Lễ hội phá Bàu Vàng của người S'tiêng

Lễ hội phá Bàu Vàng của người S'tiêng
Sóc nào gần bàu nước thì được quyền sở hữu và đứng ra tổ chức, làm chủ lễ hội, mời các sóc khác tham dự. Nếu nhiều sóc cùng sở hữu bàu nước thì cùng tổ chức lễ hội. Các sóc thay nhau tổ chức với mục đích để đồng bào được gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, thể thao, tham gia các trò chơi dân gian, các già làng trao đổi kinh nghiệm, trai gái có dịp tìm hiểu kết bạn.
 
Nghi lễ trong Lễ phá Bàu Vàng của người S'tiêng. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Nghi lễ trong Lễ phá Bàu Vàng của người S'tiêng. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
 
Chuẩn bị lễ hội, già làng thông báo cho các sóc trong khu vực trước một tuần để mọi người biết, chuẩn bị và tham gia. Đi lễ hội, mọi người đều mang theo rượu cần và thực phẩm góp vào ăn với nhau. Mỗi sóc mang theo một bộ cồng chiêng để biểu diễn giao lưu. Vào thời gian đã định, khi mọi người đến đông đủ, các gia đình nhanh chóng làm chòi để tạm trú và sinh hoạt. Thanh niên dựng một cái chòi lớn trước cho già làng. Lễ vật cúng thần linh gồm cơm nếp ống, rượu cần, gà...
 
Đông đảo bà con tham dự lễ hội. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Đông đảo bà con tham dự lễ hội. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Già làng chủ lễ bày lễ vật, trình khấn thần linh xin cho dân làng tổ chức lễ hội. Sau khi khấn xong, già làng thông báo để mọi người được biết rồi cùng ùa xuống bàu dùng các vật dụng tiến hành xúc cá. Những con cá xúc được đầu tiên thường là những con cá to, dành cho các già làng.

Người S’Tiêng quan niệm, ai xúc được những con cá đầu tiên, cá to nhất là những người may mắn, có phước. Họ xúc cá, nướng, ăn tại chỗ và uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng, hát đối đáp giao duyên giữa các đôi nam nữ. Không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt cả một vùng.

Phần không thể thiếu được trong Lễ hội Phá bàu vàng là trò chơi xúc cá. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Phần không thể thiếu được trong Lễ hội Phá bàu vàng là trò chơi xúc cá. 
Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Lễ hội diễn ra trong thời gian nông nhàn nên số người đến dự rất đông. Sau khi sóc của mình tổ chức xong, người dân vẫn ở lại để dự lễ hội của sóc khác. Lễ hội thường diễn ra từ 1 đến 3 ngày, nếu lễ hội cả khu vực thường kéo dài một tháng. Cá xúc được trong lễ hội nếu ăn không hết, người ta xâu lại thành từng xâu nướng khô để dùng dần. Những con cá nhỏ thì làm mắm bò hóc.
Theo binhphuoc.gov.vn

Có thể bạn quan tâm