Tết Khụ Sự Chà - Tết cổ truyền của cộng đồng người Hà Nhì (thuộc hai nhóm là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ) diễn ra vào dịp cuối năm, lúc mùa màng, cây lúa trên nương, ngoài ruộng đã thu hoạch xong và bản làng, núi đồi được nhuộm vàng bởi sắc hoa dã quỳ. Đây là dịp để các gia đình đồng bào dân tộc Hà Nhì sum vầy, đoàn tụ; con cháu báo hiếu tổ tiên, bậc sinh thành; mọi người đi thăm hỏi, cầu chúc cho nhau những điều may mắn giúp tình đoàn kết bản làng càng thêm thắm thiết.
Theo nghĩa phiên âm của nhóm Hà Nhì Lạ Mí, “Khụ” là năm, “Sự” là mới, “Chà” là ăn tết, “Khụ Sự Chà” là ăn Tết năm mới. Nhóm Hà Nhì Cồ Chồ gọi là Tết Hồ Sự Chà có nghĩa là ăn Tết cơm mới. Từ hàng chục năm trước, khi người Hà Nhì về vùng đất cực Tây định cư, lập bản, khai hoang đã chọn ngày bắt đầu ăn Tết cổ truyền là ngày Thìn. Trong ý niệm của người Hà Nhì, ngày Thìn là ngày Rồng, ngày mang ý nghĩa rất đẹp, biểu trưng cho sự hưng thịnh và may mắn. Để chuẩn bị đón và tổ chức Tết, các gia đình dân tộc Hà Nhì đã chuẩn bị gà, gạo nếp, thêu thùa khăn, may trang phục truyền thống mới cho các thành viên; quét dọn, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên sân vườn.
Ngày đầu của Tết Khụ Sự Chà được người Hà Nhì tính từ giờ khắc bước sang ngày mới. Bác Pờ Dần Xinh (bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là già làng, người uy tín của dòng họ ở Sín Thầu cho biết, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng ở mỗi gia đình trong trong dịp Tết cổ truyền của người Hà Nhì. Lễ cúng nhằm thông báo đến tổ tiên về việc làng bản, dòng họ tổ chức ăn Tết và mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình, con cháu. Bánh trôi là món ăn đầu tiên của bậc tiên tổ khi về dự Tết.
Đều tay nặn và thả những chiếc bánh trôi màu sữa vào nồi nước đang nghi ngút khói, bác Sừng Kim Thu (vợ bác Pờ Dần Xinh) chia sẻ, bánh “chà lẹ” làm từ nguyên liệu bột nếp nương đã lựa chọn kỹ, chuẩn bị từ trước. Bột nếp khi nhào trộn đủ nước thì nặn thành từng viên nhỏ, đều rồi thả vào nồi nước sôi, đến khi bánh nổi lên là vớt ra. Bánh chín sẽ được xếp lên một lớp lá chuối non và rắc thêm hạt vừng (mè) đã rang chín lên bề mặt. Ngoài số lượng bánh “chà lẹ” này, gia đình sẽ nặn và nấu ba chiếc bánh trôi có kích thước khá to, dáng hình tròn, đẹp nhất để đặt lên mâm cúng tổ tiên.
Bác Pờ Dần Xinh cho biết thêm, người Hà Nhì gửi gắm vào ba chiếc bánh trôi to, đẹp các thông điệp về sức khỏe, trồng trọt và chăn nuôi. Những chiếc bánh nhỏ tượng trưng cho những ngôi sao trên trời. Mâm cúng đầu tiên trong năm là để cầu mong tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình có sức khỏe dồi dào, làm ăn may mắn, kinh tế đủ đầy, gia đình yên ấm, hạnh phúc, bản làng đoàn kết, thời tiết bốn mùa luân chuyển trong năm thuận hòa, viên mãn, cây trồng, vật nuôi nảy nở, sinh sôi. Khi thực hiện xong lễ cúng tổ tiên, mọi người trong gia đình sẽ cùng ăn bánh trôi và gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới.
