Quảng Nam vài nét tổng quan

Quảng Nam vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi. 

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 10.406 km2.

Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam. Nguồn: quangnam.gov.vn
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam. Nguồn: quangnam.gov.vn


2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Địa hình tỉnh Quảng Nam tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, hình thành ba vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển; bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ có mối quan hệ bền chặt về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái đa dạng với các hệ sinh thái đồi núi, đồng bằng, ven biển.

Khí hậu

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình, chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa, ít chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 20 – 210C, không có sự cách biệt lớn giữa các tháng trong năm. Lượng mưa trung bình 2.000 – 2.500 mm nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 – 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và ngập lụt ở các huyện đồng bằng.

Tài nguyên nước:

Quảng Nam có trên 125 km bờ biển thuộc các huyện: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6000 ha mặt nước). Có 941 km sông ngòi tự nhiên, đang quản lý và khai thác 307 km sông (chiếm 32,62%), gồm 11 sông chính. Hệ thống sông hoạt động chính gồm 2 hệ thống: sông Thu Bồn và sông Trường Giang, hai hệ thống sông này đều đổ ra biển Đông theo 3 cửa sông: sông Hàn, Cửa Đại và Kỳ Hà.

- Sông Trung ương quản lý: dài 132 km, gồm: Đoạn 1 sông Thu Bồn, sông Trường Giang.

- Toàn bộ đường sông đang khai thác vận tải thuỷ của tỉnh Quảng Nam dài 207 km, gồm 11 tuyến: Sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Vu Gia, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Hội An,sông Cổ Cò, sông Duy Vinh, sông Bà Rén, sông Tam Kỳ và sông An Tân.

- Sông Thu Bồn: dài 95 km gồm Đoạn :Đoạn 1 dài 65 km, điểm đầu là Nông Sơn, điểm cuối là Cửa Đại, do Trung ương quản lý. Đoạn 2: dài 30 km, điểm đầu là ngã ba sông Tranh, điểm cuối là Nông Sơn, do địa phương quản lý.

- Sông Trường Giang: Dài 67 km, điểm đầu là ngã ba An Lạc và điểm cuối là Kỳ Hà, do Trung ương quản lý. Trong đó có 16 km thuộc sông cấp V, 51 km là sông cấp VI. Tuyến sông chạy dọc theo bờ biển phía Đông tỉnh Quảng Nam, nối liền với thị xã Hội An, Tam Kỳ và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Là tuyến sông có luồng lạch không ổn định do lòng sông bị bồi cạn, nguyên nhân do việc hình thành đập Cổ Linh làm ảnh hưởng đến chế độ thuỷ triều từ Cửa Đại tới cửa Kỳ Hà. Hiện tại trên tuyến có nhiều chướng ngại vật và nhiều bãi cạn do các công trình vượt sông như cầu, đập thuỷ lợi, đường điện ... không đảm bảo các thông số kỹ thuật.

- Sông Vu Gia: Dài 52 km, điểm đầu là ngã ba Quảng Huế, điểm cuối là bến Giằng, do địa phương quản lý. Là hợp lưu của sông Thu Bồn đạt tiêu chuẩn sông cấp VI, tuyến sông này chạy trên địa bàn huyện Nam Giang và huyện Đại Lộc. Đây là tuyến sông có vai trò quan trọng trong vận tải hàng hoá và hành khách đường sông của tỉnh Quảng Nam. Trên tuyến sông, vào mùa nước trung thì tàu thuyền có thể khai thác thuận lợi, sang mùa cạn chỉ khai thác được đến ngã ba Thượng Đức với chiều dài 23 km. Tuyến sông Vu Gia được chia thành 4 đoạn:

- Sông Yên: Dài 12 km, có điểm đầu là ngã ba Quảng Huế và điểm cuối là ranh giới thành phố Đà Nẵng, do địa phương quản lý. Tuyến sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có dòng sông hẹp, nhiều đoạn cạn và có đập Pa Ra An Trạch chắn ngang. Đoạn từ ngã ba sông Yên đến Đại Hiệp đạt tiêu chuẩn VI.

- Sông Vĩnh Điện: Dài 12 km, điểm đầu tại km 43 + 500 sông Thu Bồn và điểm cuối là cầu Tứ Câu, do địa phương quản lý. Là sông cấp V, chảy qua 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Điện Bàn. Đoạn sông này hẹp, có dòng chảy ổn định, thuận lợi cho việc khai thác vận tải thủy. Sông Vĩnh Điện nối giữa sông Thu Bồn và sông Hàn tạo thành tuyến vận tải thủy giữa thị xã Hội An, Vĩnh Điện và Đà Nẵng.

- Sông Hội An (sông Hoài): Dài 11 km, điểm đầu là ngã ba sông Thu Bồn tại km 54 + 400 và điểm cuối là km 63 + 00 sông Thu Bồn, do địa phương quản lý. Nằm trên địa phận thị xã Hội An, lòng sông có độ sâu ổn định thuận tiện cho các loại phương tiện hoạt động. Đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sông cấp III.

3. Dân cư

Tính đến hết năm 2012, dân số Quảng Nam là 1.435.629 người, với mật độ dân số trung bình là 139 người/km2; có 4 tộc người thiểu số cư trú lâu đời là người Cơ Tu, người Co, người Gié Triêng, người Xê Đăng và một số tộc người thiểu số mới di cư đến với tổng số dân trên 10 vạn người, chiếm 7,2% dân số toàn tỉnh. Với 81,4% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước .

Quảng Nam có lực lượng lao động dồi dào, với trên 887.000 người (chiếm 62% dân số toàn tỉnh), trong đó lao động ngành nông nghiệp chiếm 61,57%, ngành công nghiệp và xây dựng là 16,48% và ngành dịch vụ là 21,95%.

4. Lịch sử phát triển

Kể từ đầu thế kỷ XV(1403) các khu vực Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (tức Quảng Nam đến Phú Yên) đã chính thức thuộc vào quyền lực Nhà nước Đại Việt từ lãnh vực hành chính công quyền đến phương diện công pháp quốc tế.

Sử Trung Quốc, Việt Nam, Chiêm Thành (do người Pháp viết) đều cho rằng vào đầu thế kỷ XV, cả khu vực trên đã do người Việt cai quản. Năm 1403, cha con Hồ Quý Ly (1336-1407) sau khi thương thảo với triều đình Chiêm Thành, họ đã thuận giao nộp cả Chiêm Động (Bắc Quảng Nam), Cổ Lũy Động (Nam Quảng Nam ngày nay) cho người Việt. Từ đó nhà Hồ (1400-1407) chia đất Chiêm Động và Cổ Lũy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh bốn châu. Ở miền núi thì đặt làm trấn Tân Ninh rồi cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ trông coi việc bình định và khai khẩn. Nhà Hồ hạ lệnh cho dân có của ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào khai khẩn, dân ấy phải khắc hai chữ tên châu mình vào trên cánh tay, lại mộ người có trâu bò đem nộp thì cấp cho phẩm tước để lấy trâu phát cho dân cày. “Từ đó, từ Thăng Hoa trở vào Nam, ai có họ là dân Việt mới đến sau”. Tiếp theo, Hồ Hán Thương (con Hồ Qúy Ly) cử Hoàng Hối Khanh làm Thái thú Thăng Hoa kiêm Tiết chế trấn Tân Ninh, Đặng Tất làm Đại tri châu… chăm lo công việc khai khẩn vùng đất này.

Năm 1405, triều đình phái Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ kiếm chế trí sứ trấn Tân Ninh và lộ Thăng Hoa, thống lãnh cả vùng đất mới bình định.

Tính cách pháp lý trên đã được hai triều đại phong kiến Việt Nam và Chiêm Thành cùng thỏa thuận theo cơ sở pháp lý đương thời.

Sang giữa thế kỷ XV, vua Lê Nhân Tông (năm 1446) đã cải tổ nền hành chính trong nước bằng cách đặt các Ty, Sở ở các Đạo để cai trị. Sau đó (1471), vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức năm thứ 2) đã tổ chức hành chính tại các châu Tăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đồng thời đặt làm Đạo Thừa tuyên Quảng Nam như các Đạo đã có từ Quảng Bình trở ra. Danh xưng “Quảng Nam” bắt đầu có từ đó trong lịch sử mở nước của tiền nhân ta.

Lúc ấy (1471), Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm 03 phủ, 09 huyện. Phủ Thăng Hoa có 03 huyện là Lễ Dương, Hà Đông, Hi Giang, phủ Tư Nghĩa có 03 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.

Sách Thiên nam dư hạ tập cho rằng đời Hồng Đức khi vẽ bản đồ Việt Nam thì Quảng Nam Thừa tuyên sứ ti gồm 03 phủ, 09 huyện. Phủ Thăng Hoa có 03 huyện: Lễ Dương gồm 09 tổng, 73 xã; huyện Hi Giang có 08 tổng, 58 xã; Hà Đông 08 tổng, 46 xã. Phủ Tư Nghĩa có 03 huyện: Nghĩa Giang 12 tổng, 93 xã; huyện Bình Sơn 06 tổng, 70 xã; huyện Mộ Hoa 06 tổng, 53 xã. Phủ Hòa Nhơn có 03 huyện: huyện Bồng Sơn có 07 tổng, 32 xã; huyện Phù Li có 06 tổng, 60 xã và huyện Tuy Viễn có 06 tổng… xã và huyện Điện Bàn lúc ấy có 05 huyện: Tân Phú, Yến Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu có biên giới từ đèo Hải Vân (đồn Nhứt) đến sông Thu Bồn. Từ Nam sông Thu Bồn đến Châu Lai, Châu Ổ (Núi Thành ngày nay) và cả huyện Bình Sơn (thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) là châu Thăng (đời lê là châu, sang chúa Nguyễn đổi là phủ Thăng Hoa). Ban đầu lị sở tại làng Chiên Đàn (nơi vào triều Nguyễn có văn miếu và nhà phủ học Tam Kỳ sau này). Tại đây có đình làng Chiên Đàn là ngôi đình cổ nhất tại Quảng Nam. Có lẽ đình dựng từ đời Lê Thánh Tông vì cả khu vực này do Triệu Quốc công Lê Tấn Trung, Thái Bảo Quận công Nguyễn Đức Trung (…-1477) vào mở cõi khắp các vùng từ Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, nhất là 2 vị này cho lập các làng trực thuộc huyện Hà Đông cũ như trong Gia phả tộc Lê, Nguyễn  còn ở Tam Kỳ hiện nay.

Như vậy, khu vực Đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào thế kỷ XV bao gồm một vùng rộng lớn từ Nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Do đó, cả khu vực rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Sau đó (1490), đổi lại gọi là xứ Quảng Nam, năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam, năm 1602 (Đời Gia Dũ - Nguyễn Hoàng) gọi là dinh Quảng Nam bao gồm cả 03 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn phía Bắc là Phủ Điện Bàn. Từ đó, chúa Tiên sai con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) vào trấn thủ vì chúa và các cận thần đều xem đây là “đất yết hầu của miền đất Thuận - Quảng”. Lúc ấy, chúa cho lập dinh trấn ở xã Cần Húc thuộc đất Duy Xuyên, tiếp theo dời đến làng thanh Chiêm (huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn) làm sở lị. Năm 1604, cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Hóa-Quảng Nam lập ra các huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay là các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ), huyện Lễ Dương, Hi Giang làm huyện Duy Xuyên…Kể từ đó, dinh Quảng Nam là đất các thế tử (con trai được quyền kế nghiệp chúa) thực sự cầm quyền ở một vùng đất mà chúa xem là quan trọng bậc nhất. Như Thái tử Nguyễn Phước Nguyên trấn thủ từ năm 1602-1613; sau khi kế nghiệp chúa Tiên, Phước Ngueyen trao dinh Quảng Nam lại cho Thái tử Nguyễn Phước Kỳ, tiếp theo là Nguyễn Phước Lan… cho đến thế kỷ XVIII khi vương quyền chua Nguyễn tan rã mới chấm dứt.

Xem vậy, xứ Quảng Nam đúng là “đất yết hầu của miền đất Thuận-Quảng”. Và lị sở châu Thăng Hoa ban đầu (thế kỷ XV) đặt tại làng Chiên Đàn, huyện Lễ Dương, sau dời ra làng Cần Húc (thế kỷ XVI) huyện Duy Xuyên. Đến đời Nguyễn (1802) dời về làng Thanh Chiêm, rồi La Qua (gần Vĩnh Điện) thuộc huyện Điện Bàn ngày nay.

Năm Tân Dậu (1801) cũng gọi là Quảng Nam dinh, đến năm 1806 vua Gia Long đổi là Trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh sư, đến năm 1832, đời vua Minh Mạng thứ 13 đổi thành tỉnh Quảng Nam cho đến tận 1945.
Mặc dầu trải qua bao lớp sóng phế hưng, hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, nhân dân vẫn sung túc, thanh bình. Sách Ô Châu cận lục viết vào đời Mcj, do Dương Văn An đề tựa năm Ất Mão (1555) có tả qua sinh hoạt của xứ Quảng Nam như sau:

“Đồng bằng thì nông tang vốn sẵn nghiệp nhà, bờ biển thì cá, muối là kho vô tận… Của thổ ngơi đã sẵn thứ rượu tăm rất ngon. Hải vị sơn hào của nhiều chan chứa. Cá tôm sẵn ở sông biển, gỗ lấy ở núi rừng. Xóm làng trù mật, nên gà, chó từng đàn; cỏ nước ngon lành nên trâu bò béo tốt. Trong công điền có cả tư điền; ngoài thuế ruộng còn nhiều thuế khác. Sông hồ lầy lội, đi thuyền tiện hơn đi chân, đất cát phì nhiêu, được lúa không cần khó nhọc”.

Còn ở phủ Điện Bàn thì “Xã Mạc Châu trồng nhiều hoa hồng, xã Long Châu sản xuất nhiều lụa trắng: Hai làng Hóa Khê, Cẩm Lệ cắm cọc nhọn để giữ ngạc ngư; các xã Lỗi Sơn, Chiêm Sơn đóng cửa gỗ để phòng mãnh thú”.

Với đất nước đó, chẳng bao lâu sau, Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ Thuận Hóa kiêm lãnh trấn Quảng Nam như đã dẫn. Kể từ đó, tiền nhân ta đã lật sang một trang sử mới cho bức dư đồ Đại Việt và Quảng Nam trở thành một đơn vị hành chính lớn của tổ quốc.
Theo quangnam.gov.vn

Có thể bạn quan tâm