Hà Tĩnh: Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt

Hà Tĩnh: Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt

Ngày 22/8, tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), UBND huyện Hương Khê phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức Lễ hội Tết Lấp lỗ cho đồng bào dân tộc Chứt.

Hà Tĩnh: Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ảnh 1Sôi nổi phần hội tại ngày hội Tết "Lấp lỗ" ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN

Tết Lấp lỗ của người dân tộc Chứt được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm với ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt”, báo hiệu đã hoàn thành việc gieo trỉa trên nương rẫy, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ. Đây là ngày hội lớn của thanh niên và bà con dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh.

Lễ hội Tết Lấp lỗ được tổ chức nhằm gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt. Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Chứt.

Hà Tĩnh: Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ảnh 2Bà con dân tộc Chứt trình diễn tiết mục đàn môi đặc trưng. Ảnh: TTXVN

Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ gồm các nội dung: Khai mạc; dựng cây nêu, cột lễ; cung nghinh lễ vật; nghi thức cúng lễ. Phần hội gồm các hoạt động dân ca, dân vũ vui Tết Lấp lỗ; vui hội trò chơi dân gian.

Nhân dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Bản Giàng trao tặng 46 suất quà cho bà con (mỗi suất 500 nghìn đồng gồm quà và tiền mặt). Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 640 nghìn đồng gồm các đồ dùng gia dụng; huyện Hương Khê tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 550 nghìn đồng gồm: Thịt lợn, bánh chưng, nước mắm, mì chính, dầu ăn và gạo nếp. Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hà Tĩnh cũng trao tặng bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế.

Hà Tĩnh: Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ảnh 3Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hà Tĩnh cũng trao tặng cho bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Tỉnh Đoàn đã triển khai hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 250 người dân tộc Chứt, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hương Liên.

Hoàng Ngà

(TTXVN)
Dân tộc Chứt Dân tộc Chứt

Tên tự gọi: Chứt.

Tên gọi khác: Rục, Arem, Sách.

Nhóm địa phương: Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng.

Dân số: 6.022 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Quê hương xưa của người Chứt thuộc địa bàn cư trú của người Việt ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vì nạn giặc giã, thuế khoá nặng nề nên họ phải chạy lên nương náu ở vùng núi, một số dần dần chuyển sâu vào vùng phía tây thuộc hai huyện Minh Hoá và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả của một số dòng họ người Việt trong vùng thì các nhóm Rục, Sách cư trú tại vùng núi này ít nhất đã được trên 500 năm nay.

Hoạt động sản xuất: Người Chứt sống bằng nông nghiệp nương rẫy du canh và săn bắn hái lượm. Trừ nhóm Sách sống bằng nông nghiệp còn các nhóm khác hái lượm và săn bắn chiếm vị trí quan trọng, thậm chí là nguồn sống chính trong những năm mất mùa. Các giống cây trồng chính là ngô, sắn, đỗ, lúa.

Công cụ sản xuất gồm: rìu, rựa, gậy chọc lỗ, nơi làm ruộng có thêm cày, bừa. Từ khi định cư, người Chứt đã nuôi trâu, bò phục vụ cày bừa, làm sức kéo. Ðan lát chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Ðôi nơi họ biết thêm nghề rèn dao, rìu.

Ăn: Lương thực chủ yếu là ngô, sắn. Ngày ăn hai bữa trưa và tối. Những năm mất mùa, họ phải ăn bột báng (bột nhúc) đồ thay cơm quanh năm.

Mặc: Người Chứt không biết dệt vải, vải mặc mua hoặc trao đổi với người Việt, người Lào trong vùng giáp biên. Mùa hè, nam giới đóng khố, cởi trần. Phụ nữ mặc váy. Mùa đông, họ mặc áo làm bằng vỏ cây. Hiện nay đồng bào ăn mặc giống như người Việt.

: Họ quen ở trong các túp lều dùng dây buộc, dùng cột ngoãm hay ở trong các hang đá, mái đá. Cho đến trước năm 1954 các nhóm Rục, Arem chủ yếu vẫn sống trong các hang đá, mái đá. Ngày nay, họ sống tập trung ở các bản nhỏ trong các thung lũng. Nhà cửa đã khang trang hơn trước.

Phương tiện vận chuyển: Phổ biến là gùi có dây đeo vai, vác hoặc người kéo.

Quan hệ xã hội: Người Chứt gọi làng là Cà Vên. Mỗi làng thường chỉ có dăm bảy hoặc mười gia đình của một dòng họ cư trú. Ðôi khi các gia đình trong một họ lại cư trú ở nhiều làng khác nhau. Ðứng đầu mỗi làng là Pừ Cà Vên. Ông ta giữ luôn cả vai trò tôn giáo.

Sinh hoạt tập thể, quan trọng nhất trong làng là vào những dịp lễ tết nông nghiệp. Gia đình nhỏ phụ quyền là hình thức phổ biến nhất. Mỗi gia đình chỉ gồm vợ, chồng và con cái chưa lấy vợ, chồng.

Sinh đẻ: Sắp đến ngày ở cữ, người chồng thường dựng một cái lều nhỏ cho vợ ở ngoài rừng. Thỉnh thoảng anh ta đến thăm nom, tiếp tế lương thực và đồ ăn uống cho vợ. Phụ nữ quen đẻ đứng và tự xoay sở lấy hết thảy mọi việc. Ðẻ xong, người sản phụ tự mình nhóm lửa, đốt nóng một hòn đá cuội để sẵn rồi dội nước lã vào cho bốc hơi nóng để xông khói. Sau 7 ngày, người chồng mới đến đón vợ con vào nhà.

Cưới xin: Trai gái đến tuổi trưởng thành, được tự do tìm hiểu yêu đương. Trước khi cưới, nhà trai phải chọn ông mối, đi dạm hỏi vài lần. Lễ cưới được tổ chức bên nhà gái, sau đó mới đón dâu. Lễ vật quan trọng nhất thiết phải có thịt khỉ sấy khô. Người Chứt không có tục ở rể.

Ma chay: Nhà giàu làm quan tài bằng thân cây khoét rỗng; nhà nghèo chỉ bó người chết bằng vỏ cây.

Thờ cúng: Tổ tiên được thờ tại nhà tộc trưởng. Khi tộc trưởng chết, việc thờ cúng chuyển sang người em trai kế. Khi nào các thế hệ trên không còn ai thì việc thờ cúng mới chuyển sang cho người ở thế hệ dưới.

Tin vào các loại ma rừng, ma suối, thổ công, ma bếp.... trong đó quan trọng nhất là ma làng.

Các nghi lễ nông nghiệp thường được thực hiện như lễ xuống giống, lễ sau gieo hạt, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa.

Văn nghệ: Người Chứt thích dùng đàn, sáo, hát các giai điệu khác nhau. Họ có nhiều truyện cổ tích, thần thoại, đặc biệt truyện kể về sự khai thiên lập địa và sinh ra con người.

Chơi: Trong các dịp lễ tết, trẻ em chơi cầu lông làm bằng lông gà, đánh găng, người lớn thổi sáo, hát hò.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm