Trò chơi không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết của người Hà Nhì |
Quay cù làm lý đoán mùa màng bội thu
Để đoán biết mùa màng có bội thu hay không, người Hà Nhì thường quay cù làm lý. Người ta vẽ ba vòng tròn nhỏ kích thước bằng nhau, đường kính 30cm. Mỗi vòng tròn cách nhau cũng khoảng 30cm. Dãy vòng tròn cách dãy vạch trên của sân l0cm. Theo nghệ nhân Pở Lóng Tơ thì ba vòng tròn ấy tượng trưng cho con người (vòng ở giữa), lương thực (vòng bên phải) và vật nuôi (vòng bên trái). Ở cạnh đối diện được tính là cạnh dưới, người ta vẽ một đường kẻ ngang làm điểm giới hạn cho người chơi. Vạch giới hạn cách vạch dưới của sân 1m và cách vạch tròn gần 2m. Những người chơi đứng trong sân cù hình vuông ấy. Những người cổ vũ đứng ngoài vạch kẻ sân vuông nhưng phải đứng bên phải sân, không được đứng bên trái vì người chơi thường cầm dây cù ở tay phải, vung đánh cù cũng ở bên phải đánh qua trước mặt làm cho dây văng về bên trái nên nếu đứng xem ở bên trái sân cù sẽ nguy hiểm.
Cuộc chơi cù diễn ra bằng màn cù biểu diễn và cũng là để xem năm đó mùa màng có bội thu, con ngưởi có hạnh phúc không? Ngưởi ta chọn ra ba người chơi là 3 thanh niên khoẻ mạnh đánh cù tài nhất bản. Mỗi người một con cù đứng dưới các vòng tròn người nọ đứng cách ngưởi kia khoảng 2 m. Khi chủ lễ phát lệnh ra cù, cả ba người đồng loạt bổ cù về phía các vòng tròn. Người đứng trước vòng tròn nào sẽ phải bổ trúng vòng tròn đó. Người ta quan niệm rằng cù trượt vòng tròn nào thì năm ấy yếu tố đó không tốt. Nếu cả ba cù đều trúng vòng tròn hoặc không trúng vòng tròn nhưng khi quay lại liệng vào vòng xác định thì năm đó mọi thứ đều tốt. Bên cạnh đó, người ta lại để ý xem cù ở vòng nào quay tít nhất, vu nhất, lâu nhất thì năm đó mùa màng bội thu, đởi sống đồng bào ấm no, vui vẻ.
Màn chơi tự do
Người Hà Nhì có hai cách chơi cù. Cách thứ nhất là kiểu chơi đồng hầm: những người chơi cùng thực hiện bổ cù, một hoặc nhiều người chơi (tùy thỏa thuận) có con cù dừng sớm nhất sẽ bị hầm, nghĩa là phải để cho những người khác bổ con cù vào con cù của mình. Thể thức này cũng có thể chia làm hai phe, mỗi phe cử một đại diện ra để xác định đội bị hầm. Hầm lại có hai thể thức chính là hầm động và hầm tĩnh, còn gọi là hầm sống và hầm chết. Nếu hầm sống thì những người bị hầm sẽ cho con cù của mình quay và những người được hầm tìm cách bổ trúng. Nếu hầm chết thì những người chơi sẽ vẽ một vòng tròn trên mặt sân chơi những con cù bị hầm được cho vào đó để người được hầm bổ xuống. Trong khi hầm, nếu con cù của người được hầm không, hay gần như không quay được trên mặt đất thì con cù đó sẽ trở thành con cù bị hầm. Ở thể thức hầm chết, ngoài trường hợp vừa nêu, nếu con cù của người được hầm khi dừng quay nằm lại trong lò thì con cù đó cũng bị đưa vào hầm; ngược lại, con cù đang bị hầm mà sau khi bị va chạm văng ra khỏi lò thì coi như được cứu thoát và người chủ có quyền hầm những con cù còn lại.
Để “cứu” một con cù đang bị hầm, người chơi hay áp dụng kỹ thuật bổ vát còn để gây thiệt hại thì dùng bổ thượng. Còn có một biến thể mà ít ai muốn con cù của mình bị hầm là chỉ chọn ra một con cù duy nhất cho vào lò, những người được hầm sẽ bổ con cù của mình nhằm đưa “nạn nhân” đến một vị trí bất lợi như vũng nước, hố vôi... thậm chí ao nước. Chi khi nào những người được hầm đạt mục đích thì vòng chơi mới bắt đầu lại bằng cách chọn ra một con cù khác để hầm. Tuy nhiên trong cách chơi này những người được hầm cũng rất dễ trở thành nạn nhân vì nếu không khéo léo chính con cù của họ cũng có thể rơi xuống vị trí không mong muốn. Cách chơi thứ hai là kiểu một đánh một, còn gọi là ăn vố, trả vố. Đây là thể thức thường dùng khi chỉ có hai người chơi, mỗi người sẽ lần lượt đặt hoặc cho con cù của mình quay để người còn lại bổ.
Mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no |
Khéo léo kỹ thuật bổ cù
Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh cù gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con cù bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi giữ chặt cán cầm có buộc đầu dây còn lại để bổ con cù, nghĩa là lăng cho con cù văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con cù quay được nhiều vòng hơn. Theo động tác bổ có thể phân ra thành ba cách chính.
Để ra cù, người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con cù ở khoảng ngang bụng rồi lăng con cù ra, tay giật dây di chuyển gần như song song với mặt đất. Cách thứ hai là bổ thượng: người chơi đứng thẳng, tay cầm cù cao ngang gáy rồi ném cù xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên. Cách cuối cùng là bổ vát. Cách này gần giống như cách bổ thượng nhưng không theo phương thẳng đứng mà theo đường chéo.
Trò chơi cù ngày thưởng vốn đã vui thì vào ngày hội càng vui hơn vì có sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp trong bản cùng những vị khách từ các bản khác đến chung vui. Những thiếu nữ bạo dạn cũng hăng hái trổ tài đánh cù với cánh đàn ông con trai. Bãi hội ồn ào bởi tiếng cười nói của những người chơi cùng tiếng cù bổ chan chát, quay vù vù và những tiếng hò reo, cổ vũ tạo nên những âm thanh náo nhiệt, khác hẳn với vẻ u tịch hàng ngày nơi thâm sơn cùng cốc.
Cù của người Hà Nhì có thân to cỡ bằng nắm tay, chân cù được gọt nhọn làm điểm quay. Thân cù tròn đều, chiều cao tương ứng với chiều rộng để giữ thăng bằng khi quay. Dây cù được se từ sợi đay. Đầu dây còn được gắn với một que gỗ nhỏ để tạo đà quăng.
Theo: langvietonline.vn