Phục dựng lễ hội Phá Bàu của dân tộc S’tiêng

Phục dựng lễ hội Phá Bàu của dân tộc S’tiêng

Ngày 29/12, Ủy ban nhân dân xã An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) tổ chức lễ hội Phá Bàu của dân tộc S’tiêng trên địa bàn xã. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời, thể hiện nhiều giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của cộng đồng người S’tiêng.

Lễ được tổ chức trang trọng, đảm bảo nghi thức lễ hội truyền thống, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là hoạt động lễ hội truyền thống của người S'tiêng chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, phản ánh rõ nét đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy.

Phục dựng lễ hội Phá Bàu của dân tộc S’tiêng ảnh 1Lễ hội Phá Bàu của cộng đồng người dân tộc S’tiêng. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Người có uy tín Điểu Phế cho biết, chính quyền địa phương tổ chức phục dựng lễ hội Phá Bàu truyền thống của dân tộc S’tiêng, bà con rất phấn khởi. Từ xưa đến nay, ý nghĩa lễ hội là cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu... Đồng thời, đây là dịp để cộng đồng người S’tiêng trong và ngoài sóc gặp gỡ, chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhắc nhở các thế hệ con cháu phát huy, gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Có mặt tại buổi lễ, bà Thị Gái phấn khởi chia sẻ, bà được lãnh đạo ấp thông báo có tổ chức lễ hội Phá Bàu nên đi từ rất sớm. Bà và những trong ấp chuẩn bị dụng cụ bán cá truyền thống tham gia lễ hội của dân tộc mình. Bà mong muốn lễ hội này được tổ chức hằng năm để thế hệ sau biết, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Phục dựng lễ hội Phá Bàu của dân tộc S’tiêng ảnh 2Người dân tham gia lễ hội Phá Bàu. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã An Khương Đỗ Duy Minh, lễ hội Phá Bàu chứa đựng nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần của đồng bào S'tiêng. Lễ hội được phục dựng không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh khai thác thủy sản mà còn phản ánh hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa bảo lưu, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người S'tiêng, giúp đồng bào có dịp giao lưu, trao đổi, đồng thời gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Lễ hội Phá Bàu được tổ chức không chỉ phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương mà còn nhằm tạo sân chơi cho tất cả mọi người cùng nhau giao lưu sau những ngày làm việc vất vả. Vào ngày này, không chỉ có đồng bào S'tiêng, người dân trong xã tham gia rất đông, Bí thư Đảng ủy xã An Khương Đỗ Duy Minh cho biết thêm.

Tại buổi lễ, sau nghi lễ cúng, bà con cùng nhau xuống bàu bắt đầu tham gia Phá Bàu. Trong quá trình bắt cá, ai bắt được con cá to trước họ sẽ dâng cho già làng thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người lớn tuổi. Các gia đình khi bắt được cá sẽ đưa lên bờ nướng thưởng thức và làm món ăn giao lưu hoặc cất để đem về nhà.

Sau lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cồng chiêng, thể thao, trò chơi dân gian… tạo không khí vui chơi lành mạnh trong không gian lễ hội.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm