Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được thực hiện tại tỉnh Kon Tum từ năm 2017. Đến nay, qua 4 năm triển khai, đã có trên 40 ý tưởng khởi nghiệp của chị em tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh, 10 dự án đạt giải tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp Quốc gia tổ chức, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao, thay đổi nhận thức và đời sống của các phụ nữ tham gia, nhất là đối với chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong hai giải Nhì (giải sáng tạo) của Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp quốc gia năm 2021 là dự án “Liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững” của chị Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô, Kon Tum). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ đồng, với mục tiêu tạo sinh kế cho chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum, tăng giá trị dược liệu được sản xuất tại địa phương và tạo công ăn, việc làm cho chị em trên địa bàn.
“Xuất phát từ việc tài nguyên đất đai của huyện Đăk Tô còn rất lớn, trong khi nhiều chị em không biết khai thác, để hoang hóa hay trồng các loại cây có giá trị thấp nên tôi đã có ý tưởng thành lập dự án này. Thực hiện dự án, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ, xây dựng vùng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO, đầu tư nhà máy đạt chuẩn ISO 22000, xây dựng thương hiệu OCOP đặc sản Kon Tum và xây dựng hệ thống phân phối. Hiện đã có 35 hộ gia đình của các chị em, với 150 lao động tham gia dự án”, chị Lương Thị Mỹ Huệ chia sẻ.
Theo kế hoạch, dự án “Liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững” sẽ chính thức thực hiện từ tháng 11/2021. Tuy nhiên, hiện nay một số chị em đã tham gia vào việc sản xuất khởi động cho dự án từ cuối năm 2020. Chị Dương Thị Khắc (dân tộc Tày, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) cho biết, gia đình chị có 3 ha đất tham gia vào dự án, trồng các loại dược liệu như Đảng sâm (sâm dây), lạc tiên, khổ qua rừng. Trước đây, diện tích này chị Khắc trồng một số loại cây dược liệu nhưng kém hiệu quả, không cho thu hoạch. Tuy nhiên, khi tham gia vào dự án, chị được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên đến nay, các loại dược liệu đã phát triển tốt, cho thu nhập bước đầu khoảng 15 triệu đồng cho 0,6 ha lạc tiên, khổ qua rừng.
Bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cho biết, ngay từ thời điểm Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã khẩn trương bắt tay vào việc tuyên truyền, vận động chị em trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện các dự án khởi nghiệp. Đặc biệt, việc tuyên truyền được các cấp Hội chú trọng vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi các chị em thường bị động, không mạnh dạn tham gia các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế.
Sau khi tổ chức tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo trong ba năm liên tiếp (2019-2021), qua đó đã chấm điểm và trao giải cho hơn 40 ý tưởng khởi nghiệp của các chị em trên địa bàn tỉnh, với gần 1.000 phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án. Đến nay, các ý tưởng này đã và đang triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức của chị em. Điển hình như Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (huyện Tu Mơ Rông) với dự án phát triển các sản phẩm OCOP từ sâm dây; Hợp tác xã Dục Nông (huyện Ngọc Hồi) với dự án các sản phẩm gác bếp từ lợn, bò; Hội Phụ nữ huyện Đăk Glei với dự án trồng và bán các sản phẩm từ sâm dây.
Đối với dự án “Liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đánh giá cao dự án sát với thực tế, hỗ trợ trực tiếp cho việc thay đổi suy nghĩ, lối canh tác và thu nhập của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, Hội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ để dự án sớm được triển khai, đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực.
“Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng, các chuyên gia đầu ngành về khởi nghiệp để tập huấn chuyên môn, kiến thức cho các dự án khởi nghiệp của các phụ nữ; đồng thời, nắm bắt các chủ trương phát triển của tỉnh theo vùng để khuyến khích chị em có thêm ý tưởng khởi nghiệp như phát triển dược liệu hay nuôi lợn rừng lai… Bên cạnh đó, chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp như Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đặc biệt là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để có thêm nguồn vốn hỗ trợ các ý tưởng để triển khai thực hiện”, bà Phong Lan cho biết thêm.
Ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum rất chú trọng việc kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với các tổ chức tín dụng để phụ nữ có thể tiếp cận được nguồn vốn, phát triển sản xuất các ý tưởng của mình.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kon Tum cho biết, đến hết tháng 9/2021, 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Hội Liên hiệp Phụ nữ ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ ủy thác trên 1.200 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ ủy thác của toàn tỉnh.
“Đối với các mô hình, dự án kinh doanh, khởi nghiệp của các chị em đều được Hội Liên hiệp Phụ nữ khảo sát, thẩm định kỹ càng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố hướng dẫn hồ sơ và tổ chức giải ngân. Đến nay, các nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương đã giải ngân cho 42 hộ dân với trên 3 tỷ đồng để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chăn nuôi gắn với các dự án khởi nghiệp. Các mô hình liên kết này đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia các dự án khởi nghiệp”, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Trước những kết quả khả quan trong 4 năm qua, bà Trần Thị Phong Lan khẳng định Hội Liên hiệp Phụ nữ Kon Tum sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ về kiến thức, năng lực, kỹ năng quản lý, tài chính cho các chị em trên địa bàn tỉnh có các dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Cụ thể là sẽ tranh thủ các hoạt động của Trung ương Hội; mời các chuyên gia tổ chức các lớp tập huấn cho chị em; tranh thủ các nguồn lực địa phương; tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp. Mục tiêu là trong 5 năm (2021 – 2025) sẽ hỗ trợ cho 200 dự án, ý tưởng khởi nghiệp; thành lập 50 mô hình kinh tế tập thể và 10 hợp tác xã kiểu mới do các chị em đứng đầu, quản lý.
Dư Toán