Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì

Điệu múa uyển chuyển mềm mại của phụ nữ dân tộc Hà Nhì phản ảnh về các hoạt động lao động sản xuất như hái lượm, hái quả. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Điệu múa uyển chuyển mềm mại của phụ nữ dân tộc Hà Nhì phản ảnh về các hoạt động lao động sản xuất như hái lượm, hái quả. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Mường Tè là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với 10 dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Hà Nhì. Dân tộc Hà Nhì chiếm khoảng 20% dân số toàn huyện với nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo được bà con gìn giữ cho tới ngày nay. Trước sự phát triển của hội nhập quốc tế và nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Mường Tè đã chọn xã Ka Lăng làm điểm thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số.

Trong nền văn hóa chung, người Hà Nhì đã sáng tác ra các điệu múa nhằm phục vụ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh, mang tính tập thể. Theo đó, nghệ thuật biểu diễn rất đa dạng với điệu múa như múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa giã bạn, múa xòe…, phản ánh các mặt trong đời sống sinh hoạt phong phú của đồng bào.

Các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì ở xã Ka Lăng đều rất sôi động. Múa nón là một trong những nét văn hóa được các thành viên Câu lạc bộ lựa chọn để tập luyện. Đạo cụ chính là chiếc nón giang cùng những nhịp chân kết hợp với chuyển động của đôi tay nhẹ nhàng, uyển chuyển của người phụ nữ Hà Nhì theo điệu nhạc truyền thống khiến những người chứng kiến không khỏi ấn tượng. Tiếp đến là bài múa xòe vòng, thu hút nhiều người có mặt cùng tham gia. Khi trống vang lên, tất cả thành viên co 2 tay chụm lên trước, 2 chân hơi nhún. Khi người cầm chiêng múa tả cảnh úp bắt cá thì những người khác lại đứng thành một vòng, vung tay, bước chân theo nhịp trống và di chuyển vòng từ trái qua phải và ngược lại.

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì ảnh 1Mùa xòe của dân tộc Hà Nhì được truyền qua nhiều đời thường được biểu diễn trong những ngày lễ Tết người Hà Nhì hay trong đám cưới. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Mỗi bài Dân ca, Dân vũ truyền thống của đồng bào Hà Nhì có sự độc đáo, bản sắc riêng biệt. Riêng các bài múa, động tác đơn giản, không có những bước quay, nhảy mạnh như dân tộc khác mà lại mang tính tập thể, tính cộng đồng cao.

Anh Mạ Lý Phạ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ xã Ka Lăng, huyện Mường Tè chia sẻ: Khi thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì, mình được tín nhiệm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, nỗ lực tuyên truyền cho bà con trong xã giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, Dân ca, Dân vũ rất quan trọng, được coi như món ăn tinh thần gắn bó với cuộc sinh hoạt của đồng bào. Để giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp này của dân tộc, Câu lạc bộ sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cho các cháu học sinh tới nhà văn hóa để truyền dạy lại các điệu múa nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì ảnh 2Các làn điệu dân ca, dân vũ được truyền từ đời này sang đời khác trải qua thực tiễn cuộc sống lao động của tộc người Hà Nhì. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Người Hà Nhì chiếm số đông ở Ka Lăng, sống trên vùng núi cao, gần biên giới nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc khác. Các làn điệu dân ca, điệu múa của đồng bào như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn lưu giữ được di sản văn hóa truyền thống của riêng mình.

Tháng 12/2022, huyện Mường Tè lựa chọn xã Ka Lăng để thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì với 30 thành viên. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục nhân rộng, phát triển ra các địa phương có đồng bào Hà Nhì nói riêng, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Với sự hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ của Phòng Văn hóa - Thông tin, Câu lạc bộ không chỉ sưu tầm, khôi phục các điệu múa mà còn trực tiếp truyền dạy cho các học viên tại địa phương. Qua đó đã khuấy động phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội của xã Ka Lăng.

Ông Lỳ Ló Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết: Xã rất vinh dự được huyện chọn nơi thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì. Thời gian tới, xã Ka Lăng sẽ phát triển Dân ca, Dân vũ sâu rộng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào; truyền bá giá trị văn hóa xã Ka Lăng cũng như cộng đồng người Hà Nhì trên khắp mọi miền đất nước. Cùng đó, xã tiếp tục duy trì và yêu cầu Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếp tục tuyên truyền tới tất cả các bản trên địa bàn xã Ka Lăng khôi phục, duy trì các bản sắc văn hóa dân tộc.

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì ảnh 3Điệu múa uyển chuyển mềm mại của phụ nữ dân tộc Hà Nhì phản ảnh về các hoạt động lao động sản xuất như hái lượm, hái quả. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, thành viên Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì tích cực luyện tập, sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình tham gia biểu diễn, giao lưu tại nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, của huyện. Đặc biệt, nhiều thành viên tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia sưu tầm, phục dựng và truyền dạy những bài Dân ca, Dân vũ.

Với sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện, phong trào luyện tập, biểu diễn văn hóa văn nghệ đã thực sự lan tỏa và đi vào đời sống của người Hà Nhì ở Ka Lăng. Có thể thấy đây là mô hình sinh hoạt tập thể hiệu quả, góp phần quan trọng lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để địa phương tiếp tục nhân rộng ra nhiều nơi, các dân tộc khác trên địa bàn; xây dựng thành những loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các nguồn thu bền vững cho người dân.

Theo ông Tống Văn Kem, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Tè, huyện chọn địa bàn xã Ka Lăng là xã đầu tiên khôi phục, bảo tồn Dân ca, Dân vũ bởi tuy ở khu vực biên giới, có điều kiện kinh tế và đi lại khó khăn nhưng dân tộc Hà Nhì nơi đây vẫn gìn giữ nguyên vẹn được nét đẹp của mình với bản sắc văn hóa rất phong phú. Việc thành lập Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì cũng chính là cụ thể hóa thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 có giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì ảnh 4Người Hà Nhì cũng có nhiều điệu dân vũ phong phú, đặc sắc mang bản sắc riêng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay: Thời gian tới, nhằm bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Hà Nhì nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn nói chung, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, các nghi thức trong sinh hoạt của các dân tộc; phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc; huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cả về quản lý Nhà nước, công tác bảo tồn và kỹ năng nghề du lịch.

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo Dân ca, Dân vũ của đồng bào dân tộc Hà Nhì ảnh 5Một trong những điệu dân vũ Múa nón của người Hà Nhì mang đậm bản sắc riêng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Cùng với đó, huyện cử cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, cán bộ văn hóa xã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch nhằm nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt, mây tre đan… thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách.

Việt Hoàng





(TTXVN)
Dân tộc Hà Nhì Dân tộc Hà Nhì

Tên tự gọi: Hà Nhi gia.

Tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní.

Nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.

Dân số: 21.725 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây Bắc Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.

Hoạt động sản xuất: Người Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo. Họ quen dùng phân chuồng và phân tro trong canh tác lúa nước; đồng thời cũng làm nương cày hoặc nương cuốc để trồng ngô hoặc rau đậu, bầu, bí, bông, chàm...

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con.

Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh nên không trồng được bông phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Phụ nữ dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 cm. Vải bền do kỹ thuật dệt đo được nhuộm chàm nhiều lần. Trồng chàm và nhuộm chàm là một hoạt động rất đặc sắc ở người Hà Nhì.

Hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Ăn: Người Hà Nhì quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, ưa dùng thịt nướng, thịt xào và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà hoặc thịt lợn.

: Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu). Bộ phận làm ruộng bậc thang, nương định canh từ lâu đã sống định cư. Nhiều bản có tuổi trên 100 năm, đông tới 50, 60 hộ. Những nơi làm nương, bản thường phân tán rải rác theo nương.

Ða số cư dân ở nhà đất, tường trình chắc chắn, dày tới 30-40cm, thích hợp với khí hậu lạnh vùng núi cao. Tuỳ từng nơi, nhà có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên ở ngay trong nhà để tránh gió rét. Họ quen nấu cơm bằng chảo ở bếp lò xây trên nền đất.

Phương tiện vận chuyển: Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại và chuyên trở.

Quan hệ xã hội: Tính cộng đồng trong làng bản biểu hiện khá tập trung không chỉ trong sản xuất mà cả trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng.

Gia đình nhỏ phụ quyền song người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia ra thành nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ.

Người Hà Nhì không có tục thờ cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai út. Các thành viên trong gia đình, dù đã ra ở riêng, nếu bị chết phải đưa xác về quàn tại trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ cúng chung với tổ tiên.

Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, nên có vần điệu dễ nhớ. Có họ nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này. Có nơi nghi lễ này cũng được thực hiện trong lễ nhập quan cho người chết.

Cưới xin: Tuỳ từng vùng phong tục cưới xin khác nhau nhưng một điểm chung nhất là các cuộc hôn nhân do trai gái tự tìm hiểu. Ở vùng Bát Xát (Lào Cai), cưới qua nhiều bước. Sau ba lần dạm hỏi, lễ cưới thứ nhất được tổ chức nhằm đưa con dâu về nhà chồng. Lần cưới thứ hai ăn uống linh đình ở nhà gái. Lễ này chỉ diễn ra sau khi đôi vợ chồng làm ăn khá giả, lúc đó họ đã có con, cháu, có người 50-60 năm sau hoặc cho đến khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới này. Ở Tây Bắc, sau lễ hỏi, con rể đến ở rể. Nếu trả ngay tiền cưới thì không phải ở rể, lễ cưới được tổ chức ngay, từ đó con dâu mang họ của chồng.

Sinh đẻ: Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng. Ðể dễ đẻ họ có tục đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Rau đẻ được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò.

Nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải - sinh con gái, bên trái - sinh con trai.

Ma chay: Quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có nắp đậy kín. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Kiêng chôn vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết.

Thờ cúng: Họ tin có linh hồn, thờ cúng tổ tiên, cúng bản và các nghi lễ nông nghiệp.

Lễ tết: Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có Tết cơm mới, Tết mồng năm tháng năm, rằm tháng 7.

Học: Người Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.

Văn nghệ: Người Hà Nhì có nền văn học dân gian với nhiều thể loại như truyện thần kỳ, cổ tích, trường ca, ca dao, thành ngữ...

Dân ca, dân vũ là những hình thức văn nghệ được mọi lứa tuổi ưa thích.

Các loại nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính, đàn môi, sáo.

Chơi: Trẻ em Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm