Phú Thọ vài nét tổng quan

Phú Thọ vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi trung du Bắc Bộ, có tọa độ địa lý từ 200 55’ đến 210 43’ vĩ độ Bắc, 1040 48’ đến 1050 27’ kinh độ Đông. Địa giới hành chính của tỉnh tiếp giáp với:

- Tỉnh Tuyên Quang về phía Bắc;

- Tỉnh Hòa Bình về phía Nam;

- Tỉnh Vĩnh Phúc về phía Đông;

- Thành phố Hà Nội về phía Đông Nam;

- Tỉnh Sơn La, Yên Bái về phía Tây.

Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc; cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc. Nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng: đường bộ có Quốc lộ 2, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt có tuyến đường xuyên Á, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.

Với vị trí địa lý này, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế.

2. Đặc điểm địa hình

Địa hình tỉnh Phú Thọ mang đặc điểm nổi bật là chia cắt tương đối mạnh vì nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và miền núi thấp, gò đồi, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Căn cứ vào địa hình, có thể chia Phú Thọ thành hai tiểu vùng cơ bản sau:

- Tiểu vùng Tây Nam hay hữu ngạn sông Hồng gồm các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê và một phần của Hạ Hòa có diện tích tự nhiên gần 2.400km2, bằng 67,94% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 200 - 500m. Đây là tiểu vùng có những lợi thế phát triển chủ yếu như: trồng cây ôn đới, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, khai thác khoáng sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, tiểu vùng này có nhiều khó khăn về giao thông và dân trí còn thấp nên việc khai thác tiềm năng nông, lâm, khoáng sản... để phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

- Tiểu vùng Đông Bắc hay tả ngạn sông Hồng gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng và phần còn lại của Hạ Hòa, có diện tích tự nhiên 1.132,5km2,, bằng 32,06% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa hình đặc trưng của tiểu vùng này là các đồi gò thấp, phát triển trên phù sa cổ (bình quân 50 - 200m) xen kẽ với những dộc ruộng và những cánh đồng bằng ven sông. Đây là vùng tương đối thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Một số khu vực tập trung những đồi gò thấp tương đối bằng phẳng (tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam của tỉnh) thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phát triển các hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Do phân cấp địa hình, diện tích đất đồi núi, đất dốc của tỉnh Phú Thọ chiếm 64,52% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích đất có độ dốc >150 chiếm tới 51,6%; sông suối chiếm 4,26% tổng diện tích tự nhiên; địa hình bị chia cắt mạnh gây cản trở không nhỏ cho giao thông, giao lưu kinh tế - văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Thủy văn

Nằm ở trung lưu của hệ thống sông Hồng, hệ thống sông ngòi của tỉnh phân bố tương đối đồng đều, gồm 3 con sông lớn là Sông Hồng, Sông Đà và Sông Lô cùng với hàng chục sông, suối nhỏ khác đã tạo ra nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Hệ thống sông, suối của tỉnh mang theo hàm lượng phù sa khá lớn, khoảng 1kg/m3, làm cho các dòng chảy thường bị bồi lấp. Với đặc điểm thủy văn như trên, Phú Thọ có điều kiện phát triển vận tải thủy, nuôi trồng thủy sản, đủ nguồn nước mặt cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3. Khí hậu

Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điểm nổi bật là mùa đông khô, lượng mưa ít, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc; mùa hè nắng, nóng, mưa nhiều, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Nam. Nhiệt độ bình quân 23 độ C, tổng lượng mưa trung bình từ 1.600 - 1.800mm/năm, độ ẩm không khí trung bình hàng năm 85 - 87%.

Nhìn chung, khí hậu Phú Thọ phù hợp cho sinh trưởng và phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

4. Tài nguyên
 
Tài nguyên đất

Phú Thọ có tổng diện tích đất tự nhiên là 353,45 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 297 nghìn ha, đất phi nông nghiệp trên 53 nghìn ha, đất chưa sử dụng còn hơn 2,6 nghìn ha.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 26 đơn vị đất thuộc 7 nhóm đất chính: Nhóm đất cát (C) - Arenosols (AR) - là nhóm đất có ít diện tích, 1.276,38 ha, chiếm 0,42% tổng diện tích điều tra, phân bố trên địa bàn thành phố Việt Trì và 2 huyện Lâm Thao, Thanh Sơn.

