hoà... Trước thế kỷ XI người Ê Ðê, Gia Rai được gọi chung một tên là Rang Ðêy. Vào thế kỷ XV-XVI sử sách phong kiến Việt Nam ghi nhận danh hiệu Thủy Xá (vua nước), Hoả Xá (vua lửa). Chỉ có người đàn ông họ Siu mới được làm vua lửa, vua nước và con gái họ Rơ chom mới được quyền làm vợ hai vua. Có lẽ chữ Pơ tao đồng nghĩa với Mtao của người Chăm, Tạo của người Thái và Thao của người Lào, đều chỉ người thủ lĩnh.
Hoạt động sản xuất: Kinh tế trồng trọt là cái gốc của hoạt động sản xuất. Ðất đai là đối tượng tác động lao động được phân chia thành hai loại - đất chưa canh tác có tên: đê, trá, lon, vô chủ và đất canh tác gọi chung là Hma, phần sở hữu của mỗi gia đình. Hma gồm những mảnh đất trồng trọt theo cách nửa vườn, nửa rẫy; nương phát, đốt, cuốc xới đất và trọc lỗ tra hạt. Còn ruộng nước dùng cuốc xới ; sục bùn và đang chuyển sang cày, bừa dùng 2 bò kéo.
Chăn nuôi gia đình: Trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, chó... Trong đó trâu là vật ngang giá trong việc trao đổi vật quý như chiêng, ché và hiến sinh trong lễ nghi tín ngưỡng. Nghề phụ gia đình có: mộc, rèn và đan lát. Những người thợ thủ công đã làm ra những chiếc gùi dùng để đựng đồ mặc, trang sức, vận chuyển. Nghề dệt với khung dệt kiểu Inđônêdiêng khá thịnh hành tạo được tấm vải khổ rộng, hoa văn đẹp.
Ăn: Gạo tẻ là lương thực chính; lương thực phụ là ngô. Thức ăn có rau, muối, ớt, canh rau, lâu lâu mới có bữa thịt, cá. Bữa cơm hàng ngày có thể cả gia đình ngồi quanh nồi cơm, bát ớt... hoặc chia thành từng phần cho mỗi người. Bữa tiệc, lấy ché rượu cần làm trung tâm, quanh đó có các món ăn đựng trên bát, đĩa hoặc lá chuối để vừa ăn, vừa uống. Khi rượu ngà say có hát, nhảy múa, đánh chiêng. Trừ trẻ thơ, mọi người bất kể nam nữ đều hút thuốc lá.
Mặc: Ðàn ông đóng khố vải trắng kẻ sọc nhiều màu (toai), ngày lễ đóng khố vải chàm dài 4 m và rộng 0,30 m, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu ở hai đầu. Áo màu đen cộc tay, hở nách, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn mang đậm dấu vết kiểu pông-sô. Pơtao hoặc chủ làng mặc áo chàm che kín mông, tay dài, chui đầu, có một mảng sợi màu đỏ làm khuy và khuyết cài từ cổ đến ngực. Dưới dải cúc là miếng vải đỏ hình vuông khâu đáp vào để làm dấu hiệu là áo. Ðàn bà mặc váy chàm (dài 1,40 m x rộng 1 m), có đường viền hoa văn chạy quanh gấu. Phần cạp có tua chỉ trắng hoặc màu. Váy không khâu liền thành ống nên khi mặc chỉ cuốn vào thân để chỗ giáp hai đầu về phía trước. Họ mặc áo cánh ngắn bó sát thân, dài tay. Trên cánh tay áo có chiếc được thêu những đường vòng hoa văn chỉ màu. Nơi ở quanh năm nóng nực nên cả nam lẫn nữ ưa thích cởi trần.
Ở: Nhà sàn cho mỗi gia đình một vợ một chồng mẫu hệ. Kiến trúc có hai loại. Nhà sàn dài kiểu la-yun-pa, dài 13,5 m và rộng 3,5m là kích thước trung bình cho mỗi nhà. Nhà được phân thành hai phần: bên mang và bên óc. Cửa bên óc chỉ quay về hướng Bắc và bên óc dành cho những người đàn bà - chủ gia đình mẫu hệ. Trong nhà có hai bếp. Nhà nhỏ kiểu Hđrung với kích thước rộng 3m x dài 9m. Chiều cao từ đất lên đòn nóc không quá 4,50m. Cửa chính thông ra sàn phơi chỉ quay về hướng Bắc. Hai bên cửa chính có hai cửa sổ. Trong nhà chỉ có một bếp.
Phương tiện vận chuyển: Gùi có hai dây đeo qua vai là hình thức phổ biến. Ngoài ra có ngựa, voi để thồ và cưỡi. Voi còn dùng để kéo...
Quan hệ xã hội: Làng (Plơi hoặc Bôn) vừa là đơn vị cư trú vừa cấu kết thành tổ chức xã hội, có một hội đồng gồm những ông già chủ trì chung (Phun pơ bút). Hội đồng chọn người đứng đầu làng (Ơi pơ thun, Thap lơi hay Khoa plơi), có lệ làng gọi là Kđi. Xã hội Gia Rai truyền thống có hình thức cố kết vùng gọi là Tơ ring. Người đứng đầu Tơ ring là Khoa Tơ ring, giúp việc xét xử có Po phắt kđi và Thao kđi. Tơ ring là cộng đồng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự.
Dòng họ theo chế độ mẫu hệ nên phả hệ hoàn toàn tính về dòng mẹ. Khối cộng đồng máu mủ được tập hợp thành từng họ - Kơ nung hoặc Ðgioai. Mỗi họ thường được phân chia nhiều ngành hoặc phân đôi, thành họ khác. Mỗi họ, mỗi ngành kiêng một tô tem riêng. Gia đình nhỏ mẫu hệ là nét nổi bật của người Gia Rai khác với trường hợp người Ê Ðê là đại gia đình mẫu hệ.
Cưới xin: Luật tục nghiêm cấm những người cùng ngành họ và dòng mẹ lấy nhau. Tuổi từ 18-19 nam nữ tự do lựa chọn người yêu, trong đó nữ chủ động lựa chọn lấy chồng. Phong tục giản đơn, không mang tính chất mua bán và do nhà gái chủ động. Bảo lưu tục chồng chết, vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết, chồng có thể lấy chị vợ. Khi đã thành vợ thành chồng thì đàn ông phải sang nhà vợ, không có trường hợp ngược lại.
Sinh đẻ: Bà mẹ được coi trọng. Khi mang thai họ không được làm việc nặng nhọc. Họ rất lo sợ đẻ khó và chết vì sinh nở. Khi sinh nở sản phụ phải kiêng khem nhiều thứ như không ăn cơm nấu mà chỉ dùng cơm lam, không ăn thịt mà chỉ ăn rau...
Ma chay: Người Gia Rai theo tục tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt. Người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở huyệt phía mẹ mình. Trong huyệt chung ấy, các quan tài được xếp kề sát bên nhau theo chiều ngang rồi chồng lên theo chiều dọc. Khi quan tài cao bằng miệng huyệt thì lấy ván kê bốn bề để chôn tiếp vài ba lớp nữa mới làm lễ "bỏ mả" (Họa lui, Thi nga hay Bó thi) - một nghi thức lớn trong quá trình tang lễ.
Nhà mới: Việc làm nhà mới bắt đầu bằng nghi thức bói tìm đất. Bà chủ đem 7 hạt gạo đặt trên đất rồi lấy cái bát úp lên để bói tìm sự linh ứng của thần đất. Sau 3 ngày, 3 đêm đi lật bát lên xem nếu hạt gạo còn nguyên là thuận. Ngược lại, mất hạt nào thì phải đi phải đi bói tìm chỗ khác. Ðặt hạt gạo để bói xong tổ chức ăn uống, hò reo, múa chiêng 3 ngày. Dựng nhà xong lại mở hội nhà mới 3 hôm nữa mới kết thúc.
Thờ cúng: Người Gia Rai theo vạn vật hữu linh. Thần linh (Yang) có nhiều loại, trong đó có ba loại nổi bật được nhắc đến trong lễ cúng hàng năm hay nhiều năm một lần:
Thần nhà (Yang sang) lực lượng bảo vệ nhà cửa được cúng trong nhà. Khi nhà mới dựng thì phải tiến hành nghi thức lễ đâm trâu và trồng cây gạo.
Thần làng (yang ala bôn) và thần nước (yang ia) là lực lượng bảo vệ làng xóm và cuộc sống của mọi thành viên được cúng ở bến nước và chân núi.
Thần vua (Yang pó tao) do vua lửa, vua nước, vua gió (ptao agin) tiến hành lễ cầu trời, mưa thuận, gió hoà và mùa màng tươi tốt.
Ngoài ra, người Gia Rai còn tin khi chết các linh hồn biến thành ma. Có hiện tượng gán cho người có ma thuật làm hại gọi là ma lai.
Lễ tết: Xưa nam nữ đến tuổi thành niên có tục cưa răng hàm trên. Việc này do ông già Pô khoa tkơi thực hiện bằng cách lấy liềm cắt hoặc dùng một viên đá ráp chà xát vào hàm răng trên, ở ven suối. Cầm máu răng bằng lá thuốc (Tkoi am). Nữ 1-2 tuổi xâu lỗ tai, sau đó lấy bấc cây căng dần tai ra để đến khi trưởng thành thì đeo hoa tai bằng ngà voi có đường kính đến 6 cm. Nam giới không căng tai mà chỉ đục lỗ để đeo khuyên.
Lễ nghi lớn nhất là lễ bỏ mả, tạc tượng mồ, lễ lên nhà mới, có ăn, uống, hát, biểu diễn cồng chiêng.
Lịch: Tháng giêng được tính từ ngày có trận mưa đầu tiên tương đương với tháng 4 dương lịch. Tháng 12 lịch Gia Rai (tháng 3 dương lịch) gọi là Blanning, nghỉ ngơi lao động và làm các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng.
Học: Người Gia Rai đã có bộ chữ theo mẫu tự La-tinh. Giống như tất cả các dân tộc khác, hiện nay học sinh đều học tiếng và chữ phổ thông.
Văn nghệ: Người Gia Rai có nhiều trường ca như Ðăm San, Xinh Nhã, Ðăm Di... thể hiện dưới hình thức hát thơ có đệm đàn Tưng nưng. Những điệu vũ dân gian Gia Rai có một số động tác mô phỏng những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc. Ðàn Tơ rưng, Krông put, Tưng nưng ... rất được phổ biến.
Chơi: Thanh niên thích chơi kéo co trong ngày lễ.
Theo cema.gov.vn