Lễ bỏ mả của người Raglai

Lễ bỏ mả của người Raglai
Vừa qua, trong khuôn khổ Lễ hội nho và vang Ninh Thuận 2019, lần đầu tiên lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai được tái hiện tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc - địa phương có trên 1.000 hộ dân, hơn 97% là người Raglai.
Các thầy cúng cùng gia chủ đi vòng quanh mâm lễ vật và Kago - vật phẩm hình chiếc thuyền được chạm khắc cầu kỳ từ thân gỗ nguyên khối, thể hiện sự đầy đủ mà người sống làm để dành tặng cho người chết. Ảnh: Phúc Thanh
Các thầy cúng cùng gia chủ đi vòng quanh mâm lễ vật và Kago - vật phẩm hình chiếc thuyền được chạm khắc cầu kỳ từ thân gỗ nguyên khối, thể hiện sự đầy đủ mà người sống làm để dành tặng cho người chết. Ảnh: Phúc Thanh

Lễ bỏ mả là nghi thức quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời, đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Raglai. Đây là nghi lễ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người đã khuất; sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên, là thước đó văn hóa ứng xử giữa con người với con người.

Các thầy cúng thực hiện nghi thức tiễn vong linh ngưới quá cố về với tổ tiên. Ảnh: Phúc Thanh
Các thầy cúng thực hiện nghi thức tiễn vong linh ngưới quá cố về với tổ tiên.
Ảnh: Phúc Thanh

Kết thúc lễ bỏ mả là nghi thức tiễn biệt vong linh người quá cố trở về cõi vĩnh hằng với một bữa cơm thịnh soạn do các thành viên trong gia đình và họ hàng tổ chức. Theo quan niệm của người Raglai, trước khi đi xa, linh hồn người chết phải được ăn uống no nê để họ có sức khỏe trên hành trình tìm về với tổ tiên. Sau bữa ăn lớn này, người Raglai còn làm thêm hai lễ cúng nhỏ nữa cho người quá cố trước khi bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội.

Lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai thường diễn ra trong ba ngày. Ảnh: Phúc Thanh
Lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai thường diễn ra trong ba ngày.
Ảnh: Phúc Thanh
Phúc Thanh
(DTMN)
Dân tộc Ra Glai Dân tộc Ra Glai

Nhóm địa phương: Rai (ở Hàm Tân - Bình Thuận), Hoang, La Oang (Ðức Trọng - Lâm Ðồng)...

Dân số: 122.245 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Pôlynêxia (ngữ hệ Nam Ðảo). Do có sự tiếp xúc với các dân tộc khác quanh vùng nên ở người Ra Glai đã xuất hiện tượng song ngữ và đa ngữ. Tiếng phổ thông hiện giữ một vai trò quan trọng, là ngôn ngữ giao tiếp của người dân nơi đây với những dân tộc cận cư khác.

Lịch sử: Người Ra Glai đã sinh sống lâu đời ở vùng miền Nam Trung bộ.

Hoạt động sản xuất: Nghề làm rẫy luôn chi phối các hoạt động kinh tế khác. Trên rẫy đồng bào trỉa cả lúa, bắp, đậu, bầu bí và cây ăn trái. Rẫy được phát bằng chà gạc, rựa hoặc rìu. Cư dân sử dụng đoạn gỗ ngắn, nhọn đầu để trỉa giống, làm cỏ rẫy bằng chiếc cào nhỏ và thu hoạch lúa bằng tay... Rèn và đan lát là hai nghề thủ công khá phát triển... Chăn nuôi phổ biến với các đàn gia súc, gia cầm gồm trâu, lợn, gà, vịt... Ngày nay cư dân đã biết trồng cấy lúa nước.

Có nhiều cách chế thóc thành gạo: xay, cối giã gạo bằng chân, cối giã gạo bằng sức nước, cối giã gạo bằng chày, tay... Người Ra Glai cũng như các dân tộc Tây Nguyên phổ biến giã gạo bằng chày tay.

Cồng chiêng là nhạc cụ rất phổ biến ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Nam nữ, người già, người trẻ Ra Glai đều say sưa chơi và thưởng thức tiếng cồng chiêng trong các đêm hội.

Ðàn môi là một loại nhạc cụ truyền thống của người Ra Glai, các bộ phận của đàn được làm bằng các chất liệu khác nhau: nhôm, lá đồng, tre, dây đàn, sáp ong. Khi thổi tay phải giữ bệ đàn, thân đàn cho vào môi ngậm, ngón tay trỏ của tay trái gầy vào đầu nốt nhạc.

Ăn: Sáng và chiều là hai bữa ăn chính. Cơm trưa thường được mang lên rẫy. Canh nấu lẫn thịt, cá và các loại rau là món ăn được ưa thích. Ðồ uống gồm nước lã đựng trong vỏ bầu khô và rượu cần. Thuốc lá tự thái, quấn trong vỏ bắp ngô được dùng phổ biến trong các gia đình.

Mặc: Rất khó tìm thấy y phục truyền thống của người Ra Glai. Ngày nay, đàn ông thì mặc quần âu và áo sơ mi, đàn bà mặc váy hoặc quần với áo bà ba. Thời xa xưa, đàn ông nơi đây ở trần, đóng một loại khố đơn giản, không có hoa văn trang trí. Những ngày lễ hội truyền thống, phụ nữ mặc áo dài, phía trên được ghép thành những ô vuông màu đỏ trắng xen kẽ nhau.

: Người Ra Glai ở trong vùng núi và thung lũng có độ cao từ 500-1000m, tập trung ở các huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), Bắc Bình (Bình Thuận) và một số nơi thuộc Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Ðồng. Trước đây, họ ở nhà sàn. Hiện nay, nhà đất đã khá phổ biến. Những căn nhà thường có dạng hình vuông, chỉ rộng chừng 12-14m2. Một vài nhà lớn hơn, có hình chữ nhật. Kỹ thuật lắp ghép rất đơn sơ, chủ yếu sử dụng chạc cây và dây buộc. Mái lợp bằng tranh hoặc lá mây. Vách được che bằng phên đan hay sử dụng đất trát.

Phương tiện vận chuyển: Như các dân tộc khác trên Trường Sơn - Tây Nguyên, phương tiện vận chuyển của người Ra Glai là gùi. Gùi được đan đơn giản, không hoa văn trang trí. Gùi có các kích cỡ khác nhau, phù hợp với đôi vai của từng người và từng công việc cụ thể.

Quan hệ xã hội: Mỗi làng là nơi sinh sống của nhiều dòng họ. Trong những trường hợp cần thiết "Hội đồng già làng" hình thành dựa trên sự thừa nhận của mọi thành viên trong làng. Mỗi đơn vị cư trú đều có một người đứng đầu, là người có công tìm đất lập làng. Khi nhiều làng cùng sinh tụ trên một vùng rừng núi thì ở đó có một người là chủ núi bên cạnh các chủ làng... Tầng lớp thày cúng cũng đã hình thành. Tuy nhiên, mọi quan hệ xã hội của người Ra Glai trước kia và hiện nay đều chịu sự chi phối của chế gia đình mẫu hệ.

Cưới xin: Tình yêu của trai gái trước hôn nhân được người Ra Glai tôn trọng. Việc cưới xin phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục khá phức tạp. Lễ cưới được tiến hành cả ở hai bên gia đình: nhà gái trước, nhà trai sau. Quan trọng nhất trong lễ cưới là nghi thức trải chiếu cho cô dâu, chú rể. Cô dâu, chú rể ngồi trên chiếu này để hai ông cậu của hai bên cúng trình với tổ tiên, thần linh về việc cưới xin. Cũng chính trên chiếc chiếu này, họ ăn chung bữa cơm đầu tiên trước sự chứng kiến của hai họ. Sau lễ cưới, việc cư trú bên vợ đang còn phổ biến.

Sinh đẻ: Trước và sau khi sinh nở, phụ nữ Ra Glai kiêng một số thức ăn, không nói tên một vài loài thú và tránh làm những công việc nặng nhọc. Họ được chồng dựng cho một căn nhà nhỏ ở bìa rừng để sinh đẻ. Họ đẻ ngồi và tự mình giải quyết các công việc khi sinh. Một số nơi, sản phụ được sự giúp đỡ của một người đàn bà giàu kinh nghiệm. Khi sinh xong, người mẹ bế con về nhà và khoảng 7 ngày sau họ tiếp tục làm các công việc như bình thường. Ngày nay, phụ nữ nơi đây đã đến sinh đẻ ở trạm xá, với sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh.

Ma chay: Người chết được quấn trong vải hoặc quần áo cũ rồi đặt trong quan tài bằng thân cây rỗng hay quấn bằng vỏ cây là tuỳ theo mức giàu nghèo của gia đình. Người chết được chôn trên rẫy hoặc trong rừng, đầu hướng về phía tây. Khi có đủ điều kiện về kinh tế người ta làm lễ bỏ mả, dựng nhà mồ cho người chết. Quanh nhà mồ được trồng các loại cây như: chuối, mía, dứa và khoai môn. Trên đỉnh nhà mồ còn có hình chiếc thuyền và những chú chim bông lau. Vật dụng thuộc về người chết được phá hỏng, đặt quanh nhà và trong nhà mồ.

Thờ cúng: Người Ra Glai cho rằng có một thế giới thần linh bao quanh và vượt ra ngoài hiểu biết của họ. Các vị thần đều có thể bớt gây tai họa hay trợ giúp họ nếu được cúng tế và thỉnh cầu. Vong linh người chết là lực lượng siêu nhiên gây cho họ nhiều sợ hãi nhất. Cư dân còn tin vào sự linh hoá của các loại thú vật... Vì vậy, hàng năm thường xuyên diễn ra các nghi lễ cúng bái với việc hiến tế để mong thần linh giúp đỡ. Việc cúng tế này đã có sự tham gia của lớp thầy cúng, họ đang dần tách khỏi lao động và coi cúng bái như một nghề nghiệp chính thức.

Lễ tết: Theo chu kỳ sản xuất, người Ra Glai thường tiến hành các nghi lễ khi chọn rẫy, phát và đốt rẫy, gieo trỉa và thu hoạch. Theo chu kỳ đời người, đó là các lễ tiết khi sinh nở, lúc ốm đau, rồi cưới xin, ma chay... Những nghi lễ lớn trong năm thường tập trung vào khoảng tháng 1-2 dương lịch, khi đã thu hoạch rẫy, gồm cả lễ mừng thu hoạch, cưới xin và lễ bỏ mả. Ðây chính là những ngày tết của cư dân vùng này.

Văn nghệ: Ðó là những truyện cổ tích, thần thoại, những làn điệu dân ca, những câu tục ngữ, ca dao... thể hiện tâm tư, tình cảm của cư dân. Ðó cúng còn là bộ nhạc cụ khá phong phú của người Ra Glai. Bộ chiêng đồng đầy đủ với 12 chiếc. Tuy nhiên, có thể sử dụng 4, 6, 7 hay 9 chiếc. Khèn bầu, khèn môi, đàn ống tre khá phổ biến. Người Ra Glai cũng là cư dân biết sử dụng những thanh đá kêu, ghép thành bộ thường gọi là đàn đá, đánh thay chiêng, khá độc đáo và lý thú.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm