Chiều 24/12, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang tổ chức chương trình “Trưng bày – Trình diễn di sản Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu”.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Dự án mô hình “Di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng”; Cục Di sản văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tại Đà Nẵng tổ chức triển khai chương trình tập huấn thực hành di sản “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu”.
Qua lớp tập huấn trong tháng 11/2022, các nghệ nhân, học viên đã được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề dệt thổ cẩm. Đây sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Hòa Vang trong thời gian tới.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, chương trình nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; qua đó sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.
Ông Phạm Cao Quý, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản Văn hóa phi vật thể của Cục Di sản Văn hóa cho biết, sau quá trình tham gia tập huấn, thực hành, các thành viên trong lớp tập huấn đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Bà con người Cơ Tu đã biết cách giữ gìn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đây cũng là dịp để nâng cao năng lực cho chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc sử dụng, vận hành mô hình kết nối di sản tương đồng để bảo vệ, phát huy giá trị di sản của cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang chia sẻ, qua đợt tập huấn, người dân Cơ Tu đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn các bản sắc văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt đã biết được cách làm thế nào để các nghề truyền thống của đồng bào được trường tồn qua các cách tự quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm trên các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; qua đó lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào Cơ Tu tại địa phương.
Tại chương trình, đồng bào người Cơ Tu tham gia đợt tập huấn đã biểu diễn dệt thổ cẩm, giới thiệu các sản phẩm, trang phục Cơ Tu; trình diễn các điệu múa Tung tung da dá, múa mừng lúa mới, vũ điệu săn bắt, trồng trọt… phục vụ người dân và du khách tham quan tại Bảo tàng.
Trần Lê Lâm