Nhóm đất phù sa (P) - Fluvisols (FL) Diện tích 35.768 ha, chiếm 11,84% tổng diện tích điều tra, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều nhất ở huyện Cẩm Khê.

Nhóm đất glây (GL) - Gleysol (GL) Diện tích 17.544 ha, chiếm 5,81% tổng diện tích điều tra, chia thành 3 đơn vị đất với 14 đơn vị phụ đất, phân bố tại địa bàn các huyện.

Nhóm đất có tầng sét loang lổ (L) - Plinthosols (PT) Có diện tích ít nhất, 248 ha, chỉ chiếm 0,08% tổng diện tích đất điểu tra, nằm trên địa bàn huyện Lâm Thao.

Nhóm đất xám (X) - Acrisols (AC) Là nhóm đất có diện tích lớn nhất, 241.696 ha, chiếm 80,03% tổng diện tích đất điều tra, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.

Đất tầng mỏng (E) - Leptosols (LP) Nhóm đất này có diện tích 3.186 ha, chỉ chiếm 1,05% tổng diện tích điều tra, phân bố ở một số huyện như Đoan Hùng (488 ha), Hạ Hòa (487 ha).

Nhóm đất đỏ (F) - Ferralsols (FR) Nhóm đất này chỉ phân bố trên địa bàn huyện Tân Sơn với diện tích 2.303 ha.

Tài nguyên nước

- Nguồn nước mặt: Với diện tích lưu vực của 3 sông lớn (sông Hồng, sông Đà và sông Lô) đã có 14.575 ha, chứa một khối lượng nước mặt rất lớn.

- Nguồn nước ngầm: Kết quả tìm kiếm, thăm dò bước đầu cho thấy, trữ lượng khai thác nước ngầm trên phạm vi tỉnh được đánh giá trên 1,4 triệu m3/ngày. Chất lượng nước ngầm nhìn chung khá tốt, đảm bảo các nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn. Ở La Phù - Huyện Thanh Thủy có mỏ nước khoáng nóng, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh quy mô lớn.

Nói chung tài nguyên nước của Phú Thọ rất dồi dào, đủ đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với cường độ cao, song cần có quy hoạch để bảo vệ và khai thác hợp lý theo hướng lâu dài, bền vững.

Tài nguyên rừng

Rừng của Phú Thọ có cả 3 dạng: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Các tài liệu điều tra về sinh thái và tài nguyên rừng cho thấy, hệ động thực vật rừng ở đây khá phong phú và đa dạng về chủng và loài.

Tài nguyên khoáng sản

Theo các tài liệu điều tra về khoáng sản, trên địa bàn tỉnh có 241 mỏ và điểm quặng, trong đó có 20 mỏ lớn và vừa, 52 mỏ nhỏ và 169 điểm quặng. Các loại khoáng sản được phân theo các vùng chủ yếu như: Mica, Caolin, Fenspat ở Thanh Thủy, Tam Nông, Hạ Hòa; Talc, Sắt, Quăczit và Barit ở Thanh Sơn, Cầm Khê…

Tài nguyên nhân văn

Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nề văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, thời đại các Vua Hùng dựng nước văn Lang. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn lịch sử thời dựng nước của dân tộc. Phú Thọ có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Kinh chiếm 82,93%; dân tộc Mường chiếm 15,2%; dân tộc Dao chiếm 1,07%; dân tộc Cao Lan chiếm 0,29%; dân tộc H’mông chiếm 0,06%, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau đã tạo nên những sắc thái văn hóa truyền thống đa dạng mang đặc trưng của những truyền thuyết dân gian.

Phú Thọ hiện có 847 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại; có 967 di tích, phế tích (trong đó có 308 di tích được xếp hạng: 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 73 di tích Quốc gia, 234 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, đặc biệt là di tích các nền văn hóa khảo cổ từ Phùng Nguyên (quãng 4.000 năm), Đồng Đậu (quãng 3.500 năm), Gò Mun (quãng 3.000 năm) và Đông Sơn (hơn 2.000 năm) rất dày đặc ở vùng Mường Phú Thọ…

Phú Thọ cũng là tỉnh giàu tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đẩm Ao Châu, Ao Giời – Suối Tiên, đẩm Vân Hội…

5. Dân cư
Dân số toàn tỉnh trên 1,37 triệu người, gồm 34 dân tộc anh em, mật độ dân số 388 người/km2 (Theo niên giám Thống kê năm 2015).
Theo phutho.gov.vn

Có thể bạn quan tâm