Cả làng hiện có gần 19ha trồng lúa nước và cây lâm nghiệp, hơn 40ha cây chè và cây bưởi đặc sản. Đón xuân Mậu Tuất 2018, niềm vui của đồng bào nơi đây được nhân lên bởi làng được Nhà nước đầu tư làm tuyến đường bê tông liên thôn mới nối liền đến tận cổng nhà các hộ dân.
Người cao tuổi Cây Lai thưởng thức trái bưởi Sửu, đàm đạo câu chuyện chuẩn bị đón Xuân, vui Tết. |
Già làng Trần Văn Dự cho biết: Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cơ sở hạ tầng cho bà con kịp đón Tết cổ truyền. Ngay thời điểm này, các gia đình đã “để dành” những cây đào thế, những trái bưởi cây lâu năm để đón xuân. Tết Nguyên đán nhà nào cũng “rậm rịch” chuẩn bị ăn Tết từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch với đầy đủ các loại bánh: Chưng, gai, mật… và không thể thiếu bún là món ăn phổ biến đặc trưng được bà con làm thủ công truyền cho nhau qua các thế hệ.
Chuẩn bị Tết từ ngày 28 tháng Chạp tất cả các dụng cụ lao động trong gia đình đều được dán giấy đỏ bằng tiếng dân tộc Cao Lan có ý nghĩa các đồ vật cũng được nghỉ Tết như con người. Toàn bộ ngôi nhà của đồng bào đều được nhuộm sắc đỏ rực rỡ trong ngày Tết. Theo quan niệm của người Cao Lan, dán giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ ở những nơi quan trọng chính là sự khởi điểm đón năm mới ấm no, an khang và hạnh phúc.
Đón Tết cổ truyền của đồng bào Cao Lan Cây Lai cũng giống như các dân tộc khác, từ sáng sớm 30 Tết đã dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ dùng trong nhà và trang hoàng, sửa soạn mâm ngũ quả trên ban thờ Tổ tiên. Sáng mùng 1 già làng cùng các bậc cao niên làm mâm cỗ thịnh soạn cúng lễ Thành hoàng và xin âm dương cho cả làng được vạn sự tốt lành, mùa màng tốt tươi. Mùng 2 Tết các bà, các chị cùng đám thanh niên đi chơi chúc tết làng bên xóm dưới với những trò chơi dân gian truyền thống và những làn điệu Sình ca làm mê đắm lòng người.
Theo baophutho.vn