Chiếc cù của trẻ em trai người Mông được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên môm xôi như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu. Chiếc cù của trẻ em trai người Dao cũng làm từ gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới cũng thu dần thành nhọn, đầu trên thắt thành vai và để nhỏ một đoạn ngắn 2cm như chiếc nắp tích pha trà để làm nơi quấn dây.
|
Đánh cù là trò chơi dân gian quen thuộc của người dân tộc Tày - Thái. |
Chiếc cù của trẻ em trai nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Yên Bái gồm (Tày, Nùng, Thái, Cao Lan, Giáy) cũng được làm từ thân gỗ cứng nhưng lại có đặc điểm hình dạng phổ biến như hình nắp ấm tích pha trà lộn ngược, nơi quấn dây từ dưới lên như kiểu quấn cù của trẻ em người Mông.
Khi chơi đánh cù, khu đất được chọn phải bằng phẳng. Trẻ em thường dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay… khá chắc (riêng dây quấn cù của trẻ em người Mông có buộc thêm một đoạn cây cứng có đường kính khoảng 1,5 cm, dài 35 đến 40 cm), tùy từng loại cù, trẻ em quấn vào phần trên hay phần dưới của chiếc cù sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng cù, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho cù quay tít dưới mặt đất.
Thông thường, chơi cù là một trò chơi tập thể, trẻ em trai phân ra làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 1 đến 2 người hoặc nhiều hơn nhưng không quá 04 người mỗi bên.
|
Chơi cù là một trò chơi tập thể, trẻ em trai phân ra làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 1 đến 2 người hoặc nhiều hơn nhưng không quá 04 người mỗi bên. |
Trước khi vào cuộc chơi, hai bên cùng đồng thời văng mạnh cù của mình xuống đất để chọn bên thắng bên thua; bên thua cù quay dừng trước cù của đối phương. Khi chọn được bên thua thì bên thua phải văng cù của mình xuống cho bên thắng bắt đầu đánh cù, rồi lần lượt bên thua cho cù mình quay trước để từng người bên nhóm thắng dùng cù của mình văng đập chiếc cù đang quay của đối phương dưới đất, nếu cù của người nào dừng quay trước thì cù của người đó thua, và cứ như vậy lần lượt hết số người trong nhóm nếu thắng được đối phương thì đảo lại cho nhóm thứ nhất xuống cù trước, mà nếu nhóm thứ hai vẫn tiếp tục thua thì vẫn phải xuống trước cho đối phương tiếp tục đánh.
Có thể nói, trò chơi dân gian đánh cù yêu cầu trước tiên người chơi phải có sức khỏe, tinh mắt và phải tính toán nhanh chuẩn xác mới đánh trúng cù đang quay di chuyển vị trí liên tục của đối phương dưới mặt đất. Mặc dù trò chơi dân gian trên có chứa đựng những yếu tố giao thoa giữa nhiều các dân tộc khác nhau nhưng trò chơi đánh cù của trẻ em trai các dân tộc miền Tây- Yên Bái có đậm chất thể thao hơn và phản ánh tính sinh hoạt của cộng đồng. Trò chơi dân gian đánh cù này nay đang mai một, rất cần vận động duy trì và phát huy nhất là ở các địa điểm du lịch như Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải... để du khách được tham gia trải nghiệm khá thú vị về môn thể thao này tại nơi vùng cao vùng người Mông Yên Bái.
Theo thegioidisan.vn