Giữ gìn nghề đan lát truyền thống của người Khơ Mú ở bản Kéo

Bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) có 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú, với 90 hộ và hơn 500 nhân khẩu. Hiện nay cả bản còn khá nhiều hộ còn đang giữ nghề đan lát của dân tộc Khơ Mú. Để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, bản Kéo đã thành lập được một câu lạc bộ đan lát truyền thống với hơn 20 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi trong bản.

Đối với đồng bào Khơ Mú, nghề đan lát đã có từ rất lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế khác theo phương thức “cha truyền con nối” là chủ yếu.

PNA_9643.jpg
Bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) với 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống và có nghề đan lát truyền thống đặc sắc. Ảnh: Hoàng Tâm

Từ xa xưa, cuộc sống hằng ngày của người Khơ Mú gắn liền với tự nhiên. Từ những vật liệu thông dụng như cây tre, mây, nứa, giang… dưới đôi tay khéo léo người Khơ Mú đã tạo nên các vật dụng để phục vụ cuộc sống như: Sọt, sàng, gùi, đó… Trong gia đình người Khơ Mú, mọi người đều biết đan lát.

DSC00022.JPG
Nguyên liệu đan lát của đồng bào Khơ Mú là những đọt mây, giang, tre nứa gắn liền với tự nhiên. Ảnh: Hoàng  Tâm

Để có sản phẩm đan lát bền, đẹp thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng. Tuy sẵn có nhưng phải biết lấy những cây không già quá, không non quá, không cụt ngọn và chỉ khai thác tre nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng vì “tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị mọt”. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Người Khơ Mú luôn chẻ tre, nứa từ ngọn xuống gốc còn chẻ mây lại từ gốc lên ngọn.

PNA_9554.jpg
Để có sản phẩm đan lát đẹp, bền, nguyên liệu phải được lựa chọn và xử lý kỹ càng để không bị mối, mọt. Ảnh: Hoàng Tâm

Kỹ thuật đan của người Khơ Mú cũng rất đa dạng. Người đan sẽ chọn kiểu đan tùy theo sản phẩm định đan. Như đan rổ, giá, dần, sàng thì đan lóng mốt, lóng đôi, đan ô vuông. Còn đối với các vật dụng như mâm ăn cơm thì đan bắt chéo, đan hình quả trám để tạo hình hoa văn cho sản phẩm

PNA_9493.jpg
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khơ Mú có từ rất lâu đời, được truyền theo phương thức "cha truyền con nối" là chủ yếu. Ảnh: Hoàng Tâm
PNA_9486.jpg
Mỗi sản phẩm đan lan đều có kỹ thuật đan và tạo hình hoa văn riêng và độc đáo. Ảnh: Hoàng Tâm
PNA_9537.jpg
Trong gia đình người Khơ Mú, mọi người đều biết đến các sản phẩm đan lát. Ảnh: Hoàng Tâm

Ông Quàng Văn Hặc ở bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Nghề đan lát của người Khơ Mú đã có từ lâu đời. Trước đây, tôi học được nghề đan lát từ ông bà, bố mẹ mình, đến giờ đã được gần 60 năm. Tôi vẫn thường xuyên đan lát các vật dụng sinh hoạt cho gia đình và có cơ hội sẽ chỉ dạy lại nghề cho con cháu” .

DSC00050.JPG
Mỗi sản phẩm đan lát đều là sự tỷ mỉ đến từng chi tiết từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Khơ Mú. Ảnh: Hoàng Tâm
PNA_9582.jpg
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khơ Mú vẫn được những người cao tuổi duy trì để tạo ra các sản phẩm, vật dụng gia đình. Ảnh: Hoàng Tâm

Tuy nhiên, hiện nay, nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khơ Mú đang dần bị mai một, thế hệ trẻ đã không còn mặn mà với nghề của cha ông, thường chuộng những đồ dùng có sẵn, mẫu mã đa dạng, không mất công, mất sức đan lát để sử dụng.

PNA_9481.jpg
Ngôi nhà truyền thống của đồng bào Khơ Mú với các vách sàn cũng được làm từ nghề đan lát. Ảnh: Hoàng Tâm
PNA_9530.jpg
Đồng bào Khơ Mú ở bản Kéo luôn mong muốn nghề đan lát truyền thống được giữ gìn và bảo tồn để nét văn hóa độc đáo được trường tồn với thời gian. Ảnh: Hoàng Tâm
PNA_9523.jpg
Góp phần nâng cao, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, bản Kéo đã thành lập câu lạc bộ đan lát truyền thống của đồng bào Khơ Mú. Ảnh: Hoàng Tâm

Người Khơ Mú ở bản Kéo giữ nghề đan lát truyền thống để giữ gìn nét văn hóa riêng biệt, độc đáo cần được khôi phục, bảo tồn, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một cùng với thời gian. Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng và các sản phẩm của đồng bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoàng Tâm – Thanh Chúc

(̣Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm