Người M’nông sinh sống ở vùng đất Krông Bông đã bao đời nay, những nét đẹp văn hóa truyền thống của họ cũng được lưu giữ qua chiều dài thời gian. Ủ rượu cần để sử dụng trong những dịp cúng tế thần linh hay lễ, Tết cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng mà người M’nông ở nơi đây còn lưu giữ được.
Ông Y Kriêng Bkrông (buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong) là một trong số rất ít người trong buôn còn lưu giữ được cách ủ rượu cần truyền thống của dân tộc. Ông Y Kriêng cho biết, trong buôn, số người biết ủ rượu cần chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và người biết cách làm men rượu từ tinh túy của rừng thì chắc chỉ còn mình ông. Ngày nay, để cho tiện lợi và nhanh chóng thì bà con hay mua men làm sẵn về để ủ rượu, nhưng rượu được ủ từ loại men này không thơm và đậm đà bằng men do chính tay mình làm.
Để tạo được một loại men rượu đúng nghĩa, ông Y Kriêng phải chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu quý. Ngoài nguyên liệu chính là gạo, ông phải vào rừng tìm cho được cây quế cho vào men để tạo vị ngọt và mùi thơm cho rượu. Ngoài ra, một chút bao tử hay ruột non hoặc mật nhím cũng là thành phần quan trọng trong men rượu, giúp tạo nên hương vị đặc biệt trong rượu cần của người M’nông.
Ông Y Kriêng Bkrông (buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong) là một trong số rất ít người trong buôn còn lưu giữ được cách ủ rượu cần truyền thống của dân tộc. Ông Y Kriêng cho biết, trong buôn, số người biết ủ rượu cần chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và người biết cách làm men rượu từ tinh túy của rừng thì chắc chỉ còn mình ông. Ngày nay, để cho tiện lợi và nhanh chóng thì bà con hay mua men làm sẵn về để ủ rượu, nhưng rượu được ủ từ loại men này không thơm và đậm đà bằng men do chính tay mình làm.
Để tạo được một loại men rượu đúng nghĩa, ông Y Kriêng phải chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu quý. Ngoài nguyên liệu chính là gạo, ông phải vào rừng tìm cho được cây quế cho vào men để tạo vị ngọt và mùi thơm cho rượu. Ngoài ra, một chút bao tử hay ruột non hoặc mật nhím cũng là thành phần quan trọng trong men rượu, giúp tạo nên hương vị đặc biệt trong rượu cần của người M’nông.
Mỗi gia đình M'nông ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui đều chuẩn bị rượu cần vào các dịp lễ tết. |
Nói về làm men rượu cần của người M’nông, chị H’Nghiệp Byă (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui) cũng được xem là một trong những người “giàu kinh nghiệm”. Theo chị H’Nghiệp, những gì chị biết được trong quá trình ủ rượu cần là từ bà và mẹ truyền lại. "Linh hồn" của rượu cần được người M’nông dồn vào trong men ủ rượu. Men phải hội đủ các vị đắng, cay, chua, ngọt… thì rượu ủ lên mới đậm vị được.
Để làm ra men ủ rượu, chị H’Nghiệp thường ngâm gạo qua đêm cho mềm, sau đó mang giã nhuyễn cùng với lá bép và trái ớt rồi lọc thành bột. Hỗn hợp bột này cũng cần có một chút bao tử hay ruột non hoặc mật nhím phơi khô, giã nát. Sau khi bột ráo nước thì vắt thành từng cục như chén ăn cơm rồi bọc với lá mía để chỗ kín trong một ngày, đêm và hong khô trong bếp. Cục men sau khi hoàn thành không được phơi nắng, cũng không được để quá lâu. Nếu để quá lâu men bị ẩm, mốc còn nếu phơi nắng sẽ làm hỏng cục men nên sau 24 giờ thì đục lỗ ở giữa cục men và treo trong bếp.
Ủ rượu cần để sử dụng trong những dịp cúng tế thần linh hay lễ, Tết cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng mà người M’nông ở buôn H’Ngô A còn lưu giữ được.
Những người còn lưu giữ cách làm men truyền thống như ông Y Kriêng hay chị H’Nghiệp đều rất tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu đến cách ủ rượu. Ngoài lựa chọn những nguyên liệu tinh túy nhất để làm men thì gạo dùng ủ rượu đều do tự gia đình họ làm ra. Sau khi nấu gạo thành cơm, để nguội thì đem trộn với vỏ trấu và men đã giã nát. Đặc biệt, khi cho cơm vào ché để ủ phải bịt kín bằng lá chuối để rượu có mùi thơm. Rượu trong các loại ché lớn nhỏ khác nhau thì có thời gian ủ khác nhau. Có ché chỉ sau 1 tháng là uống được nhưng có ché phải đợi cả năm trời rượu mới đậm vị.
Ông Y Kriêng Bkrông ở buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong bên những ché rượu cần mới ủ. |
Rượu cần là nét đẹp văn hóa ẩm thực và là thứ không thể thiếu của người M’nông sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên mỗi dịp Xuân về. Uống rượu cần phải uống tập thể, tạo sự kết nối, thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng trong gia đình, cộng đồng. Rượu cần của người M’nông có hương vị nồng nàn khác biệt. Tất cả hương vị của núi rừng được đồng bào M’nông khéo léo quyện vào từng bánh men, để đến khi thưởng thức, thêm chút nước lọc vào trong ché, bao nhiêu hương vị ấy bỗng hiển hiện nơi cần rượu. Hút một ngụm rượu ngậm trong cổ họng, ta có cảm giác như ngậm cả hương rừng ngây ngất, lâng lâng.
Theo baodaklak.vn
TTXVN