Ngày 16/5, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND huyện A Lưới tổ chức chương trình tái hiện trích đoạn sân khấu hóa Lễ hội tấc ka coong - cúng thần núi của dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Già làng Hồ Văn Sáp, 87 tuổi, trú xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cho biết: Lễ hội là dịp người Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản, đã ban tặng cho con, cháu của làng bản người Cơ Tu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an. Già và đồng bào Cơ Tu rất phấn khởi khi tham gia tái hiện lễ hội quan trọng này. Già làng mong muốn con cháu thế hệ sau tiếp tục duy trì truyền thống mà ông, cha để lại.
Chương trình tái hiện trích đoạn, sân khấu hóa Lễ hội tấc ka coong - cúng thần núi của dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới do các già làng, nghệ nhân xã Hồng Hạ, Lâm Đớt và đội nghệ thuật quần chúng huyện A Lưới trình diễn, với 3 phần: vũ hội Cơ Tu; trình diễn trích đoạn Lễ hội; múa mừng ngày hội cúng thần núi.
Trước khi diễn ra Lễ hội tấc ka coong, người dân làng phải trải qua 6 bước chuẩn bị gồm: họp bàn lần thứ nhất; lễ tẩy rửa; lễ cúng sạch (già làng cùng trưởng các dòng họ dâng mâm cỗ sạch cho thần linh thưởng thức); họp bàn lần 2; làm cột nêu và lễ xin đất (xin thần làng cho phép sử dụng khoảng đất tại sân chung của làng để chôn cây nêu, chuẩn bị cho lễ hội).
Lễ hội tấc ka coong của dân tộc Cơ Tu có các bước chính gồm: choh cọ (chôn cây nêu); tong ti rị (lễ buộc trâu); chươt ti rị (đâm trâu) và cúng Lễ hội tấc ka coong (cúng thần núi). Tuy nhiên, ngày nay, lễ buộc trâu và đâm trâu đã được lược bỏ vì không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Tại lễ chôn cây nêu, các vị già làng cùng các trưởng họ, tộc cùng chôn cây nêu và cùng ước nguyện. Cây nêu là biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết của người dân trong làng, là biểu tượng của lễ hội, cầu nối giữa làng, bản và các vị thần linh; cũng là thông điệp cho khách qua đường đến với lễ hội; cầu mong cây nêu luôn vững chãi, không nghiêng ngả, gãy đổ khi buộc trâu, cho lễ hội được thành công tốt đẹp.
Sau khi chôn cây nêu là nghi thức dâng mâm cỗ cúng cho các vị thần linh. Các vị già làng tuyển chọn những cô gái, chàng trai Cơ Tu đẹp người, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng để tiến hành nghi thức dâng mâm cổ trong Lễ hội tấc ka coong. Các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế, trâu, bò, dê, heo, gà... các món bánh được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm.
Sau đó, già làng và người dân tiến hành nghi thức cúng mời thần núi, thần rừng, thần sông, suối đến thưởng thức các món ăn thức uống, thơm ngon đặc biệt. Dân làng tạ ơn các vị thần đã ban cho người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ; cầu xin các vị thần tiếp tục bảo vệ che chở và ban cho sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc.
Sau các nghi lễ, già làng với con cháu làng bản cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu Tân tung da dã nhịp nhàng, uyển chuyển, cất lên lời ca nha nhim, ba boch, chúc tụng nhau, gửi trao nhau những ánh mắt nụ cười thân thương gắn bó.
Dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới sống tập trung ở các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Lâm Đớt và số ít ở xã Hồng Thượng, Phú Vinh. Dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới có trên 10 lễ hội truyền thống, luôn được duy trì và phát huy. Trong đó, Lễ hội cúng thần núi là nét đẹp, tinh hoa văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc giữa con người với thiên nhiên.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải cho biết, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Phòng Văn hóa thông tin huyện phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tìm hiểu các nghi lễ, lễ vật trong lễ cúng thần núi, đảm bảo lễ hội được tái hiện đầy đủ, trang trọng các nghi thức cũng như phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay. Thời gian tới, huyện chú trọng khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa cũng như lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời đưa vào khai thác tại các điểm du lịch, nhằm bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Tường Vi