Ngày 17/3, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước diễn ra lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2019.
Lễ hội Phá Bàu phản ánh đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng được bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong ngày đi lễ Phá Bàu, các gia đình chuẩn bị những vật dụng như: nơm, gùi, đồ xúc cá, giỏ đựng, cơm ống, nước uống, canh, cá nướng… Dưới bàu nước, đàn ông, phụ nữ và trẻ em nhanh tay dùng các vật dụng như nơm, đồ xúc để bắt cá.
Ông Lâm Ôn, Trưởng ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chia sẻ, lễ hội Phá Bàu được tổ chức trong những ngày đầu năm mới tạo không khí vui chơi cho bà con. Đây còn là dịp để bà con giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Đoàn Quốc Ngữ cho biết, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer có từ xưa và được xã Lộc Khánh cố gắng khôi phục. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Sau khi được công nhận, địa phương đã giao lại việc tổ chức cho cộng đồng theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, lễ hội đã tổ chức được 3 năm, thu hút đông đảo người dân tham quan.
Xã Lộc Khánh có gần 50% dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, cộng đồng dân tộc Khmer chiếm đa số. Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này, chính quyền và nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Huyện Lộc Ninh đã có phương án giữ lại các bàu nước để duy trì tổ chức lễ hội, đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào bảo vệ các bàu nước, ngăn chặn hoạt động xâm hại, xâm chiếm, đánh bắt cá trái phép tại các bàu nước, thường xuyên bổ sung cá giống để phục vụ tốt cho các hoạt động của lễ hội.
K GỬIH