Già Nghĩa (áo trắng bên trái) và nghệ nhân trong làng cùng trang trí cho cột đâm trâu để làng chuẩn bị tổ chức lễ hội. Ảnh: Văn Gia Phúc |
Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, mang đậm nét đặc trưng của người Cor trên vùng Trường Sơn, sau khi hít một hơi thuốc dài cho ấm lòng, già Nghĩa ngồi lặng một lúc, điếu thuốc lá trên tay già đã tắt và không còn bốc khói. Có lẽ, già Nghĩa đang nhớ lại thời quá vãng, khi những tác phẩm thủa trước sống dậy trong tâm tưởng. Già Nghĩa chỉ tay về phía cây cổ thụ trước nhà, nơi có treo bộ Gu do chính tay già làm vài tháng trước đó và trầm ngâm cho chúng tôi biết: Ông là người con dân tộc Cor sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trà My đầy nắng gió dưới dãy núi Răng Cưa.
“Từ lúc tôi 7 đến 10 tuổi, âm thanh cồng chiêng, những điệu múa ka đấu, những làn điệu dân ca mượt mà... đã bắt đầu ngấm vào tâm thức. Thời trai trẻ, mỗi khi trong làng tổ chức lễ hội, tôi luôn say sưa xem người lớn trong làng trang trí cây nêu (gơrố), cây cột phướn, bộ Gu đến đánh chiêng, diễn tấu với các nhạc cụ dân tộc. Những lúc rảnh, tôi lại tìm đến người già trong làng và những già Cor lớn tuổi ở các làng khác, hỏi về ý nghĩa các họa tiết, hoa văn, phối màu, trang trí cho cây nêu và bộ Gu sao cho đẹp và mang hồn của người Cor. Từ đó, tôi học cách đánh cồng chiêng, sưu tầm, ghi chép về đan lát, chuyện cổ tích nhằm gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc mình” - Già Nghĩa bảo vậy.
Già Nghĩa khoe: “Lên 15 tuổi, tôi đã tự mình làm tấm phù điêu Bla, cột đâm trâu (gơr-ố) rồi cây cột phướn và bộ Gu, với nhiều họa tiết, hoa văn sinh động và độc đáo. Thấy tôi chạm trổ đẹp, nên bà con khắp nơi háo hức đến xem rất đông. Tôi tin rằng, sau này sẽ có nhiều người biết đến văn hóa truyền thống độc đáo của người Cor”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, cũng có thời gian già Nghĩa nhận lời dạy, truyền cách làm cây nêu và trang trí bộ Gu cho thanh niên dân tộc Cor trong các làng trên địa bàn xã. Với nỗ lực của mình, già Nghĩa đã thổi bùng ngọn lửa bảo tồn văn hóa truyền thống, trước nguy cơ mai một. Nhưng đa phần, những thanh niên trẻ tuổi trong làng cũng chỉ học cho biết.
Đến nay, trong làng chưa có một ai có niềm đam mê làm cây nêu, cây cột phướn và trang trí bộ Gu như già Nghĩa, nên để tìm được người kế tục rất khó. Bây giờ, già Nghĩa tuổi đã cao, lại thêm nhiều bệnh, ông càng trăn trở, lo lắng mãi không thôi. “Nhiều khi rất muốn cầm cái rựa, con dao để sáng tác các tác phẩm, nhưng sức yếu mất rồi” - Giọng già Nghĩa buồn bã.
Già Nghĩa (ngồi hàng đầu, thứ hai bên phải) cùng Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng đất lập làng. Ảnh: Văn Gia Phúc |
Anh Huỳnh Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết: “Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Cor như già Nghĩa là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, không chỉ già lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị văn hóa do già Nghĩa để lại sẽ được neo giữ trong tâm hồn lớp trẻ Cor hôm nay”.
Khi mặt trời đã mấp mé bên kia đỉnh núi Răng Cưa cũng là lúc tôi tạm biệt già Nghĩa ra về. Già tiễn chúng tôi ra tận con suối đầu làng và bắt tay tôi, không quên lời dặn về xuôi nhớ gửi những tấm hình chụp chung tôi với cán bộ cùng bộ Gu để già làm kỷ niệm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi tay già vẫn rất dẻo, mắt nhìn vẫn chuẩn từng đường chạm khắc bằng con dao, cái rìu, cái rựa và cái bụng già Nghĩa vẫn đau đáu với tấm phù điêu Bla, cột đâm trâu, cây cột phướn...
Theo baobienphong.com.vn