Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 32%. Trải qua thời gian, người Thái Lai Châu hiện còn giữ được nhiều phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nổi bật phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền.
Đối với đồng bào Thái, quanh năm có rất nhiều ngày Tết nhưng chỉ ăn ba Tết chính là “Chiêng Xam” (Tết Thanh minh) tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, “Xíp Xí” tổ chức vào 14/7 âm lịch và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của toàn dân tộc Việt Nam, được người Thái gọi bằng cái tên là “Bươn Chiêng”.
Bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái trắng Lai Châu. Mỗi độ Tết đến Xuân về, đồng bào dân tộc Thái tạm gác công việc đồng áng để dọn dẹp, sửa sang nhà cửa.
Tết Nguyên đán của người Thái có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng có. Từ ngày 25-26 tháng Chạp, bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Những người phụ nữ quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà, chuồng trại… Đàn ông là trụ cột trong gia đình sẽ dọn dẹp bàn thờ tổ tiên thường diễn ra trong hai ngày 28 và 29 tháng Chạp.
Trước khi dọn dẹp, người đàn ông chủ gia đình chuẩn bị hai cây mía buộc ở hai bên gian thờ, cây mía tượng trưng cho chiếc thang để đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Sau đó, họ sẽ lau dọn khu vực bàn thờ, thay bát hương, lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ xung quanh, sắp xếp lại tất cả mọi thứ trên bàn thờ, dâng lên đó hoa quả, bánh kẹo.
Đến ngày 29-30 tháng Chạp, người Thái thường mổ lợn để làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Cùng lúc đó, người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị các loại bánh chỉ dành riêng cho dịp Tết. Ba loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái gồm bánh nếp, khẩu xén hoặc bánh dầy, bánh chưng gù để dâng lên tổ tiên và làm quà cho con cháu. Nguyên liệu của bánh nếp rất đơn giản, có bột gạo nếp, đường phèn, đường cát, đỗ xanh hấp chín. Khẩu xén là món ăn truyền thống được làm từ gạo nếp, sắn nương và được cắt thành nhiều hình khác nhau, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Bánh chưng gù được làm từ gạo nếp tan thơm, nhân đỗ xanh, thịt lợn và được gói giống hình một ngọn núi với phần lưng lồi lên, được bao quanh bởi các đường lạt chạy ngang thân bánh.
Ông Teo Văn Duyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Pheo, xã Mường So cho hay, thời gian đón Tết của đồng bào Thái từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày 15 tháng Giêng. Theo phong tục truyền thống, vào buổi chiều ngày cuối năm, tất cả già trẻ, trai gái trong bản sẽ đến bên dòng suối Nậm So, Nậm Lùm tắm gội sạch sẽ để xua đi những điều không may trong năm cũ, sẵn sàng chào đón năm mới.

Tối đến, nhà nhà chuẩn bị mâm chay bày lên bàn thờ. Cùng với hoa quả, nước ngọt, bánh kẹo và ba loại bánh, bánh bỏng, bánh dầy, bánh chưng gù. Theo quan niệm của đồng bào Thái, muốn có sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn thì phải chú trọng đến việc thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, cỗ cúng Tết phải đầy đủ, nhiều thịt, nhiều cá..., tổ tiên mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng mới no quanh năm.
Chủ gia đình thành kính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, sau đó tiếp tục cắm hương xung quanh nhà, dán giấy bạc ở cửa chính, cửa phụ, bể nước, chuồng trâu, chuồng gà cầu mong một năm mới may mắn, gia đình khỏe mạnh, chăn nuôi thuận lợi. Chị Mào Thị Niệm, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: Vào thời khắc Giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ gia đình sẽ đi lấy nước mới ở giếng, mó nước đầu nguồn gọi là “Nậm Cuôn Luống” để các thành viên trong gia đình rửa mặt. Số nước còn lại dùng để luộc cổ lợn gọi là “Tao thầu” cùng một con gà chín đặt lên bàn thờ thắp hương đón năm mới. Đêm 30 Tết, người Thái thức trọn một đêm để đón Giao thừa, thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để phán đoán vận hạn cho năm mới.
Sáng mùng 1 Tết, đồng bào Thái không đi chúc Tết hàng xóm mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến Tết bố mẹ đẻ. Ngày mùng 2 đi Tết bố mẹ bên vợ. Trong những ngày Tết, mỗi nhà sẽ tổ chức ăn Tết vào một ngày, mời anh em họ hàng và hàng xóm thân thuộc. Trong bữa tiệc, mọi người chúc tụng, cầu cho nhau sức khỏe và may mắn trong cuộc sống. Từ ngày mùng 3 đến Rằm tháng Giêng các hoạt động vui chơi bắt đầu được tổ chức với các trò chơi dân gian như ném còn, én cáy, tó má lẹ, đánh cầu lông… và hòa mình vào các lời hát, điệu múa trên nền nhạc tính tẩu do chính các đội văn nghệ bản biểu diễn.

Nét độc đáo trong phong tục đón Tết của đồng bào Thái phải kể đến chính là sự xuất hiện thường xuyên của nước chè trên bàn thờ tổ tiên. Gia đình nào cũng vậy, vào sáng sớm, chiều tối các ngày Tết đều phải đun nước nóng, pha chè mời tổ tiên. Công việc này được duy trì đều đặn cho đến đến hết ngày 15/1 âm lịch.
Đồng bào dân tộc Thái Mường So nói riêng, Lai Châu nói chung có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, theo thời gian, những phong tục tập quán ấy đang dần bị mai một. Để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa mà đồng bào Thái giữ gìn bao đời nay, những năm qua, nhiều gia đình nơi đây đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu những truyền thống văn hóa của dân tộc Thái đến với du khách.
Ông Bùi Quang Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết, là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trắng, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cấp ủy Đảng, chính quyền xã và bà con chung tay đoàn kết giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt, tại bản văn hóa du lịch cộng đồng Vàng Pheo, vào dịp đón các đoàn khách du lịch, các đội văn nghệ đều tập trung đến giao lưu văn hóa văn nghệ, làm các món ăn truyền thống trong ngày Tết của đồng bào để mời du khách thưởng thức, lan tỏa nét văn hóa Thái Mường So đến với người dân cả nước.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào để không bị mai một.
Việt Hoàng – Đinh Thùy