Cây lúa rẫy và lễ Ada của người Pa Kô ở Quảng Trị

Cây lúa rẫy và lễ Ada của người Pa Kô ở Quảng Trị

Đàn Toong và A Took cùng một số loại nhạc cụ truyền thống như trống, cồng chiêng, khèn bè… gắn với truyền thuyết về thần lúa, về câu chuyện “đi sim” của những đôi trai gái và lễ hội Ada mừng lúa mới hằng năm của người Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn… Vọng lại từ những dãy núi khuất sau màn sương là thanh âm từ cây đàn Toong và A Took mà người Pa Kô dùng để xua đuổi chim và thú rừng để bảo vệ nương rẫy.

Cây lúa rẫy và lễ Ada của người Pa Kô ở Quảng Trị ảnh 1Thu hoạch lúa rẫy ở A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: P.T.L

Chọn đất lành phát rẫy

Vùng núi thuộc dãy Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị, từ bao đời là ngôi nhà chung của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và gắn liền với phương thức sản xuất nương rẫy, tự cung tự cấp. Bên cạnh cây sắn, cây ngô cùng một số loài cây cho củ, quả và hoa màu, thì lúa rẫy không chỉ là cây lương thực chính quan trọng nhất, mà còn được xem là một vị thần linh thiêng, đầy quyền năng vì đã mang lại sự sống cho con người.

Ngày xưa, mỗi đứa trẻ Pa Kô sau khi chào đời chỉ vài tháng tuổi đã theo mẹ lên nương lên rẫy. Người ta tính tuổi của con người không theo năm tháng, mà tính bằng mùa rẫy. Mỗi mùa lúa rẫy qua đi cũng đồng nghĩa là con người được thêm lên một tuổi đời.

Ngày nay ở những khu vực có điều kiện về nguồn nước và đất đai tương đối bằng phẳng, người dân đã chuyển dần sang gieo trồng cây lúa nước, thậm chí nhiều nơi bà con còn sản xuất hai vụ lúa trong một năm. Nhưng với những bản làng vùng sâu, vùng xa có địa hình đồi dốc, khó khăn về nguồn nước thì người Pa Kô vẫn gắn bó thủy chung với cây lúa rẫy truyền thống.

Để có được rẫy tốt thì ban đầu đàn ông Pa Kô phải cất công đi chọn đất, hay còn gọi là “Tăm đất”, không chỉ nhìn vào đất, nhìn cây rừng, mà người ta còn phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ xin phép một số vị thần. Việc chọn đất còn tùy thuộc vào giấc mơ của người chủ lễ đi xin đất. Theo nghệ nhân dân gian Kray Sức: “Tục xin đất, tiếng Pa Kô gọi là: Chêm pê đay. Để xin đất người ta dùng gỗ làm thành hình ảnh tượng trưng về kho đựng thóc, sau đó sẽ chọn ba thanh tre ngắn cắm xuống mặt đất theo hình tam giác, đồng thời gác một số thanh tre nằm ngang để trải lá cây cho đất lên trên lá. Lúc này chủ gia đình sẽ tiến hành nghi lễ gọi thần đất, thần núi và thần lúa để xin đất. Kết thúc phần lễ, nếu đêm hôm ấy chủ nhà có giấc mơ tốt thì ngày hôm sau sẽ tiến hành phát rẫy, nhưng nếu giấc mơ không tốt thì đành đi tìm quả núi khác để tiếp tục xin đất…”.

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 3 Âm lịch, người dân tộc Pa Kô bắt đầu phát dọn nương rẫy để chuẩn bị cho một mùa rẫy mới. Mỗi rẫy lúa từ lần phát và đốt đầu tiên sẽ được người dân canh tác liên tục trong 3 năm, tương ứng với 3 mùa và cũng là 3 mùa rẫy. Kết thúc chu kỳ 3 năm, người ta cho đất nghỉ ngơi bằng cách bỏ hoang trong 3 năm tiếp theo để cây rừng tái sinh, tạo mùn cho đất. Kết thúc 3 năm bỏ hoang rẫy cũ, người ta sẽ quay trở lại để phát, cốt, đốt trỉa trong ba mùa rẫy tiếp theo và đây chính là cách con người luân canh nương rẫy. Thời điểm phát rẫy, trỉa lúa hằng năm được người Pa Kô tính toán bằng cách nhìn một số loài hoa rừng và lắng nghe tiếng côn trùng kêu.

