Nhà dài của người Co

Nhà dài của người Co
Nhà dài truyền thống là không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của đồng bào dân tộc Co.
Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, vùng người Co ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, rượu cần, những làn điệu dân ca a giới, clu, xadru, điệu múa ka đấu của phụ nữ đến những lễ hội truyền thống...
 
Các thiếu nữ múa ka đấu bên nhà dài của người Co. Ảnh: baoquangnam.vn
Các thiếu nữ múa ka đấu bên nhà dài của người Co. Ảnh: baoquangnam.vn 
Kiến trúc đặc thù
Làng của người Co là một đơn vị tự quản. Mỗi làng thường có một ngôi nhà sàn dài, các gia đình thành viên đều sống chung trong đó. Việc làm nhà dài và sống quần tụ nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Nhà dài, tiếng Co gọi là “như dlớt”. Buổi sáng, trong căn nhà dài ấy thường phát ra tiếng kèn amap báo thức con cháu dậy sớm giã gạo, chuẩn bị cơm nước mang đi làm rẫy, vào rừng săn bắt, hái măng, lấy mật ong...

Ngôi nhà có chiều dài khoảng 50 - 70 mét, sườn nhà được chống đỡ bởi những hàng cột bằng gỗ tốt, vững chắc. Sàn nhà chỉ cách mặt đất khoảng 1 mét. Mỗi nhà có hai cửa chính nằm ở giữa vách ngăn đầu và cuối nhà, được làm bằng tre đan dày, có nơi làm bằng gỗ, chạm khắc điểm xuyết một vài hoa văn. Cửa phụ nằm ở hai bên để người nhà đi đến máng nước, sông suối cho tiện lợi. Nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà dài truyền thống của người Co chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng mưa nắng. Sàn được lót bằng phên nứa. Hướng nhà dài người Co bao giờ cũng quay về hướng đông nam.  

Theo truyền thống người Co, mỗi khi nhà dài làm xong họ thường trang trí các gu để tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo nét độc đáo của ngôi nhà. Có nhiều loại gu khác nhau: gu bla còn gọi là gu tròn, treo lửng giữa nhà; lavan là gu dẹt, chỉ trang trí một mặt, gồm có: gu mók atưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài; gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Gu được làm từ cây gỗ bút với sớ gỗ mềm rất dễ điêu khắc hoa văn, hình vẽ trang trí. Gu nổi bật lên giữa nhà nhờ màu sắc và hoa văn. Bộ gu có nền màu đen được tạo ra từ muội khói và nhựa cây rau lang. Màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi… Mỗi khi có gió, các tua chạm nhau tạo nên tiếng reo nhẹ vui tai. Phía trên gu tròn thường treo tượng chim đại bàng. Chỗ treo gu tròn được xem là tâm điểm trong nhà mỗi khi tổ chức các lễ tế liên quan đến tín ngưỡng dân gian cũng như sinh hoạt cộng đồng. Còn gu dẹt là hai tấm gỗ dài khoảng 2 mét đặt song song, rộng chừng hơn gang tay. Trên tấm gỗ có đường gấp khúc uyển chuyển và hai đầu cũng được đẽo thành hình tròn. Nếu gu tròn đẹp mắt nhờ tạo hình, kiểu dáng vuông, tròn, tam giác... thì gu dẹt tạo nên nét quyến rũ từ những hoa văn, tranh vẽ. Loại gu này chỉ trang trí thành dải ở một mặt trước với hoa văn hình mặt trời, bông lúa, hoa lá, cỏ cây, sóng nước.

Tâm điểm mọi sinh hoạt

Tất cả sinh hoạt của đại gia đình trong nhà dài diễn ra trên mặt bằng của sàn nhà dài. Bố trí không gian sinh hoạt, mặt bằng trong nhà dài người Co khá hợp lý. Phần trước là nơi sinh hoạt chung của dòng họ. Giữa nhà có hành lang rộng thông thoáng nối dài từ cửa trước đến cửa sau - nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội. Nơi đây luôn đầy đủ ánh sáng so với gian phòng còn lại nhờ có hai cửa phụ ở hai bên. Hai đầu nhà đều có sàn hiên rộng, mái hạ thấp xuống. Sàn hiên phía trước để trẻ em vui chơi, người già nghỉ ngơi, và  để người già bày trẻ nhỏ đan lát, đánh chiêng, làm nỏ, hát làn điệu dân ca, múa ka đấu, nơi gặp gỡ uống rượu khi săn bắt được thú rừng.

Còn với mái hiên sau gắn với nếp sinh hoạt, nội trợ của phụ nữ với những vật dụng như bầu nước, gùi lúa, cối giã gạo. Một phần bên nhà, từ hành lang đến vách nhà là không gian sinh hoạt chung của cả nhà. Một bên được ngăn ra từng phòng nhỏ, người Co gọi là tum. Đây là nơi dành cho sinh hoạt của từng gia đình hạt nhân và được bố trí một bếp lửa riêng, khách lạ không được vào. Mỗi tum ở hai vách ngăn nối tiếp, bao giờ cũng chừa một lỗ để khi có việc cần, thì có thể trao đổi thông tin cho nhau hoặc mỗi tum khi săn bắt được thú rừng, bắt được cá tôm, cua đến những bó rau dớn rừng ngon, những búp măng non… đều được chia sẻ cho nhau. Nếu một trong các tum của nhà dài có chuyện xấu: phụ nữ sinh đẻ bị chết, người già qua đời, cúng tế… thì trên vách nhà ngay bậc thang bước lên nhà bao giờ cũng treo một nhánh cây lá nhá y báo hiệu cho sự kiêng cử để mọi người biết.

Nhà dài người Co không chỉ là một nét đặc sắc kiến trúc, rất khác biệt với các dân tộc khác, mà còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên. Theo một số tài liệu, thì cách đây chừng 50 - 70 năm, nhà dài vẫn hiện diện ở những vùng người Co. Có những ngôi nhà dài tới hàng trăm mét, cho nên được ví von như chiếc tàu lửa. Theo quan niệm của người Co, ngôi nhà càng dài càng thể hiện được sự giàu có và sự trường tồn của đại gia đình. Nhà dài người Co thường được làm bằng các nguyên vật liệu lấy từ rừng, chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại, dây buộc, cỏ tranh đến một số loại lá rừng để lợp nhà. Nếu không được quan tâm bảo tồn sớm, nhà dài của đồng bào Co chỉ còn trong ký ức.
Theo baoquangnam.vn 
Dân tộc Co Dân tộc Co

Tên tự gọi: Cor, Col.

Tên gọi khác: Cua, Trầu.

Dân số: 33.817 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi các dân tộc khác trong vùng bắc Tây Nguyên và lân cận như: Hrê, Xơ Ðăng, Ba Na... Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975 trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh. Hiện nay chữ viết này không không phổ biến nữa.

Lịch sử: Người Co cư trú rất lâu đời ở tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam.

Hoạt động sản xuất: Kinh tế rẫy là nguồn sống chủ yếu, lúa rẫy là nguồn lương thực chính. Canh tác theo hình thức phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống, tuốt lúa bằng tay. Kỹ thuật xen canh - đa canh trên từng đám rẫy và luân canh giữa các đám rẫy. Trầu không và quế của người Co nổi tiếng lâu đời. Ðặc biệt quế quý và nhiều là một nguồn lợi lớn: quế rừng và quế trồng. Rẫy quế của mỗi gia đình là loại tài sản quan trọng, thường 10 năm trở lên mới được thu hoạch. Nhờ bán quế, các gia đình có tiền mua sắm các gia sản được ưa chuộng (cồng, chiêng, ché, trâu, v.v... và nay thì xe, đài, đồng hồ, xây nhà, đóng đồ gỗ), đồng thời cũng chi dùng vào việc ăn uống, mặc, v.v... Hình thức dùng vật đổi vật được ưa thích.

Chăn nuôi: Trâu, lợn, gà trước hết để cúng tế; chó hầu như nhà nhà đều có. Nghề dệt và rèn không phát triển. Ðồ đan đẹp và phong phú. Sản phẩm hái lượm và săn bắt có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống người Co.

Ăn: Bữa ăn thông thường là cơm gạo tẻ, muối ớt, các loại rau rừng và thịt cá kiếm được. Trước kia, đồng bào quen ăn bốc. Ðồ uống là nước lã, rượu cần, nay nhiều người đã dùng nước chín, nước chè xanh, rượu cất. Tục ăn trầu cau chỉ được duy trì ở lớp người lớn tuổi, nhưng tục hút thuốc lá vẫn còn phổ biến.

: Người Co sống tập trung ở Trà Bồng và Trà Mi thuộc tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam. Nhà sàn dài, cửa ra vào ở hai đầu hồi. Trong nhà chia dọc thành 3 phần: lối đi ở giữa, một bên được ngăn thành từng buồng nhỏ cho các gia đình sinh hoạt riêng, còn một bên dùng làm nơi sinh hoạt chung (tiếp khách, họp bàn, tổ chức lễ hội, ăn uống đông người, đan lát, vui chơi...). Xưa kia thường mỗi làng ở tập trung trong một vài ngôi nhà kiểu này, dài có khi hàng trăm mét, bên ngoài có rào chắn và bố trí vũ khí để phòng vệ. Gần đây, khắp vùng người Co phát triển trào lưu từng gia đình tách ra làm nhà ở riêng, nhà trệt, dựng theo kiểu nhà người Việt ở địa phương, đã có nhiều nhà lợp tôn, lợp ngói, cả nhà xây nữa.

Mặc: Ðồ mặc của người Co chủ yếu mua của người Xơ Ðăng và người Việt. Theo nếp truyền thống, nam đóng khố, ở trần, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay; mùa lạnh thì khoác tấm vải choàng. Bộ quần áo dài với khăn xếp du nhập từ đồng bằng lên từng được dùng trưng diện trong ngày lễ hội, nhất là những bô lão khá giả. Ngày nay, quần áo người Việt được dùng lan tràn, váy còn thấy một số phụ nữ mặc nhưng đều dùng vải công nghiệp. Các loại vòng trang sức cũng chỉ bắt gặp thưa thớt, đơn giản, không dễ tìm được những phụ nữ quấn nhiều chuỗi hạt cườm quanh đầu, quanh cổ tay, cổ chân, trước ngực và quanh thắt lưng như trước kia nữa.

Phương tiện vận chuyển: Người Co có các loại gùi tự đan dùng để vận chuyển rất tiện lợi, thích hợp với điều kiện đất dốc, rừng núi và suối. Mọi thứ đều bỏ trong gùi và gùi được cõng trên lưng, có 2 quai quàng qua đôi vai.

Quan hệ xã hội: Mỗi làng có ông "già làng" được mọi người kính trọng và nghe theo. Dân làng sinh sống trên một địa vực ổn định có ranh giới, việc chuyển dịch cư trú của làng cũng chỉ trong vùng lãnh thổ ấy. Trong làng thường có quan hệ thân thuộc qua lại với nhau: hoặc về huyết thống, hoặc do hôn nhân. Tuy mỗi gia đình làm ăn riêng, chiếm hữu riêng đất rẫy, nhưng tính cộng đồng làng khá cao. Xã hội truyền thống Co đã nảy sinh giàu - nghèo khác nhau, nhưng chưa phát triển các hình thức bóc lột: nô lệ gia đình, cho vay nặng lãi...

Cưới xin: Hình thức hôn nhân cư trú đằng chồng là phổ biến. Phong tục cho phép nếu vợ chết có thể lấy tiếp em hoặc chị của vợ, nhưng vợ goá không thể lấy em chồng; nếu 2 anh em trai lấy 2 chị em gái thì phải anh lấy chị, em lấy em; nếu con gái nhà này đã làm dâu nhà kia thì 2 - 3 đời sau nhà kia mới gả con gái cho nhà này. Con cô - con cậu, con gì - con già, con có chung cha mẹ đều không được lấy nhau. Cùng một gốc sinh thành, nếu là anh em trai thì đời chắt của họ hoặc sau đó nữa mới có thể lấy nhau, song nếu là chị em gái hay một gái một bên trai thì cháu hoặc chắt của họ có thể lấy nhau. Ðám cưới đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém nhiều, chỉ là dịp mọi người uống rượu vui chứng kiến đôi trai gái thành vợ, thành chồng.

Ma chay: Quan tài gỗ, đẽo theo kiểu độc mộc. Người chết được chôn trong bãi mộ của làng, đặt không xa chỗ ở. Tang gia "chia của" cho người mới chết, đưa ra mộ không chỉ vật dụng và tư trang của người ấy, mà cả ché, chiêng...

Thờ cúng: Những đỉnh núi cao được người Co gọi là núi Ông núi Bà. Họ cho rằng có "thần linh" trú ngụ ở đó. Hệ thống "ma" (ka muych) và "thần" (kơi, ma) rất đông: ma người chết bình thường, ma người chết bất bình thường, ma quế, ma cây đa, ma nước, thần bếp lửa... Bởi vậy, người ra có nhiều kiêng cữ và cúng quải gắn với sản xuất và đời sống.

Lễ tết: Người Co có nhiều lễ, lớn nhất là lễ có đâm trâu tế thần - đây cũng là ngày hội lớn trong làng. Ngoài ra, tết gắn với sự kết thúc một mùa lúa rẫy là dịp sinh hoạt nhộn nhịp. Trong hai dịp đó, các món ăn dân tộc, nghệ thuật dân tộc và trang phục dân tộc được thể hiện tập trung, khơi dậy văn hoá truyền thống.

Lịch: Cách tính ngày tháng tương đương với âm lịch của người Việt, nhưng chỉ có 10 tháng, tiếp đến là thời gian nghỉ ngơi sau vụ canh tác. Bên cạnh đó, người Co coi trọng việc xác định ngày tốt, xấu để thực hiện các công việc khác nhau.

Văn nghệ: Ưa thích âm nhạc, dùng bộ chiêng 3 chiếc là phổ biến: nhạc cụ còn có trống, các loại đàn nhị. Múa chỉ xuất hiện trong lễ đâm trâu. Các điệu dân ca Xru (Klu), Agiới được lưu truyền rộng rãi. Vốn truyện cổ khá phong phú, có huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn... Nghệ thuật trang trí tập trung nhất ở cây cột lễ và cái "gu" trong lễ hội đâm trâu.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm