Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung các nguồn lực, triển khai nhiều mô hình sinh kế cho hộ nghèo theo hướng bền vững. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm.

Đa dạng mô hình giảm nghèo
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới được dọn vào ở trước thềm Tết Ất Tỵ, ông Nguyễn Văn Thiệt (ấp Tướng 1) không giấu được niềm vui khi đã ở tuổi 73 mới có được căn nhà kiên cố để ở. Nhà đông nhân khẩu, lại ít đất sản xuất, chi phí sinh hoạt hàng ngày trông chờ vào tiền công làm thuê của con cháu, vì thế, ông không có khả năng xây dựng lại căn nhà dù đã xuống cấp. Được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới để an hưởng tuổi già, ông hết sức phấn khởi. “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự giúp đỡ của người dân, gia đình tôi có được căn nhà kiên cố che mưa, che nắng. Gia đình tôi có thể yên tâm an cư, cố gắng lao động, sản xuất, tăng thu nhập kinh tế gia đình, thoát nghèo”, ông Nguyễn Văn Thiệt chia sẻ.
Cùng với việc được hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà kiên cố theo Chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, ông Thiệt còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cải tạo 2.500 m2 đất ruộng, chuyển trồng lúa sang rau má để phát triển kinh tế gia đình. Đây là loại rau màu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho thu nhập ổn định, hơn hẳn so với trồng lúa.
Cũng được hỗ trợ vay vốn như ông Nguyễn Văn Thiệt là trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc Lam (ấp Mỹ Phú Đông). Chị Lam được UBND xã Hưng Phú hỗ trợ vay gần 30 triệu đồng để mua cặp trâu giống về nuôi sinh sản. Cùng với đó, chị còn được tham gia các lớp đào tạo nghề đan đát. Thu nhập từ đan các mặt hàng thủ công trong thời gian nhàn rỗi mỗi ngày cũng mang lại cho chị từ 100 đến 150 nghìn đồng. Chị Lam chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn mà đời sống kinh tế gia đình từng bước ổn định. Dù cũng còn khó khăn, nhưng gia đình đã thấy tương lai tươi sáng phía trước, mừng nhất là các con không còn đối diện với nguy cơ bị bỏ học giữa chừng vì nghèo khó”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Phú (huyện Phước Long) Phùng Văn Đăng cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt và chị Nguyễn Thị Ngọc Lam là 2 trong số những hộ cuối cùng của xã thoát nghèo. Để có được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của xã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cũng theo ông Đăng, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu công tác giảm nghèo, xã luôn có sự chủ động từ đầu năm. Đầu tiên là tiến hành rà soát phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo như: Nhóm hộ nghèo khó khăn về nhà ở; nhóm hộ nghèo có lao động không có việc làm, có nhu cầu học nghề hoặc cần tư vấn giới thiệu việc làm; nhóm hộ nghèo không còn khả năng lao động, sản xuất do bệnh tật hay già yếu... để từ đó có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Trao "cần câu" để giảm nghèo bền vững
Tính đến đầu năm 2025, hộ nghèo toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ còn 0,71%. Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, những hộ thoát nghèo, đời sống vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, chính quyền cần quan tâm chăm lo, nhất là nâng cao thu nhập để người nghèo cải thiện cuộc sống.
Qua thống kê, phần lớn các hộ nghèo tại tỉnh hiện nay chủ yếu là do bệnh tật, già yếu hoặc thiếu vốn, ít đất sản xuất. Với những đối tượng này, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương đưa vào diện bảo trợ xã hội hoặc phối hợp với ngành chuyên môn xây dựng các mô hình sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu của người nghèo như: chăn nuôi lợn, nuôi trâu, nuôi dê, nuôi chồn hương, nuôi cá lưới trên sông rạch; các mô hình trồng trọt như trồng rau má, rau cần nước... Đảng ủy, UBND các xã sẽ phân công cán bộ, đảng viên đỡ đầu có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn người nghèo thực hiện mô hình.

Bạc Liêu luôn quan tâm huy động các nguồn lực xây dựng nhà ở cho người nghèo “an cư lạc nghiệp”. Chỉ riêng năm 2024, với nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương và nguồn vận động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa gần 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí trên 113 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hơn 9.900 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách khác với tổng số tiền trên 330 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và các địa phương phân công giúp đỡ 2.373 hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 12,6 tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi năm tỉnh chọn một xã, cấp huyện chọn một xã và mỗi cấp xã/phường chọn một ấp/khóm để thực hiện Năm Dân vận khéo, từ đó huy động nguồn hỗ trợ, góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng chia sẻ, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp, Bạc Liêu đã trở thành điểm sáng của cả nước về giảm nghèo. Người dân đã không trông chờ, ỷ lại để được giúp đỡ, mà đã tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để hiệu quả công tác giảm nghèo ngày càng được nâng cao, năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân cần có sự chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với điều kiện của tỉnh, chú trọng cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó, chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, quyết tâm vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân.
Tuấn Kiệt