Giữa núi rừng âm vang tiếng cồng, chiêng rộn rã và những câu hát hào sảng của đồng bào Cơ Tu. Trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống đầy màu sắc, hơn 20 người Cơ Tu, cả già trẻ, gái trai cùng biểu diễn điệu múa truyền thống Tung Tung Da Dá cho du khách trong nước và quốc tế thưởng thức. Đó là hình ảnh quen thuộc tại các mô hình Du lịch cộng đồng thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Gìn giữ văn hóa để thu hút du khách
Là một trong những người già nhất trong đội múa Tung Tung Da Dá, ông A Lăng Mỹ (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) năm nay đã 65 tuổi. Vừa đi đầu gõ chiêng, già A Lăng Mỹ vừa hô to để tạo nhịp cho các cháu trai, cháu gái múa theo sau. Điệu múa Tung Tung Da Dá có nhịp điệu nhanh, hào hứng, tái hiện lại những công việc hàng ngày của người Cơ Tu xưa như săn bắn, trồng trọt, thu hoạch cây trái…
Già A Lăng Mỹ chia sẻ: “Trước đây điệu múa Tung Tung Da Dá chỉ được biểu diễn vào các dịp lễ hội lớn của người Cơ Tu, bây giờ chúng tôi thường xuyên múa để phục vụ du khách tham quan. Từ ngày phát triển du lịch cộng đồng, các cháu thanh thiếu niên rất siêng năng luyện tập và biểu diễn, vừa bảo tồn văn hóa Cơ Tu, vừa có thêm thu nhập hàng ngày.”
Em Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) là một trong những thanh niên tích cực nhất của thôn trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông. Đảm nhận vai trò hướng dẫn viên kiêm người dẫn chương trình các buổi biểu diễn văn hóa Cơ Tu, Nguyễn Thị Lệ luôn học hỏi, trau dồi các kiến thức văn hóa dân gian để giới thiệu với du khách.
Nói về việc làm du lịch cộng đồng, Nguyễn Thị Lệ cho biết em rất vui mừng khi nhiều nét văn hóa của người Cơ Tu như dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, múa hát truyền thống… đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nếu như ngày xưa người Cơ Tu chỉ biết sống nhờ rừng, nhờ suối, thì hiện nay thanh niên trong thôn, làng đã có thể phát triển kinh tế nhờ du lịch, dịch vụ. Vì vậy thế hệ trẻ Cơ Tu rất tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa, gìn giữ cho các đời sau để du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Xã Hòa Bắc nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km, là vùng đệm nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn Quốc gia Bạch Mã và khu Bà Nà – Núi Chúa. Đây là vùng đất có cảnh quan núi rừng tươi đẹp, đặc biệt có 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí của đồng bào Cơ Tu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2019 đến nay, nơi đây bắt đầu hình thành và phát triển du lịch cộng đồng, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước, góp phần cải thiện sinh kế người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí đã có homestay A Lăng Như có sức chứa 50 khách/đêm và các Tổ liên kết phục vụ du lịch như: dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, ẩm thực truyền thống, ca múa truyền thống… Ước tính từ năm 2022 đến nay, mô hình Du lịch cộng đồng người Cơ Tu xã Hòa Bắc đã đón tiếp hơn 3.000 lượt khách tới tham quan, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, du khách quốc tế tới tìm hiểu về văn hóa, thiên nhiên, môi trường.
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Nói về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam – Quỹ Môi trường toàn cầu, thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết: Chúng tôi đã tài trợ 2 dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc vì nhận thấy mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã phát triển nhanh và đúng hướng. Du lịch cộng đồng Hòa Bắc đang giữ gìn được các nét văn hóa đặc trưng của người bản địa, đồng thời giữ cảnh quan núi rừng sạch đẹp. Người Cơ Tu nơi đây làm du lịch rất thật lòng, chân tình, hiếu khách nên đã chạm được đến trái tim của du khách. Tôi mong rằng chính quyền địa phương và người dân sẽ tiếp tục định hướng phát triển du lịch cộng đồng với các sản phẩm đa dạng như: nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch học tập, hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học...
Đi tham quan các mô hình Du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang, Giàn Bí để xây dựng chương trình đưa sinh viên đến thực tế học tập, Tiến sỹ Nguyễn Bá Long (Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp) nhận định: Mô hình Du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc hiện nay đều do người Cơ Tu bản địa thực hiện nên có nét đặc trưng văn hóa riêng, hoạt động rất gắn kết. Trong thời gian tới, địa phương có thể đẩy mạnh kết hợp với các trường Đại học, Cao đẳng để tổ chức các khóa học tập cộng đồng, vừa tham quan, tìm hiểu văn hóa, vừa kết hợp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên hỗ trợ người dân chuyển đổi dần các loại cây rừng, từ cây keo lá chàm hiện nay sang các loại cây ăn quả, cây thân gỗ lớn lâu năm để phục vụ du lịch.
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, huyện đang thí điểm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về phát triển du lịch trên đất nông nghiệp, đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ đó, xã Hòa Bắc nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung đã có thể phát triển kinh tế nhờ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm. Thời gian qua, xã Hòa Bắc đã đón rất nhiều đoàn về tham quan, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội cho người dân địa phương tiếp tục xây dựng các các mô hình, dịch vụ hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Quốc Dũng