Tục “đóng cửa rừng“ của người Mường Thanh Sơn

Tục “đóng cửa rừng“ của người Mường Thanh Sơn
Rừng là nơi đồng bào làm nương trồng ngô, khoai, sắn… Chính vì gắn bó với rừng, nên tục “đóng” và “mở” cửa rừng được coi là một tín ngưỡng linh thiêng của đồng bào miền sơn cước.

Ý nghĩa sâu xa của tục này chính là thái độ trách nhiệm của con người ứng xử với thiên nhiên. Khi đã “đóng cửa rừng”, mọi người phải “kiêng” vào rừng khai thác lâm sản, nếu ai cố ý vi phạm sẽ bị thần núi trừng phạt.
 
Ông Đinh Văn Hòa-người Mường (Khả Cửu) thực hiện nghi lễ “đóng cửa rừng”.
Ông Đinh Văn Hòa-người Mường (Khả Cửu) thực hiện nghi lễ “đóng cửa rừng”.

Người Mường Thanh Sơn quan niệm: Vị thần cai quản rừng núi của đồng bào nơi đây là Tản Viên Sơn Thánh và bộ hạ của ngài là các loài thú dữ.

Tục đóng cửa rừng còn liên quan đến một truyền thuyết về nguồn gốc Thần Tản Viên Sơn Thánh. Bà Đinh Thị Đen - mẹ Thần là con dòng Lang ở Xuân Đài - Yên Thượng; khi mang thai thần được vài tháng, bà đã sang núi Ba Vì, tìm đến động Lăng Xương (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Sau đó, được dân bản giúp đỡ, bà và Thần kết bạn với bà Ma Thị. Khi bà Ma Thị mất, Thần trở thành người cai quản các động Mường, được dân bản gọi là chúa các động Mường…

Lễ đóng, mở cửa rừng là nghi thức cúng tế để biến báo với Sơn Thánh, cầu mong tài nguyên rừng ngày càng giàu có và phong phú. Nếu như tục mở cửa rừng diễn ra vào đầu năm mới, sau khi ăn tết xong thì tục đóng cửa rừng được đồng bào thực hiện vào cuối tháng 12 âm lịch, tức là trước Tết Nguyên đán.

Đồng bào Mường ở Khả Cửu thường làm lễ đóng cửa rừng vào ngày hai lăm tháng Chạp hàng năm. Kể từ ngày này không ai được vào rừng với bất cứ lý do gì. Ngày cấm kéo dài đến mồng bảy tháng Giêng năm mới. Sau ngày đó, mọi người lại được tự do vào rừng với những công việc liên quan đến cuộc sống, mưu sinh.

Đồng bào tiến hành lễ đóng cửa rừng cùng một lễ nhỏ cúng ma rừng, ma  núi, ma cây nơi mình sống. Còn Thần Tản Viên Sơn Thánh thường được dân bản thờ ở đình, miếu với ngôi vị cao nhất là tối đẳng thần linh.

Theo ông Đinh Văn Hòa, tuổi ngoài 60 - người đã thực hiện bao lần lễ tục đóng cửa rừng ở Khả Cửu, ngày nay, mặc dù cuộc sống đã được cải thiện, khoa học đã giải thích các hiện tượng tự nhiên song đa số đồng bào Mường vẫn duy trì tục đóng cửa rừng, tuy nghi thức có một số thay đổi so với trước đây.

Bà con ở nhiều xã vùng hạ vẫn giữ tục cấm rừng nhưng không còn tế lễ như xưa; còn các xã vùng cao của huyện như Khả Cửu thì vẫn gìn giữ nghi thức truyền thống. Mâm cơm cho Lễ đóng cửa rừng được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, lễ vật gồm: Xôi trắng từ gạo nếp nương; gà trống được nuôi tại nhà; chim; thịt lợn; cá suối bắt tại cửa suối Dân, xóm Măng (do 3 con suối hợp nhau suối Sinh, Dân, Dấu); vàng, bạc tượng trưng được làm từ cây giang và cây trẩu (cây giang được tước lạt, cuốn thành vòng kết lại với nhau làm vàng; gỗ cây trẩu chẻ thành bó nhỏ làm bạc); trầu, cau, hoa quả… Mâm cơm được đặt cúng tại nhà, người ngồi cúng hướng ra cổng.

Những tục lệ trong các lễ nghi nông nghiệp tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống lao động sản xuất của đồng bào Mường Khả Cửu. Nó phản ánh khá đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cư dân Mường, thể hiện đời sống tinh thần khá phong phú trong quan niệm về thiên nhiên…

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, Thanh Sơn đang thay đổi nhanh chóng cùng sự đi lên của đất nước. Chính sách giao đất, giao rừng cho nông dân cùng sự hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, vốn sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội đã thúc đẩy kinh tế miền núi phát triển. Cùng với ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng; lễ đóng cửa rừng còn là sự tri ân thần núi, thần đất, thần nước về một năm mưa thuận gió hòa, rừng yên; đồng thời là một “luật tục” nhắc nhở bà con khi làm nương, làm rẫy không gây cháy rừng; có ý thức bảo vệ rừng, ngăn ngừa mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng, tích cực trồng cây để rừng mãi mãi tươi xanh.

Theo baophutho.vn

Có thể bạn quan tâm