Theo nghệ nhân dân gian Mai Sen, một người con của đồng bào Pa Kô sống ở Tà Rụt, huyện Đakrông chia sẻ: “Quả cây a lau đã chín rồi, con ve a vênh kêu rất nhiều rồi tức là đã đến mùa trỉa lúa. Từ giữa tháng 5 âm lịch, khi nhìn lên ngọn núi cao thấy hoa tu lom màu đỏ, thấy quả bứa chín vàng, thấy trái cây a niêu cũng đã chín tức là mùa trỉa lúa đã hơi muộn, nếu không làm nhanh thì sẽ không kịp thời vụ…”.

Sau khi chọn khu rừng được các vị thần linh cho phép để phát rẫy, nhiều hộ gia đình trong bản sẽ cùng phát rẫy gần nhau để hỗ trợ nhau trỉa lúa, giữ rẫy cũng như thu hoạch. Dụng cụ để trỉa lúa ngày xưa là cây rừng, đàn ông đi trước chọc lỗ, phụ nữ theo sau gieo và vùi hạt…Hạt lúa giống sẽ được gửi tạm vào đất và đợi đến mùa mưa thì bắt đầu nẩy mầm. Lúa rẫy cũng có nhiều giống khác nhau, mỗi giống lúa sẽ cho màu sắc, kích thức và hình dáng hạt lúa khác nhau, theo đó hương vị và chất lượng cũng sẽ khác nhau, nhưng có một đặc tính chung với tất cả các giống lúa rẫy là khả năng chịu hạn cao, nên thích nghi với điều kiện canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Trải qua hàng ngàn năm, đặc tính nổi bật của cây lúa rẫy là khả năng đẻ nhánh, xòe bụi rất nhanh và sớm tỏa bóng che phủ phần mặt đất dưới mỗi gốc lúa, nhằm giảm bớt quá trình bốc hơi nước và giữ ẩm cho đất.

Quá trình sản xuất nương rẫy, nhất là cây lúa rẫy còn gắn với câu chuyện “đi sim” của người Pa Kô. Ngày xưa, nhiều gia đình thường hẹn nhau phát chung một quả núi, một khu rừng để làm rẫy, khi cây lúa trổ bông thì người ta bắt đầu dựng những ngôi nhà chòi ngay giữa rẫy và làm những hình nộm giống con người kết hợp với âm thanh của ống tre để xua đuổi lũ chim rừng kéo về phá lúa.

Cây lúa rẫy và lễ Ada của người Pa Kô ở Quảng Trị ảnh 2Người Pa Kô  trỉa lúa rẫy. Ảnh: P.T.L

Vào mùa lúa rẫy bắt đầu chín vàng, trong các nhà chòi còn có một số loại nhạc cụ cũng được dùng để xua đuổi chim và thú rừng. Người được phân công giữ rẫy thường là các cô gái bắt đầu đến tuổi lấy chồng. Chính âm thanh từ việc giữ rẫy vang vọng giữa núi rừng là tín hiệu để các chàng trai đến tuổi lấy vợ sẽ tìm đến nhà chòi để tìm hiểu và ngỏ lời cùng các cô sơn nữ. Nếu hai bên đồng ý thì họ sẽ tặng nhau kỷ vật cùng với lời hẹn ước rồi xin phép gia đình đợi đến mùa rẫy năm sau sẽ nên duyên vợ chồng. Câu chuyện về tục “đi sim” cũng bắt đầu từ đó…

Cây lúa rẫy thường chín vào khoảng tháng 10 âm lịch. Việc thu hoạch diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tháng. Bắt đầu thu hoạch lúa, các gia đình sẽ có một lễ cúng nhỏ để xin phép thần lúa. Cũng theo nghệ nhân dân gian Mai Sen: “Mỗi gia đình sẽ mang một cái típ bằng tre đựng hạt thóc, biểu tượng của thần lúa lên rẫy và chọn chỗ đất bằng có những cây lúa đẹp nhất, nhiều bông lúa nhất để đặt lễ vật làm lễ cúng. Lúc này chủ nhà sẽ chọn 3 cây lúa buộc lại với nhau và đặt ở giữa một chiếc gùi nhỏ gọi là ka ria, tiếp theo nhiều người sẽ chọn tuốt lấy nửa bông lúa rồi bỏ vào ka ria, lễ xin phép tuốt lúa gọi là Ka văng với ý nghĩa cầu mong lúc thu hoạch hạt lúa đừng rơi vãi, bông lúa luôn nhiều hạt để có nhiều lúa. Tuy vậy lúc này con người cũng chỉ được phép dùng tay để tuốt lấy hạt lúa, vì theo quan niệm thần lúa vẫn đang ngự trên thân cây lúa, chừng nào tổ chức lễ A da mời thần lúa về nhà thì con người mới được phép đụng chạm đến thân cây lúa”.

Lễ mừng lúa mới

Sau khi kết thúc mùa rẫy khoảng một tháng và lúa đã được chuyển về cất giữ trong kho, đợi đến lúc hoa Ka Boong bắt đầu nở hoa trắng trên những triền núi thì người Pa Kô bắt đầu chuẩn bị làm lễ A da để cúng mừng lúa mới. Lễ Ada, lễ mừng lúa mới là lễ hội lớn và quan trọng nhất vào dịp cuối năm của đồng bào Pa Kô. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 11 âm lịch, việc chọn ngày sẽ tùy theo quan niệm của các dòng họ. Ngày được chọn có ý nghĩa sẽ là ngày đẹp và mang lại nhiều may mắn nhất trong năm.

Lễ hội Ada gồm cả phần lễ và phần hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, thể hiện nét tín ngưỡng dân gian vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Pa Kô. Lễ hội này cũng được gọi là Tết mừng lúa mới hay mừng cơm mới, là dịp tết sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa Kô.

Thường là người đàn ông chuẩn bị các con vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như đọt mây, đoác… để chế biến các món ăn truyền thống. Trong lễ hội cúng Ada phải có các sản vật cúng Giàng như cơm lam, gà nướng ống, thịt lợn, chim, ếch, cá…

Theo quan niệm của người Pa Kô, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, bởi vào lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá… đến góp vui cùng lễ hội. Trong buôn, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng: Giàng xứ Núi (Thần núi), Giàng Tro (Thần Lúa), Giàng A ưm, Adủa, Atoong (Thần bắp, kê, đậu). Trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách quý gọi là “Khơi” và họ hàng, dân các bản làng khác được mời dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ cúng là phần hội tạo nên sự rộn ràng, hấp dẫn cho lễ hội. Trong phần hội diễn ra những hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như: Chachấp, ba-bói, câr-lơi... Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng… càng thu hút nhiều người trong bản và các bản lân cận cùng đến lễ hội chung vui. Cuộc vui có thể kéo dài hai đến ba ngày thể hiện tình yêu, niềm lạc quan của người Pa Kô trong cuộc sống. Với những nghi thức diễn xướng qua lễ hội còn cho thấy nét đẹp bản sắc văn hóa của tộc Pa Kô. Hiện nay, mặc dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng lễ hội Ada vẫn được người Pa Kô xác định là tài sản văn hóa vô giá nên luôn hết lòng bảo tồn và gìn giữ.

Theo baoquangtri.vn




Dân tộc Tà Ôi Dân tộc Tà Ôi

Tên gọi khác: Tà Ôi, Pa Cô, Tà Uốt, KanTua, Pa Hy...

Nhóm địa phương: Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy.

Dân số: 43.886 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), Ít nhiều gần gũi với tiếng Cơ TuBru - Vân Kiều. Giữa các nhóm có một số khác biệt nhỏ về từ vựng.

Lịch sử: Người Tà Ôi thuộc lớp dân cư tụ lâu đời ở Trường Sơn.

Hoạt động kinh tế: Làm rẫy, trồng lúa rẫy là nguồn sống chính của người Tà Ôi. Cách thức canh tác tương tự như ở các tộc Cơ Tu, Bru - Vân Kiều. Ruộng nước đã phát triển ở nhiều nơi.

Săn bắn, đánh cá, hái lượm đem lại thức ăn đáng kể. Nghề dệt chỉ có ở một số nơi, sản phẩm được các dân tộc láng giềng ưa chuộng (nhất là y phục có đính hoa văn bằng chì và cườm trắng). Ðồ đan mây tre chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp. Ðồ sắt, đồ gốm, đồ đồng chủ yếu do trao đổi với người Việt và các dân tộc khác; quan hệ hàng hoá với bên Lào cũng khá quan trọng. Nay đã sử dụng tiền, nhưng tập quán dùng vật đổi vật vẫn thông dụng.

Ăn: Cơm là lương thực chủ yếu: ngô, sắn, khoai, củ mài... bổ sung khi thiếu gạo. Thức ăn thông thường là các loại rau, măng, nấm, ốc, cá, thịt chim muông. Người Tà Ôi ưa thích món băm trộn tiết gia súc với thịt luộc. Thức ăn gồm nước lã, rượu, đặc biệt rượu chế từ nước thứ cây họ dừa được dùng phổ biến. Họ dùng tẩu tự tạo bằng gốc le hoặc bằng đất nung để hút thuốc lá.

Mặc: Nữ mặc váy ống loại ngắn và áo, hoặc váy loại dài che luôn cả từ ngực trở xuống (ở nhóm Tà Ôi phía biên giới thuộc A Lưới), có nơi dùng thắt lưng sợi dệt, năm quấn khố mặc áo, thường hay ở trần. Ngoài vải do tự dệt người Tà Ôi còn dùng vải mua ở Lào và y phục như người Việt đã thông dụng, nhất là với nam giới. Xưa kia, có những nơi phải dùng đò mặc chế tác từ vỏ cây. Hình thức đeo trang sức cổ truyền là các loại vòng tay, vòng chân, vòng cổ, khuyên tai, bằng đồng, bạc hay hạt cườm, mã não... Phụ nữ đeo cả loại vòng dây đồng quấn thành hình ống ôm quanh đoạn ống chân và cẳng tay. Tục cà răng, xăm trên da và đeo trang sức làm căng rộng lỗ xâu ở dái tai chỉ còn số ít ở các cụ già.

: Người Tà Ôi cư trú trên một dải từ Tây Quảng Trị (huyện Hướng Hóa) đến tây Thừa Thiên Huế (Huyện A Lưới và Hương Trà). Họ ở quần tụ thành từng làng; nhà sàn dài, trước kia dài có khi hàng trăm mét, gồm nhiều cặp vợ chồng cùng các con (gọi là "bếp"). Giữa các bếp trong làng thường có quan hệ bà con thân thuộc với nhau. Mái nhà uốn tròn ở 2 đầu hồi, trên đỉnh dốc có khau cút nhô lên. Trong nhà, mỗi "bếp" (gia đình riêng) đều có buồng sinh hoạt riêng.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu và thường thật là đeo gùi sau lưng. Có các loại, các cỡ gùi khác nhau, đan bằng mây hoặc tre lồ ô. Ðàn ông có riêng loại gùi 3 ngăn (gùi "cánh dơi") như gùi của đàn ông Cơ Tu, dùng khi đi săn, đi rừng, đi sang làng khác.

Quan hệ xã hội: Người Tà Ôi sống theo tập tục cổ truyền, trọng người già, tin theo "già làng", quý trẻ em không phân biệt trai hay gái. Mỗi làng bao gồm người của các dòng họ khác nhau, từng dòng họ có người đứng đầu, có kiêng cữ riêng và tên gọi riêng. Xã hội đã phân hoá giàu - nghèo và có sự khác nhau nhất định về vị thế, nhưng nếp cộng đồng dân làng vẫn đậm nét. Làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản và tự quản trong xã hội cổ truyền.

Cưới xin: Trai gái lớn lên sau khi đã cắt cụt 6 chiếc răng cửa hàm trên thì được tìm hiểu nhau và lấy vợ, lấy chồng. Việc cưới hỏi do nhà trai chủ động. Nhà gái cho con đi làm dâu và được nhận của cải dẫn cưới gồm cồng, chiêng, ché, nồi đồng, trâu, lợn...

Cùng với đám cưới, cô dâu chú rể phải làm lễ "đạp bếp" tại nhà bố mẹ cô gái để đánh dấu từ đó cô ta sẽ thực sự là người nhà chồng, và ít năm sau phải tổ chức lễ tạ ơn "thần linh" đã cho hai người sống yên ổn với nhau. Người Tà Ôi thích cho con trai cô lấy con gái cậu.

Một số người giàu có không chỉ có một vợ.

Sinh đẻ: Phụ nữ phải kiêng kem nhiều trong thời kỳ có thai và sai khi mới sinh, với ý muốn nhờ vậy sẽ dễ đẻ, con dễ nuôi... Việc sinh nở có người giúp đỡ. Con trai hay con gái đều được yêu quý và tâm lý chung thường có cả hai. Sản phụ lao động cho tới khi ở cữ, và cũng chỉ nghỉ ít ngày sau khi sinh con.

Ma chay: Bãi mộ chung của làng chỉ chôn những người chết bình thường. Quan tài đẽo độc mộc. Ở người giàu thì quan tài được làm cầu kỳ hơn ở 2 đầu. Có tục "chia của" cho người chết như ở các dân tộc. Việc mai táng sau khi chết là tạm thời. Vài năm sau khi chôn, tang gia tổ chức lễ cải táng, đưa hài cốt vào quan tài mới và chôn trong bãi mộ, bên cạnh những thân nhân quá cố từ trước. Khi đó, nhà mồ được trang trí đẹp bằng chạm khắc và vẽ.

Thờ cúng: Người Tà Ôi tin mọi vật đều có siêu linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối nước, cây cối cho đến lúa gạo, con người, con vật đều có "thần" hoặc hồn. Việc bói toán và cúng lễ là một phần quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng dân làng. Mỗi dòng họ có một bàn thờ ở nhà trưởng họ, mọi gia đình đều có thể tới đó làm lễ cúng khi ốm yếu, rủi ro, cần khẩn một điều gì đó. Nhiều làng còn thờ cúng chung vật "thiêng" là hòn đá, cái vòng đồng, chiêng, ché... Chúng dị dạng hoặc có xuất xứ khác lạ, được coi là có quan hệ huyền bí đối với cuộc sống của làng.

Lễ tết: Có rất nhiều lễ cúng, liên quan đến sức khoẻ, tài sản, việc ngăn chặn dịch bệnh, việc làm rẫy... Những lễ lớn đều có đâm trâu tế thần và trở thành ngày hội trong làng. Gắn với chu kỳ canh tác có những lễ thức quan trọng nhằm cúng cầu thần lúa, mong bội thu, no đủ. Tết cổ truyền vào thời kỳ nghỉ ngơi sau khi tuốt lúa, trước mùa rẫy mới.

Lịch: Căn cứ vào quy luật tròn - khuyết của mặt trăng để xác định ngày trong tháng. Tháng có 30 ngày, năm có 12 tháng và có ngày tốt, ngày xấu cho các công việc khác nhau.

Học: Cách đây mấy chục năm, chữ viết ra đời trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh để tạo ra bộ vần, lấy tiếng Pa Cô làm chuẩn.

Văn nghệ: Vốn tục ngữ, ca dao, câu đố, truyện cổ khá phong phú. Người già am hiểu thường kể cho con cháu các truyện thời xưa, có tác dụng vừa giải trí, vừa giáo dục. Dân ca có điệu Calơi đối đáp khi uống rượu, hội hè, điệu Ba boih hát một mình khi lao động hoặc đi đường, điệu Roih gửi gắm, dặn dò đối với các bậc con cháu nhân các dịp vui vẻ, điệu Cha chap dành cho tình cảm trai gái của thanh niên...

Nhạc cụ gồm nhiều loại: cồng, chiêng, tù và sừng trâu hay sừng dê, khèn 14 ống nứa, sáo 6 lỗ, nhị vừa kéo vừa điều khiển âm thanh bằng miệng, đàn Ta lư... Chúng được dùng vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau và theo các tập quán sẵn có của đồng bào. Ví dụ: Trong đám ma thì gõ một chiêng với một trống, ở lễ hội vui lại có thêm một tù và, một khèn bè...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm