Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống

Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống

Chủ trương khôi phục làng nghề truyền thống của đồng bào Cơ-tu gắn với hoàn thành và giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương trở thành mục tiêu để huyện Tây Giang (Quảng Nam) quyết tâm hồi sinh các làng nghề…

Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống ảnh 1Tại huyện Tây Giang, ngày càng có nhiều nhóm cộng đồng bảo tồn bản sắc làng nghề. Ảnh: Khánh Nguyên

Dưới những cơn mưa rừng rả rích, làng Pơr’ning, xã Lăng như chìm trong một màn sương. Bên ánh lửa trong Gươl, già Cơlâu Nhấp cùng dân làng chăm chú dõi theo từng vòng đan của những chiếc gùi. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mô hình đan lát tập trung ở làng Pơr’ning được hình thành từ nhiều năm qua. Già Nhấp chia sẻ: “Hàng ngày, nếu không bận việc thì mọi người lại mang vật liệu đến Gươl để ngồi đan gùi, rổ, nong, nia… Người đan giỏi thì bày cho người mới biết, người mới biết chỉ lại cho người chưa biết”.

Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống ảnh 2Từ các cuộc thi văn hóa, huyện Tây Giang khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông Bh’ling Phát, Trưởng thôn Pơr’ning, nghề đan lát của người Cơ-tu có từ lâu đời. Đàn ông Cơ-tu thành thạo việc đan lát từ rất sớm nhưng khoảng chục năm trở lại đây, nghề này dần mai một. Vài năm trước, Pơr’ning đón tin vui khi được chọn làm thí điểm để phục hồi nghề đan lát, hướng đến hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Trên dưới đồng thuận, quyết tâm đưa nghề của cha ông sống lại với con cháu, Gươl làng được chọn làm nơi “hành nghề” tập trung. Đến nay, nhiều sản phẩm của làng đã được bán ra thị trường. Qua đánh giá, mặt hàng này rất bền, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả lại phù hợp với đồng bào miền núi.

Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống ảnh 3Trưng bày, triển lãm các sản phẩm làng nghề truyền thống của người Cơ-tu. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang, chủ trương khôi phục làng nghề truyền thống của người Cơtu được triển khai nhằm hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới. Ngoài Pơr’ning, các chương trình hỗ trợ còn được thực hiện tại các thôn, xã lân cận. “Tại một số thôn, chúng tôi chọn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Cơ-tu để phục hồi. Gươl làng được tận dụng thành các điểm tập trung, tạo không gian gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng” - ông Blúi nói.

Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống ảnh 4Những lá cây rừng giờ đây trở thành nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống. Ảnh: Khánh Nguyên
Người Cơ-tu khôi phục nghề truyền thống ảnh 5Các già làng truyền đạt kinh nghiệm, dạy đan lát cho thế hệ trẻ. Ảnh: Khánh Nguyên

Để duy trì các làng nghề truyền thống, Tây Giang gắn hoạt động bảo tồn với nâng cao thu nhập từ các sản phẩm nghề. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Để tạo “tiếng vang” cho sản phẩm, chính quyền địa phương cần hỗ trợ hơn nữa trong việc tìm đầu ra và tạo dựng thương hiệu, giúp người Cơ-tu sống được với nghề truyền thống của cha ông để lại.

Khánh Nguyên

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm