Năm 2017, huyện đã đầu tư 300 triệu đồng để mua sắm trang phục, trống, chiêng; đồng thời thuê các nghệ nhân người Cor của huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) để phục dựng lại Tết Ngã rạ cho người Cor của huyện Bình Sơn. Năm 2018, huyện sẽ bổ sung kinh phí 2 tỷ đồng để xây dựng nhà dài và công viên nhỏ, làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng người Cor sinh sống trên địa bàn huyện.
Đấu chiêng, là tiết mục không thể thiếu trong tết ngã rạ. Ảnh: baoquangngai.vn |
Bà Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Sơn cho biết: Người Cor ở Bình Sơn hầu hết là dân di cư từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Nam Trà Mi (Quảng Nam) về đây sinh sống. Người dân ở đây đã dần hòa đồng với người bản xứ nên các tập tục múa, hát, đánh cồng chiêng dần bị mai một. Trước đó, người đồng bào Cor tổ chức Tết Ngã rạ nhưng còn manh múm, nhỏ lẻ, không phát huy được tính cộng đồng, tình đoàn kết của dân làng.
Cũng như các địa phương có cộng đồng người Cor sinh sống, Tết Ngã rạ của đồng bào Cor ở tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức vào những tháng cuối năm để kết thúc một năm sản xuất, đánh dấu một vụ mùa mới được bắt đầu. Khi gia đình cuối cùng đưa lúa lên chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn Tết Ngã rạ.
Sau khi già làng quyết định ngày tổ chức, dân làng lên rẫy rước thần lúa về để tiến hành nghi lễ. Tết Ngã rạ của đồng bào Cor được tổ chức qua lễ cúng ở mỗi gia đình và của cả làng nhằm xua đi những điều xấu của năm cũ, mong năm mới may mắn, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, mong hồn lúa ở mãi cùng gia đình. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên mâm cỗ để nghe già làng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho dân làng được mùa lúa rẫy, no ấm; kể chuyện được mất của năm và những kế hoạch, dự định cho vụ mùa mới trong năm tới. Bên cạnh đó, trong các ngày Tết Ngã rạ, người Cor thường tổ chức các hoạt động văn nghệ để góp vui như: kéo co, đánh chiêng, nấu bánh mũi tên (bánh lá đót)... Theo quan niệm của người Cor, khi tổ chức Tết Ngã rạ, làng có nhiều khách tới thăm mang lại hạnh phúc cho gia đình, cho dân làng.
Sỹ Thắng
TTXVN