Khi màn đêm loãng dần, người đi đường đã có thể nhìn thấy mặt nhau là lúc bản làng rộn ràng, tất bật hơn bởi hoạt động mổ lợn tại các gia đình. Công việc này được các gia đình thực hiện theo các bước trình tự nhất định. Trong ba ngày chính diễn ra Tết Khụ Sự Chà gồm: Ngày Thìn (Rồng), ngày Tỵ (Rắn), ngày Hợi (Lợn), người Hà Nhì chỉ mổ lợn trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba, kiêng mổ vào ngày thứ hai. Bởi vì, ngày thứ hai là ngày “xung khắc”. Nếu các gia đình mổ lợn thì trong năm việc chăn nuôi sẽ không thuận lợi. Trước khi mổ lợn, chủ nhà sẽ rắc lên miệng lợn một chút gạo, muối, rượu, nước được đựng trong những chiếc bát nhỏ để cầu mong sang năm mới sẽ nuôi được nhiều lợn hơn, lợn to hơn, mau lớn hơn. Khi việc mổ lợn hoàn tất, ngoại trừ bộ phận gan, chủ nhà sẽ cắt lấy các bộ phận khác của lợn rồi đem đi luộc chín để bày biện lên mâm cỗ cúng. Số thịt còn lại được chế biến thành các món ăn và bảo quản, sử dụng dần những ngày trong và sau Tết. Nếu người Kinh có tục bói chân gà trong dịp Tết Nguyên đán thì người Hà Nhì lại có tục bói gan, mật lợn. Bộ phận gan, mật lợn đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ. Vì vậy, lợn thịt trong dịp Tết được người Hà Nhì cẩn thận chọn nguồn giống.
Buổi trưa của ngày đầu tiên trong dịp Tết, mọi nhà tổ chức bày biện mâm cỗ tất niên để các thành viên trong gia đình, khách mời trong và ngoài bản đến dự. Ai cũng vui vẻ, lạc quan, cởi mở, cầu chúc những điều may mắn trong năm mới cho nhau, chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn để mọi người phát triển kinh tế gia đình giúp bản làng khởi sắc.
Sáng sớm ngày thứ hai, bản làng thức giấc bởi tiếng giã “gạ bạ” (bánh dày) vang vọng khắp các bản để làm ra những chiếc bánh to, tròn, mịn, dẻo, có hình dáng đẹp dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó, các gia đình sẽ làm nhiều chiếc bánh khác có kích thước nhỏ hơn, đều nhau để dùng dần trong dịp Tết và làm quà biếu bạn bè, du khách. Trưa cùng ngày, người dân sẽ tìm đến các khoảng đất trống trong bản để chơi các trò chơi dân gian, truyền thống của cộng đồng người Hà Nhì như: bập bênh, chơi đu, ném còn... Các bà, các mẹ người Hà Nhì say sưa hát những bài hát về kinh nghiệm ở rể, làm dâu, kiến thức về chăn nuôi, làm ruộng vườn, cách để giữ cho gia đình yên vui, hạnh phúc. Đêm đến, tại bãi đất rộng giữa bản Tả Kố Khừ, mọi người tổ chức diễn văn nghệ với những lời ca, điệu múa truyền thống của người Hà Nhì được các cô gái trình diễn trong sự cổ vũ, tán thưởng của đông đảo người dân. Đêm về khuya, mọi người tạm biệt nhau sau khi kết thúc vòng xòe đoàn kết trong ánh lửa bập bùng, bừng sáng cả một vùng biên cương.
Miền đất biên viễn cực Tây của Tổ quốc Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) từ lâu được người dân cả nước biết đến là vùng đất “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” bởi trên đỉnh Khoan La San (cao gần 1.900 m so với mực nước biển) của dãy Pu Đen Đinh có Mốc 0 - “Mốc giao điểm 3 đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào”. Mốc 0 nổi tiếng bởi sự kỳ vĩ và đẹp bậc nhất, nhì trong các mốc trên biên giới Đông Dương. Cực Tây Tổ quốc A Pa Chải nằm ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) nên vùng đất này là nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Về cực Tây Sín Thầu vào dịp cuối năm, được dự Tết Khụ Sự Chà, du khách sẽ được người dân nơi đây xem như “đứa con của bản”, được cảm nhận văn hóa trọng tình, mến khách, tâm hồn thuần khiết, tính cách cởi mở của người Hà Nhì. Đặc biệt hơn, du khách sẽ có dịp tìm hiểu những lễ thức độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, nét sinh hoạt truyền thống của người Hà Nhì còn gìn giữ, bảo lưu, trao truyền vẹn nguyên trong Tết Khụ Sự Chà.
Xuân Tiến