Múa bát là điệu múa cổ của người Tày tỉnh Bắc Kạn. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian quan trọng trong dịp Tết, lễ hội truyền thống hằng năm. Múa bát không chỉ mang tính giải trí mà còn cổ vũ, động viên tinh thần đồng bào hăng say lao động, sản xuất.
Múa bát mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của người Tày. Khi trình diễn, họ thường mặc áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần) làm bằng vải dệt từ sợi bông được cắt may đơn giản, kết hợp với thắt lưng, khăn vuông quấn đầu. Nhạc cụ chính của múa bát là chiếc bát và đôi đũa. Khi múa ở tư thế ngồi, 2 người đối diện nhau 2 tay cầm bát, cổ tay xoáy một vòng trước bụng đưa lên trên đỉnh đầu vòng ra phía sau, rồi từ từ hạ xuống, trả về vị trí ban đầu và đổi tay. Khi múa ở tư thế đứng, người múa 2 tay cầm bát kẹp theo chiếc đũa gõ từng nhịp từ trước bụng hất chéo qua cạnh sườn về đằng sau và hất trở lại vị trí ban đầu để đổi bên. Có thể múa một tay đưa lên cao, một tay xuống thấp ngang cạnh sườn.
Năm 2022, múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân đã có công bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Tại “Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024” vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn tổ chức, điệu múa bát với sự tham gia của 1.000 người đã tạo ấn tượng sâu sắc, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho đại biểu, người dân và du khách.
Sơn Hải