Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng

Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đánh đàn T’rưng. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN
Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đánh đàn T’rưng. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Đối với cộng đồng người Jơ Lâng (nhánh của dân tộc Bahnar) đang sinh sống tại làng Kon Cheo Leo thuộc thôn 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), bà Y Trieng, 55 tuổi, được ví như “linh hồn” của làng khi am hiểu và thông thạo nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Bà Y Trieng có thể chơi các loại nhạc cụ như K’lông pút, đàn T’rưng, đánh cồng chiêng và múa xoang. Đặc biệt, bà Y Trieng còn là nghệ nhân hát thành thục và biết nhiều bài hát dân ca truyền thống của dân tộc Bahnar.

Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng ảnh 1Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đánh đàn T’rưng. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bà Y Trieng bén duyên với các loại hình văn hóa truyền thống thông qua người mẹ và các lễ hội được tổ chức trong làng. Chính người mẹ đã tận tình chỉ dạy cho bà tạo nên bộ thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Bà Y Trieng cho biết, “lúc đó, đời sống người dân trong làng còn nhiều khó khăn. Mỗi bộ thổ cẩm làm ra sẽ mang đi đổi được một gùi lúa hoặc con heo để ăn. Do đó, nghề dệt thổ cẩm vừa trở thành nguồn sống giúp gia đình vượt qua khó khăn, vừa là cơ hội để bảo tồn văn hóa truyền thống sau này".

Ngoài ra, tại các lễ hội của làng, bà Y Trieng bị thu hút bởi âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng, kết hợp với các loại nhạc cụ truyền thống và điệu nhảy múa xoang uyển chuyển của các cô gái. Từ đó, bà quyết tâm đi theo già làng để học hỏi các loại hình văn hóa truyền thống. Giờ đây, không chỉ thạo đánh cồng chiêng, múa xoang, bà còn sử dụng được các loại đàn như K’lông pút, T’rưng, ting ning…

Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng ảnh 2Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và chồng biểu diễn bài hát dân ca của người Jơ Lâng. Ảnh: Khoa Chương – TTXVN

Bà Y Trieng cho biết, bên cạnh loại hình nghệ thuật truyền thống, cộng đồng người Jơ Lâng xem hát dân ca là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bà đã được nghe dân ca thông qua người bà, người mẹ và tại các mùa lễ hội của làng. Nhờ đó, các bài dân ca như hát ru em ngủ, hát ru cho cả nhà nghe đã hằn sâu trong tâm trí của bà.

Những bài dân ca được bà Y Trieng thể hiện một cách mượt mà, thu hút. Một số bài hát với câu từ đơn giản, mộc mạc, dễ nghe, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng. Người dân làng Kon Cheo Leo đã tin tưởng cử bà làm đại diện tham gia nhiều cuộc thi hát dân ca cấp xã, huyện.

Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng ảnh 3Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) biểu diễn nhạc cụ K’lông pút. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, nhờ chất giọng trong trẻo, bà Y Trieng đã thể hiện nhiều bài hát dân ca mang đậm bản sắc của cộng đồng người Jơ Lâng. Trong đó, nhiều bài hát đã tạo nên thương hiệu của bà Y Trieng là xa bao nao (hát ăn lúa mới), xa sôk (ăn con dúi), bắt ko oh (nhớ em), pơ lung oh (ru em ngủ), me lung Kon (mẹ ru con), tanh brai (dệt vải), gô réch (đuổi chim), năm tơ mir (đi lên rẫy), tơ vih kong tơ gai (trả vòng cầu hôn).

Với định hướng phát triển, đưa làng Kon Cheo Leo trở thành điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng, chính quyền thị trấn Đăk Rve luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, bà Y Trieng được xem là “hạt nhân” giúp khôi phục và giữ gìn nét văn hóa đặc trưng tại địa phương.

Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng ảnh 4Nghệ nhân Y Trieng hướng dẫn các em nhỏ tại làng Kon Cheo Leo ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) tập đánh cồng chiêng. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Ông A Ngắc (Bí thư Chi bộ thôn 5, thị trấn Đăk Rve) cho biết, bà Y Trieng thường xuyên hướng dẫn thế hệ thanh niên trong làng đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca dịp lễ hội. Đây cũng là cách để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương.

Bà Y Trieng là người tiên phong vận động chị em trong làng truyền dạy lại những bài hát dân ca cho con cháu để tránh sự mai một, lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Jơ Lâng. Bà Y Trieng tự sáng tác nhiều bài dân ca về đời sống thường ngày để truyền lại cho con cháu, từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Bà đã nhận đào tạo kỹ thuật hát và truyền lại những bài dân ca truyền thống cho 10 học trò trong làng. Nổi bật trong đó là chị Y Ren (40 tuổi) và Y Manh (44 tuổi) được chọn vào đội văn nghệ của làng để tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện cấp xã, huyện, ông A Ngắc chia sẻ thêm.

Người lưu giữ nét văn hóa của người Jơ Lâng ảnh 5Nghệ nhân Y Trieng ở thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) giới thiệu về góc trưng bày những sản phẩm đặc trưng của người Jơ Lâng (nhánh của dân tộc Bahnar) tại ngôi nhà của mình. Ảnh: Khoa Chương – TTXVN

Qua nhiều năm thực hành và bảo vệ di sản văn hóa truyền thống tại địa phương, bà Y Trieng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2017. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” đối với bà Y Trieng.

Khoa Chương

(TTXVN)
Dân tộc Ba Na Dân tộc Ba Na

Tên tự gọi: Ba Na.

Tên gọi khác: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông...

Nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.

Dân số: 227.716 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.

Hoạt động sản xuất: Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy. Cái cuốc là công cụ chủ yếu trong canh tác nông nghiệp ở tộc người này. Với ruộng khô thì việc thâm canh không bỏ hóa là đặc điểm khác với rẫy. Ruộng khô thường ở vùng ven sông suối. Từ đầu thế kỷ XX, việc làm ruộng nước bằng cày đã ngày càng phát triển ở nhiều nơi. Vườn chuyên canh và vườn đa canh cũng xuất hiện từ lâu. Công việc chăn nuôi và các nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn còn chưa phát triển.

: Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây của Bình Ðịnh, Phú YênKhánh Hòa. Họ cư trú trên nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng, ở giữa làng được xây cất một ngôi nhà công cộng - nhà làng, nhà rông với hai mái vồng và cao vút. Ðó là nhà khách của làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cộng đồng làng như giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức nghi lễ, hội làng, xử án...

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng, cho nam, nữ và cho mọi lứa tuổi. Gùi nhiều kích cỡ to nhỏ và nhiều chủng loại, đan mau và thưa nhưng đều theo một mô típ cổ truyền.

Quan hệ xã hội: Làng là đơn vị xã hội hoàn chỉnh và duy nhất. Tàn dư mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân. Sự tan rã của chế độ mẫu hệ ở đây đã nâng cao địa vị của nam giới nhưng phía mẹ vẫn gần gũi hơn. Sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ. Xã hội có người giàu, người nghèo và tôi tớ.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm